Điều khá bất ngờ, dù học chuyên Toán nhưng đề tài nghiên cứu của hai học trò phố núi lại thuộc lĩnh vực Sinh học tế bào và Phân tử. Giải thích về đề tài "không chuyên" này, Đức Chính cho biết dù học chuyên Toán nhưng em lại rất mê nghiên cứu lĩnh vực sinh học.
Châu và Chính trong phòng thí nghiệm. Ảnh: L.V/Thanh Niên |
Còn Minh Châu thổ lộ: "Ước mơ của em sau này trở thành bác sĩ điều trị bệnh ung thư vì ngày nay có quá nhiều người mắc bệnh này. Vậy nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, em đã muốn tìm hiểu và nghiên cứu cách điều trị căn bệnh ung thư quái ác".
"Tư tưởng lớn gặp nhau", Minh Châu và Đức Chính cùng chọn đề tài nghiên cứu giải pháp điều trị bệnh ung thư. Ngay từ đầu, ý tưởng của cả hai đã được thầy cô hết lòng ủng hộ và khích lệ nhiệt tình. Đầu tháng 8/2015, cả hai học sinh bắt tay vào nghiên cứu, thực hiện đề tài.
Trong quá trình thực hiện, do lịch học khá dày nên các em được nhà trường ưu ái để tiện cho việc nghiên cứu, tìm hiểu. Đồng thời, việc triển khai đề tài của Châu và Chính cũng được cô Phan Thị Ngọc Giàu (giáo viên Sinh học Trường THPT Chuyên Thăng Long) và cô Nguyễn Thị Thu (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) tận tình hướng dẫn.
Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thăng Long Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết: "Nhà trường luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho học sinh tham gia nghiên cứu khoa học bởi các em học được rất nhiều kỹ năng như phương pháp nghiên cứu khoa học, làm việc nhóm, khả năng thuyết trình, kỹ năng báo cáo đề tài… sẽ rất hữu ích cho các em khi bước vào giảng đường đại học".
Dự án "Nghiên cứu khả năng gắn và tiêu diệt một số tế bào ung thư của kháng thể kháng nhân" có thể hiểu nôm na là gắn kháng thể vào các tế bào ung thư, sau đó tìm diệt chúng theo chương trình. Mục tiêu của dự án là phải điều chế được phức chất IANA - kháng thể kháng nhân để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Ngoài việc phải tham khảo và nghiên cứu tài liệu liên quan đến bệnh ung thư, lĩnh vực sinh học tế bào… lúc rảnh rỗi và ngày chủ nhật hàng tuần, Chính và Châu đều dành thời gian trong phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu hạt nhân để điều chế phức chất IANA. Bên cạnh đó, hai em còn nuôi cấy tế bào ung thư tuyến tiền liệt, tế bào ung thư phổi và ung thư não để lấy mẫu thử nghiệm.
Khi phức chất IANA được điều chế thành công, chúng sẽ kết hợp với i-ốt phát quang để "gắn" vào các tế bào ung thư. Phức chất này có tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư (gây chết theo chương trình) theo đường máu.
Suốt 9 tháng ròng rã vào ra phòng thí nghiệm đã mang lại tin vui cho hai học sinh khi Viện Quân y thông báo kết quả phức chất IANA có thể tiêu diệt được tế bào ung thư phổi và ung thư não. "Lúc nhận được kết quả em rất bất ngờ, vậy là công sức nghiên cứu của chúng em đã được đền đáp" – Minh Châu vui mừng nói.
Tại Hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật toàn quốc, dự án nghiên cứu của Minh Châu và Đức Chính được trao giải nhì và được Hiệp hội sinh học thực nghiệm Hoa Kỳ tặng giấy khen. Đề tài "Nghiên cứu khả năng gắn và tiêu diệt một số tế bào ung thư của kháng thể kháng nhân" còn vinh dự được chọn là 1 trong 6 dự án của Việt Nam dự thi Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế, diễn ra tại Mỹ từ ngày 8 - 13/5.
Trước thời điểm đi Mỹ, Minh Châu và Đức Chính cùng nhau trau dồi thêm các kỹ năng, đặc biệt là thuyết trình bằng tiếng Anh để hoàn thiện dự án của cả hai trước khi đến với cuộc thi mang tầm cỡ quốc tế.
Đây cũng là cơ hội để hai em mở rộng tầm nhìn, học hỏi thêm kinh nghiệm từ học sinh các nước và các nhà khoa học thế giới.
Đức Chính chia sẻ: "Việc được chọn đi dự thi ở Mỹ và đoạt giải 3 là điều vượt quá suy nghĩ của em và Châu, chúng em cảm thấy rất vui và bất ngờ vì mục tiêu ban đầu là cố gắng đoạt giải trong cuộc thi toàn quốc".
Theo Vietnam+/TTXVN