Ngày nay, các loại cồn khô, cồn nước, hiện được các hộ gia đình, các quán ăn sử dụng phổ biến thay thế bếp gas mini khi nấu ăn. Tuy nhiên, nếu không biết cách nấu, cách chọn loại cồn, người tiêu dùng có thể trở thành những "ngọn đuốc sống". Một trong những nguyên nhân dẫn đến bỏng cồn thường gặp là do đặc thù của lửa cồn là màu trắng. Vì vậy, khi sử dụng nhiều người không để ý tưởng rằng ngọn lửa đã tắt hoặc đã hết cồn nên đổ thêm cồn, vì dễ bắt lửa nên khi bị đổ cồn vào người sẽ bắt lửa rất nhanh và gây bỏng nặng. Tai nạn bỏng, đặc biệt là bỏng cồn thường khiến vết bỏng sâu, dễ gây biến chứng.
Mới đây, một thanh niên có tên Phạm Thành Long đã đăng lên group Không Sợ Chó hai bức ảnh ghi lại cảnh bình bị bỏng và sau khi hồi phục kèm theo lời chia sẻ ''Vậy là tròn 1 năm cái ngày đó tôi vẫn nhớ như in, một lít cồn đang cháy đổ vào người khiến tôi bị bỏng 40% độ 3 lúc đó tôi không nghĩ mình sẽ bị nặng như thế này. Vì chỉ đơn giản nghĩ nếu chết rồi chiều tập thế nào đây. Khi vào viện, người tôi run vì sốc bỏng. Hàng ngày vào lúc thay băng, đối với tôi đó là một cơn ác mộng vì từng mũi kéo chạm vào da thịt rồi tẩm mỡ nóng diệt khuẩn vết thương tôi đều cảm nhận được.
Cảm giác không ngất đi được, tôi chỉ muốn cắn đứt cuộn băng. Cứ thế, 3 tháng cũng là khoảng thời gian tôi nằm một chỗ và trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật cấy ghép da. Sau đó tôi khóc òa vì bác sĩ nói tôi còn 10 % khả năng đi lại bình thường, vụ bỏng sẽ để lại di chứng cả đời. Sau một thời gian suy sụp, tôi dần chấn tĩnh lại và tự nhủ phải cố lên không được đầu hàng. Vài tháng sau khi ra viện, tôi đã cố tập đi lại và bị ngã rất nhiều, mỗi lần như vậy viết thương cũ đều chảy máu. Thế nhưng không vì vậy mà tôi từ bỏ, giờ đây tôi đã đi lại và chạy nhảy bình thường. Sẹo chi chít khiến tôi hơi ngại, nhưng không sao tôi vẫn cố gắng để cuộc sống tốt hơn''.
Sau khi đăng lên mạng xã hội, bài viết đã thu hút sự chú ý của nhiều người dùng Facebook. Nhiều người tỏ ra không tin vào câu chuyện này, thậm chí vài bạn còn vào tận trang cá nhân của Long để tìm bằng chứng nhằm ''bóc phốt''. Một số hình ảnh được đăng từ tháng 9 năm 2017 được tìm thấy, và lúc đó Long nhìn không giống người bị bỏng. Chính vì thế, chủ nhân bài viết bị cư dân mạng ném đá tơi bời không thương tiếc.
Liên hệ với chủ nhân bài viết, anh Phạm Thành Long sinh năm 1994, quê ở Phổ Yên, Thái Nguyên cho biết, bức ảnh chụp vào tháng 09/2017, là lúc anh mới bình phục và đang tập đi lại. Còn việc bị tai nạn thì xảy ra trước đó ngày 14/06/2017, trong khi đang nướng mực cùng bạn bè do sơ ý anh đã bị bỏng rất nặng phải đưa vào bệnh viện Quân Y 91 ở Thái Nguyên để cấp cứu. Sau khi ở viện 1 tháng và trải qua vô số đau đớn, vết thương đỡ hơn nên gia đình đã đưa Long về nhà chăm sóc (bố Long cũng là bác sĩ). Thế nhưng vẫn phải mất thêm 2 tháng nằm bất động thì sức khỏe của anh mới dần hồi phục.
Một số hình ảnh trong hành trình hồi phục của anh Thành Long: (Ảnh nhân vật cung cấp)
Hiện tại sức khỏe của anh đã bình phục hoàn toàn và đã đi tập Gym trở lại, duy chỉ có những vết sẹo là không thể xóa được nên anh rất ngại mặc quần đùi.
Theo Hoàng Tuân (Helino)