Thời đi học hay mãi đến tận sau này, mỗi khi gần đến ngày 20-11, không ít người trong chúng ta chợt nhớ về bài hát Bụi Phấn với những câu hát đậm tình yêu và lòng biết ơn của học trò đối với người thầy, người cô của mình. Đó được xem là bài hát huyền thoại của ngày 20-11 và của bất kỳ thế hệ học sinh nào kể từ khi đất nước Việt Nam chính thức có ngày nhà giáo.
Nhưng, nhiều người vẫn chỉ nghĩ hình tượng người thầy chỉ là một danh từ chỉ chung chứ hoàn toàn không gắn với bất kỳ nhân vật có thực nào. Nhưng trên thực tế, điều này là không chính xác. Nếu tìm hiểu về tác phẩm này, hẳn nhiều người sẽ tỏ ra bất ngờ đấy. Được biết, Bụi Phấn do nhạc sĩ Vũ Hoàng sáng tác năm 1982, cũng là năm đầu tiên sau quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Nhà giáo Việt Nam được thực hiện.
Nhạc sĩ Vũ Hoàng từng là Nhà giáo công tác tại Khoa Âm nhạc và Mỹ thuật, giảng dạy các bộ môn Ký xướng âm, Nhạc lý, Lịch sử âm nhạc Thế giới thuộc trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM. Sau khi ngày Nhà giáo Việt Nam chính thức được công nhận, nhạc sĩ được yêu cầu viết một bài hát về thầy cô, yêu cầu là đơn giản, dễ nhớ, in vừa một trang tập học sinh và ai cũng có thể nhớ được.
May mắn cho nhạc sĩ Vũ Hoàng là sau đó ông gặp lại người bạn thanh niên xung phong tên Lê Văn Lộc. Ông Lộc kể: "Tôi vừa đi dự một buổi chia tay với một ông thầy ở chỗ tôi làm việc. Ông thầy này có một cái đặc biệt là ông viết gì trên bảng thì bụi phấn cũng rơi làm trắng mái tóc. Nên tôi thấy đẹp quá và làm liền mấy câu thơ: 'Khi thầy viết bảng/Bụi phấn rơi rơi/Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng/Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy'. Nhưng tôi chỉ sáng tác được tới đó, không thêm được nữa".
Nhạc sĩ Vũ Hoàng cảm thấy đây đúng là thứ mình đang tìm kiếm, liền xin người bạn cho phép sử dụng 6 câu thơ trên. Ông viết thêm một đoạn B vào, chỉnh sửa tỉa tót và cuối cùng chúng ta có bài Bụi Phấn đã đi cùng kỷ niệm của tuổi học trò cắp sách đến trường.
Lộc (Nguoiduatin.vn)