Bài viết đăng tải trên diễn đàn Toutiao (MXH của Trung Quốc) gây chú ý khi chia sẻ về câu chuyện của bà Khâu.
***
Tôi họ Khâu, năm nay 57 tuổi. Tôi đã nghỉ hưu, mỗi tháng nhận được khoảng 5000 NDT (khoảng 18 triệu đồng) lương hưu, mỗi tháng tôi chỉ tiêu dưới 1000 NDT (khoảng 3,5 triệu đồng). Với mức lương như vậy, sau khi nghỉ hưu tôi nên được hưởng thụ cuộc sống an nhàn, thoải mái, thỉnh thoảng đi du lịch cũng không có vấn đề gì. Nhưng vì con trai tôi, tôi đã không thể tận hưởng cuộc sống nhàn hạ như những người cao tuổi khác.
Sau khi tốt nghiệp đại học, con trai tôi quyết định ở lại thành phố để làm việc. Đó là một thành phố hạng nhất, phát triển tốt và có nhiều cơ hội. Tôi cũng muốn con ở bên cạnh mình, nhưng cũng mong con có cuộc sống tốt hơn, vì vậy tôi tôn trọng quyết định của con.
Khi con trai chuẩn bị kết hôn, con nói với tôi rằng muốn mua một căn nhà ở đó. Tôi nghe thấy vậy cảm thấy rất áp lực vì giá nhà ở đó rất cao. Con trai dự định ở lại đó lâu dài, con dâu cũng làm việc ở đó, đã kết hôn thì phải có một ngôi nhà.
Tôi đã rút hết toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình, tổng cộng là 800.000 NDT (khoảng 2,8 tỷ đồng), đây là số tiền mà tôi đã dành dụm trong nhiều năm. Tôi đã dùng hết để giúp con trai mua nhà. Bên thông gia cũng đóng góp một phần, bao nhiêu thì tôi không rõ, nhưng sau đó mỗi tháng vẫn phải trả khoản vay hơn 10.000 NDT (khoảng 35 triệu đồng).
Con trai tôi thu nhập khoảng 250.000 NDT (khoảng 881 triệu đồng) mỗi năm, con dâu thì thu nhập hàng tháng khoảng 7000 - 8000 NDT (khoảng 25 triệu đồng - 28 triệu đồng). Chi phí sinh hoạt ở đó cũng cao, sau khi nghỉ hưu tôi không thể thờ ơ, quyết định đi làm kiếm tiền để giúp đỡ con trai.
Với độ tuổi của tôi, tìm việc làm không dễ. Tôi chọn làm công việc dọn dẹp theo giờ, nhận việc từ 2 gia đình. Mỗi tháng tôi có thể kiếm được 3.900 NDT (khoảng 14 triệu đồng). Tổng thu nhập hàng tháng của tôi là 8.900 NDT (khoảng 31 triệu đồng), tôi dành ra 6.000 NDT (khoảng 21 triệu đồng) để hỗ trợ con trai, phần còn lại tôi giữ lại 900 NDT (khoảng 3 triệu đồng) cho chi phí sinh hoạt hàng tháng, còn 2.000 NDT (khoảng 7 triệu đồng) tôi để dành tiết kiệm.
Thật ra, làm công việc theo giờ không hề nhẹ nhàng. Mỗi ngày, tôi phải dành 2-3 tiếng liên tục để làm xong việc nhà cho chủ nhà, tương đối vất vả. Nhìn thấy những người bạn xung quanh mình hàng ngày đi dạo, uống trà, trò chuyện, tôi cũng thấy khá ghen tị.
Mỗi lúc nghĩ đến con trai, tôi cũng chẳng còn cách nào, chỉ biết cúi đầu tiếp tục làm việc. Cho đến một ngày, tôi mới hiểu ra mọi chuyện. Hôm đó, vào buổi trưa, tôi tình cờ nhìn thấy bảng lương của con trai do con gửi nhầm. Tôi đọc cái gì cũng rất nhanh, trong chưa đầy 20 giây, tôi đã nhớ rõ ràng mọi thứ trên bảng lương đó. Hóa ra con trai đã nói dối tôi, lương của con không phải 250.000 NDT (khoảng 879 triệu đồng) một năm.
Lương tháng 4 đã có 31.467 NDT (khoảng 110 triệu đồng), tính ra thì mỗi năm ít nhất cũng hơn 300.000 NDT (khoảng hơn 1 tỷ đồng). Cộng thêm tiền thưởng hiệu suất và thưởng cuối năm, chắc chắn còn nhiều hơn nữa.
Nhưng 2 tháng trước, khi tôi hỏi con trai có tăng lương không, con vẫn nói là "như cũ", ai ngờ tất cả đều là nói dối. Tôi thực sự không hiểu sao con trai lại trở nên như vậy. Tôi chỉ có một đứa con trai duy nhất, vậy mà con lại lừa dối tôi vì tiền, tôi không thể không để tâm.
Không ngờ rằng mấy năm qua con đều không để tôi đến thăm, hóa ra là sợ tôi phát hiện ra sự thật, lo rằng tôi sẽ không tiếp tục hỗ trợ nữa.
Tôi cảm thấy rất đau lòng đến mức rơi nước mắt. 2 năm nay, tôi rất tiết kiệm, quần áo đều là mặc lại những cái đã mua từ trước, không nỡ chi tiền mua một bộ quần áo mới cho mình. Khi bạn bè rủ tôi đi chơi, chỉ cần là những chỗ cần chi tiêu nhiều, tôi đều từ chối, chỉ để tiết kiệm thêm chút tiền. Nhưng cuối cùng tôi phát hiện ra rằng những gì tôi hy sinh không đáng.
Bây giờ tôi mới tỉnh ngộ. Tôi quyết định từ giờ sẽ không đưa tiền để hỗ trợ con trai nữa. Tôi đã bỏ ra 800.000 NDT (khoảng 2,8 tỷ đồng) để mua nhà cho con, và trong 2 năm qua, mỗi tháng tôi cũng hỗ trợ 6.000 NDT (khoảng 21 triệu đồng), đó cũng là một khoản lớn.
Tôi không còn nhiều tiền tiết kiệm, tôi phải nghĩ cho bản thân mình. Tôi sẽ tiếp tục làm công việc theo giờ, nhưng không còn đưa tiền cho con trai nữa, tôi sẽ tiết kiệm số tiền đó để dùng cho tuổi già.
Hiện tại tôi mới 57 tuổi, sức khỏe cũng khá tốt, tôi có thể làm việc thêm vài năm nữa. Trong những năm này, tôi có thể tiết kiệm một khoản tiền, cộng thêm mỗi tháng tôi có tiền hưu trí, cũng đủ cho chi phí sinh hoạt về sau.
Ngày 10 tháng sau đó, cũng chính là ngày tôi nhận tiền lương hưu, nhưng tôi không chuyển tiền đi. Hôm sau, con trai nhắn tin bóng gió, nghĩ rằng tôi đã quên.
Dù tôi không nói rõ với con trai rằng tôi đã biết về lương của con, nhưng tôi cũng nói rõ ràng với con: “Con à, mẹ đã dùng hết tiền tiết kiệm để giúp con mua nhà. Mẹ cũng lớn tuổi rồi, nếu có bệnh tật, mẹ cũng không có tiền. Mẹ đã giúp con 2 năm rồi, giờ mẹ phải lo cho bản thân. Từ giờ mẹ sẽ không hỗ trợ cho 2 con nữa, con cũng đã đến tuổi trưởng thành, nên học cách tự lo cho gia đình nhỏ của mình rồi”.
Sau khi nghe xong, con trai cũng nhận ra rằng tôi đã nhìn thấy bảng lương của con, con không giải thích gì thêm và chấp nhận điều này.
Tôi nghĩ rằng, cha mẹ vẫn nên giữ lại tiền cho mình, không thể dồn hết tiền cho con cái. Tôi cảm thấy mình may mắn khi phát hiện sớm, bản thân vẫn còn trẻ, còn có thể kiếm tiền, và còn có lương hưu.
Nếu tôi không có lương hưu, cũng không có khả năng kiếm tiền, thì cuộc sống sau này của tôi sẽ ra sao? Vì vậy, chúng ta cần phải có sự tỉnh táo để lo cho tuổi già của mình. Trong khả năng của mình, chúng ta có thể giúp đỡ con cái một cách hợp lý, nhưng không nên cho hết tiền bạc, như vậy dễ khiến cuộc sống của bản thân không được đảm bảo.
Theo Minh Nguyệt (Nguoiduatin.vn)