Mấy hôm nay, cô Huỳnh Thị Phương Chi (40 tuổi), giáo viên ở Trung tâm học tập cộng đồng Thạnh Lộc (quận 12, TP HCM) chốc chốc lại giở ngăn cặp, lục lại lá thư của cậu học trò cũ, mỉm cười hạnh phúc. Lá thư màu hồng tươi với nét chữ vụng, nhiều lỗi chính tả của Châu Tuấn (13 tuổi), hiện học lớp 4.
"Nhà Tuấn nghèo lắm, cha mẹ làm mướn ở quận 12. Mấy năm trước, Tuấn vào lớp 1 ở trung tâm, học đến ba năm tôi mới cho lên lớp vì em học yếu", cô Chi kể.
Sáng qua, khi đang dạy lớp một tập viết thì Tuấn bẽn lẽn xin phép gặp, rồi cậu ngập ngừng đưa lá thư này cô giáo cũ với lời nhắn nhủ: "Em chúc cô ngày 20/11".
Đọc thư, cô Chi cười, bởi nhận ra những bài học cô từng dạy Tuấn được cậu viết ra ở mấy dòng đầu, mấy dòng sau là tự sự của cậu học trò. Lá thư hơi trúc trắc trong diễn đạt nhưng mang nét chân chất, lại pha chút thậm xưng.
"Hạnh phúc lắm, tôi cứ đọc đi đọc lại, rất thương trò và cảm nhận tình cảm chân thật của trò với mình", cô nói, giọng xúc động.
"Cầm bút lên em muốn viết bài thơ,
Người đã cho em cả bầu trời tri thức,
Viết về tuổi thơ ấu bên cô,
Cô đã dạy cho em những bước đi đầu đời,
Cô còn nhớ ngày xưa cô vẫn dạy,
Không kiến thức thức thì không thể thành công.
Thế mà cũng đã một năm rồi từ ngày xa lớp của cô thân quen, xa những giờ học, giờ chơi trên lớp của cô, xa những hàng cây xanh che bóng mát đến trường.
Giờ sức khỏe của cô cũng khác rồi. Mái tóc của cô cũng có bạc, giọng nói của cô cũng yếu hơn xưa, chỉ có nụ cười vẫn không thay đổi.
Chắc tại cô luôn yêu chúng em, vì thế mà mỗi khi gặp khó khăn em thường nghĩ đến nụ cười xưa ấy mà dặn lòng sẽ vượt qua được.
Nếu như ta luôn biết cười thì không có gì có thể ngăn cản ta.
Hôm nay mừng kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Em chúc cô sức khỏe, niềm tin, luôn vượt qua sóng gió,
Thời gian ơi xin dừng lại để chúng em được cúi đầu một lần nữa. Gọi tiếng cô với niềm tin yêu cô..."
Trung tâm học tập cộng đồng Thạnh Lộc lọt thỏm trong khu phố ở ngoại thành Sài Gòn, là nơi học tập của hơn trăm học sinh, chủ yếu là con em người lao động nhập cư. Họ không có điều kiện cho đi học chính quy nên gửi vào đây.
Những người đứng lớp ở trung tâm, hầu hết là "không chính quy", bởi xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau, dạy học cho trẻ trên tinh thần tự nguyện. "Trẻ ở đây nghèo nhưng sống rất tình cảm lắm, tới các dịp lễ là tụi nhỏ vẽ thiệp trên giấy tập tặng các cô giáo", cô Chi chia sẻ.
Gần 20 năm trước, cô Chi tốt nghiệp Đại học Ngân hàng ngành Kế toán, đi làm được vài tháng thì bị tai nạn giao thông. Sức khỏe yếu, chị không thể đi làm nên ở nhà phụ việc gia đình.
Năm 2007, cô được giới thiệu vào trung tâm dạy học như một tình nguyện viên không lương, không phụ cấp và gắn bó với trung tâm tới nay.
Hiện, cô Chi và nhiều cô giáo khác ở trung tâm không có lương, chỉ nhận phụ cấp cho giờ đứng lớp, mỗi tháng chưa tới một triệu đồng. Song, ai cũng mang niềm vui mỗi khi lên lớp với trẻ, dạy hết mình với mong muốn chúng có cái chữ, sau này kiếm được cái nghề cho đỡ khỗ.
Theo Mạnh Tùng (VnExpress.net)