Nguyễn Văn Cường đã đăng lên một group nhiều thành viên hai bức hình chụp chụp màn hình báo thức trên điện thoại khi bố ở bên cạnh và bố đi vắng.
Kèm theo đó là những lời cảm xúc: "Mẹ bỏ đi từ năm 6 tuổi, bố là người mẹ tuyệt vời nhất của mình. 27 tuổi, đây là hình báo thức khi không có bố (bật nhiều mốc giờ khác nhau) và khi có bố (chẳng cần đặt giờ)".
Nguyễn Văn Cường sinh năm 1991, quê ở Thái Bình, đang làm việc tại Hà Nội. Mẹ Cường bỏ đi từ năm anh 6 tuổi, 2 năm sau bố có vợ mới.
"Hồi đó nghèo khó quá nên mẹ muốn bỏ đi. Lúc đó bố và vài người thân có nói đến với mình, cảm giác lúc ấy là buồn, hụt hẫng, nhiều khi thèm hơi mẹ lắm nhưng chẳng biết nói cùng ai.
May mắn là cá tính mình mạnh nên chẳng ai dám trêu ghẹo việc không có mẹ. Mình chỉ buồn bên nhà nội đổ tội cho mẹ, bên ngoại đổ lỗi cho bố chuyện gia đình tan vỡ.
Cũng may mắn khi mọi người ít nhắc đến mẹ trước mặt. Đối với mình thì bố luôn luôn tuyệt vời nhất", Văn Cường chia sẻ.
Thiếu thốn tình cảm của mẹ từ bé nên với Cường, bố là tất cả. Cũng may mắn cho anh khi mẹ hai rất tốt, đối xử với anh chẳng khác gì con trai ruột.
"Bố mình tâm lý lắm, luôn che chở, bảo vệ lại sống tình cảm. Ngày mẹ bỏ đi, nhà rất nghèo, bố bảo chỉ còn lại thùng thóc mốc. Ông đi mò cua, bắt rắn bán kiếm tiền nuôi con. Sau một thời gian thì cưới mẹ hai, dù sao thì trong nhà có bàn tay người phụ nữ vẫn hơn.
Mẹ hai thương và chẳng phân biệt con riêng con chung gì hết cả.
Bố đổi đời khi chú xin cho vào làm ở một công ty xe khách. Do thật thà, ông được giao cho làm trưởng chi nhánh chuyển phát nhanh ở Hà Nội. Mọi chuyện yên bình cho đến 10 năm sau đó. Vì muốn đưa con cháu họ vào làm ở công ty nên ông bị buộc thôi việc", Cường tâm sự.
Nhưng đây cũng là bước ngoặt của cuộc đời bố Cường. Bị cho thôi việc, ông đã tìm ra con đường mới và thành công.
"Bố và hai người bạn chung tay mở một công ty sau đó một thời gian. Bố cũng hướng cho mình đi theo con đường này. Bước chân ra đời, mình vấp ngã hết lần này đến lần khác, lần nào cũng là bố cứu rồi về với bố.
Thậm chí có lần mình đá bóng ngã chấn thương sọ não cũng chỉ có bố và mẹ. Bạn gái thì bỏ rơi luôn. Nằm trên giường bệnh thấy bố mẹ tỉ mỉ chăm sóc, phục vụ từng chút một mà thấy thương vô cùng", Cường kể thêm.
Bố dạy Cường từng chút một, từ việc ăn nói, học tập đến cả yêu đương. Ông mua cho con trai những quyển sách viết về cách sống và cách làm việc.
"Chuyện gì mình cũng xin lời khuyên của bố, từ công việc rồi tình yêu. Bố là người cha, người mẹ, người bạn tuyệt vời nhất.
Năm 2013, mình đi bộ đội về được bố đưa vào công ty làm việc. Mình vẫn ấp ủ ước mơ kinh doanh nên quyết lập nghiệp riêng. Hồi đó quyết ra đi khỏi công ty khiến bố buồn lắm, ông giận mất nửa năm. Ông mở công ty cho con mà con chẳng nghe, chẳng làm nên thất vọng.
Sau khi ra đi và tự mình "bơi" mình đã vấp ngã. Đó là cú ngã đầu tiên trong đời. Giá như ngày đó mình chững chạc hơn thì mọi chuyện đã khác", Cường chia sẻ.
21 năm không biết đến tình cảm của mẹ ruột, Cường nhận hết sự chăm lo từng chút nho nhỏ từ bố mỗi ngày.
"Hai bố con làm ở hai công ty khác nhau nhưng sáng nào cũng thế, bố đi thể dục rồi đi chợ mua đồ tươi về nấu cơm sáng. Tối nào bố cũng hỏi mai con thích ăn gì. Mình ngủ dậy ngày nào cũng có mâm cơm nóng hổi và một quả trứng luộc.
Chỉ duy nhất thứ 2, khi đó bố về nhà cuối tuần với mẹ thì mình tự làm cả. Chuyện đặt báo thức cũng thế, có bố thì hẹn giờ trở thành vô nghĩa vì bố sẽ gọi. Nhiều hôm ì ạch ông dựng cả người dậy luôn.
Mình có tính tự lập cao nhưng ở cạnh bố luôn là ỉ lại như thế. Có lẽ là cảm giác an toàn, cứ sợ nhờ vả ai sẽ bị quên đi nhưng bố thì không bao giờ", Cường tâm sự.
Theo Trình Ca (Thế Giới Trẻ)