"Hãy đi lính - nếu thực sự là đàn ông"

27/02/2016 16:14:01

Đó là lời khẳng định của chàng trai Nguyễn Mai Phúc - học viên trường sĩ quan không quân. Sau hai năm rèn luyện trong quân ngũ, anh dần trưởng thành và trở nên mạnh mẽ hơn.

Đó là lời khẳng định của chàng trai Nguyễn Mai Phúc - học viên trường sĩ quan không quân. Sau hai năm rèn luyện trong quân ngũ, anh dần trưởng thành và trở nên mạnh mẽ hơn.

 

Những dòng tâm sự của Phúc được mạng xã hội lan tỏa. Ảnh chụp màn hình.

Đi lính thú vị như thế nào?

Năm 18 tuổi, vì mải chơi, Phúc thi trượt đại học. Lo lắng cho tương lai của con, cha mẹ Phúc quyết định cho anh đi nghĩa vụ quân sự với mong muốn môi trường quân đội sẽ giúp anh trưởng thành. Đây cũng là lần đầu tiên Phúc xa nhà, xa quê.

“Ngày ấy, mẹ bảo mình, đi bộ đội thích lắm, được học bắn súng, diễn trận, được tập thể dục thể thao… sau này, ai cũng có một cơ thể cường tráng” - anh chia sẻ.

Cuộc sống quân ngũ với kỷ cương thép ngày càng giúp Phúc tôi luyện và trưởng thành hơn. Từ chàng công tử bột không biết giặt quần áo, Phúc có thể tự chăm sóc cho bản thân và làm được tất cả mọi việc từ cuốc đất, trồng rau, nuôi heo…

Rồi những bữa cơm đời lính với giá 45.000 đồng/ngày giản đơn với cà chua, thịt băm hoặc cá kho… khác xa với mâm cơm của mẹ ở nhà, nhưng Phúc vẫn ăn để lấy sức học tập, rèn luyện. Ngoài kỷ cương thép, quân đội cũng nổi tiếng với những hình phạt có một không hai như ăn cơm cháy của lợn phải chạy mấy vòng quay sân và nói xin lỗi lợn.

Đời lính gian khổ nhưng thấm đẫm tình người. Với Phúc, những người lính luôn coi nhau như anh em, sướng khổ có nhau. Thậm chí, quả xoài bé bằng ngón chân cái cũng chia năm xẻ bảy, cùng ăn. Nếu lỡ có ai bị chuyển đơn vị thì mọi người sẽ ôm nhau khóc như những đứa trẻ con.
 

Phúc và người thầy của mình. Ảnh: NVCC.

Tình yêu đời lính

Giống như bao người khác, tình yêu của người lính cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, có nhung nhớ, giận hờn, yêu thương, chia ly.

Trước đây, Mai Phúc yêu một cô gái xinh xắn là bạn học cấp 3. Khi Phúc lên đường nhập ngũ, cô gái ấy hứa sẽ chờ anh trở về. Nhưng rồi, khoảng cách hàng nghìn cây số khiến cô không thể thực hiện lời hứa. Sau hai tháng, họ chia tay.

Vấp váp trong tình yêu nhưng đổi lại, Phúc nhận được sự an ủi, động viên từ những người đồng chí, đồng đội, khiến tinh thần anh thêm phấn chấn, vui vẻ.

Một thời gian sau, hạnh phúc cũng mỉm cười với anh khi có một cô bạn gái quen từ lâu, luôn âm thầm, quan tâm lúc Phúc gặp khó khăn nhất.

“Sau hai năm đi nghĩa vụ, mình đã thi đỗ vào trường sĩ quan không quân và trở thành phi công trẻ. Đây không những là niềm tự hào của gia đình mà còn là phần thưởng cho người bạn gái đã tin tưởng và chờ đợi vào tình yêu của chúng mình” - Phúc tâm sự.

Đàn ông cần đi lính

Mai Phúc cho biết, đối với những bạn trẻ chưa xác định được lý tưởng, đam mê của mình và vẫn sống dựa dẫm vào bố mẹ, hãy đi lính. Bởi đây là môi trường rất tốt để họ có thời gian rèn luyện, suy ngẫm định hướng cho tương lai.

“Có thể, khi sống trong vòng tay cha mẹ, bạn là trung tâm bĩu môi của hàng xóm. Thế nhưng khi đi lính về, bạn sẽ trở nên chững chạc hơn hẳn. Cũng có thể, cái đứa suốt ngày bị cha mẹ la rầy sau này sẽ trở thành sĩ quan tài giỏi của đất nước” - Phúc nói.
 

Mai Phúc và những người đồng đội. Ảnh: NVCC.

Theo 9X, lý do khiến nhiều bạn trẻ không đi nghĩa vụ quân sự vì sợ khổ, sợ mệt, song ý nghĩ này hoàn toàn sai lệch. Bởi chỉ với hai năm, chúng ta khám phá ra được những khả năng của bản thân và đặc biệt là biết yêu thương, quý trọng gia đình.

“Mình nhớ mãi lần đầu tiên nhận được tiền phụ cấp 546.000 đồng, mình gửi về tặng mẹ. Cả nhà tự hào và hạnh phúc lắm" - Phúc cho hay.

Mai Phúc khẳng định, thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm thiêng thiêng của mỗi công dân. Muốn trở thành người đàn ông thực sự trước tiên hãy trở thành người lính như cha ông ta trước kia.
 
Theo An Viên (Zing.vn)