Góc khuất shipper

18/04/2016 15:41:17

Làm shipper (người giao hàng) đang khá “hot” trong cộng đồng mua sắm trực tuyến. Công việc tưởng nhẹ nhàng nhưng vất vả, đối mặt nhiều rủi ro, cạm bẫy và rất dễ vi phạm pháp luật.

Làm shipper (người giao hàng) đang khá “hot” trong cộng đồng mua sắm trực tuyến. Công việc tưởng nhẹ nhàng nhưng vất vả, đối mặt nhiều rủi ro, cạm bẫy và rất dễ vi phạm pháp luật.

“Nghề này vất vả hơn cả xe ôm mà thù lao thấp. Nhưng nếu chịu khó cũng có thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng” - Lê Việt Trung, sinh viên ĐH Giao thông Hà Nội cho biết.

Theo Trung, mỗi đơn hàng, shipper nhận từ 15.000-30.000 đồng, tùy khoảng cách và hàng hóa vận chuyển. Khác với xe ôm, shipper không chỉ chuyên chở mà còn tốn nhiều công sức cho việc tìm nhà khách, chờ đợi, mất tiền gọi điện thoại...

Khi cử nhân, thạc sĩ đi giao hàng

Theo Nguyễn Thị Lan (sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), làm shipper không lo thiếu việc bởi dịch vụ bán hàng online ngày càng nở rộ, nhu cầu của khách hàng càng ngày càng cao.
 

Hoàng L. shipper cho một nhà hàng nem chua rán, giò chả Ước Lễ ở phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội) kể rằng từng bị một phụ nữ gạ tình.


Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được vì còn liên quan nhiều yếu tố như quen thuộc đường sá, chịu áp lực công việc và quan trọng là phải được chủ cửa hàng tin tưởng.

Làm shipper cho những cửa hàng kinh doanh đồ ăn nhanh, nước uống thì dễ, nhưng với những shop kinh doanh hàng đắt tiền (như thời trang, trang sức, mỹ phẩm...) thì khó hơn, phải đặt chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân.

Trời se lạnh, gương mặt Nguyễn Văn Nam vẫn nhễ nhại mồ hôi sau những chuyến xe cồng kềnh chở các thùng đồ ăn nhanh cho một nhà hàng Hàn Quốc trên Phố Huế (Hà Nội).

Ít ai biết rằng, Nam là thạc sĩ ngành Sử học của một trường ĐH danh tiếng ở Hà Nội. Nam ngại ngần, từ chối trả lời khi được hỏi về bằng cấp của mình, bởi ở cửa hàng ngoài đứa bạn thân cùng quê không ai biết cậu có trình độ thạc sĩ.

Thuyết phục hồi lâu, Nam mới mở lòng tâm sự. Nam sinh ra và lớn lên ở Tương Dương (Nghệ An). Bố mất sớm, mẹ Nam một mình nuôi 4 anh em ăn học. Nhà nghèo, quãng thời gian ăn học ĐH, Nam tự nỗ lực vừa học vừa làm thêm, lấy tiền trang trải cuộc sống.

Ra trường, cầm tấm bằng thạc sĩ trong tay, nhưng Nam vẫn không thể kiếm cho mình một công việc ổn định. Nam làm công việc shipper từ khi còn là sinh viên năm nhất.

“Người vận chuyển” bị gạ tình

“Chở đồ đến, gọi điện thoại mấy cuộc liền, chờ gần 30 phút và sau phải gửi xe để leo cầu thang bộ lên tận tầng 5 giao đồ cho khách. Nhưng khách nhận đồ không chịu trả phí shipper vì cho rằng phí đó cửa hàng phải trả theo lương hằng tháng rồi.

Mình giải thích thì họ đóng sập cửa lại không nghe. Sao nhiều người giàu mà nỡ trấn lột mấy chục nghìn tiền công sức, mồ hôi của một sinh viên nghèo như tôi”, Thông, một sinh viên trên cộng đồng shipper, chia sẻ.

Làm cả tháng không đủ trả tiền cho người thuê chở hàng là câu chuyện buồn của Hoàng Bá Hải, sinh viên ĐH Hà Nội. Hải than thở, trong một lần chuyển một hộp đồ cho khách từ hồ Hoàn Kiếm về Ngã Tư Sở, người thuê không nói rõ trong hộp có đồ gì.

Khi đến giao hàng cho khách, Hải mới tá hỏa một lọ gốm lớn đã vỡ trong hộp. Hải không biết rõ chiếc bình sứ vỡ trước hay sau khi được nhờ chuyển hàng và thắc mắc nếu đồ sứ sao chủ không dặn dò trước.

“Chuyến hàng tiền công được 30.000, nhưng bị giữ xe máy lại và bắt phải đền 3 triệu đồng”, Hải nói.

Không chỉ bị xù tiền công vận chuyển, lừa đảo mà nhiều shipper còn bị khách hàng gạ tình. Trong một hội shipper trên mạng xã hội, một nữ sinh N.T.T cảnh báo: “Những bạn nữ đi chuyển hàng cảnh giác những người dê xồm nhé.

Mình vừa chuyển pizza cho một khách hàng ở khu chung cư, khi đến cổng gọi khách xuống nhận đồ một người đàn ông nghe máy.

Ông ta nhờ mình gửi xe mang đồ lên phòng hộ bởi đang phải trông đứa con nhỏ không xuống lấy được và hứa thêm 20.000 tiền công.

Khi mình vừa bước vào phòng ông ý ôm chầm lấy và bảo ở lại cùng “vui vẻ” cho tiền cả tháng lương. Mình hét toáng lên ông ấy mới thả”.

Dòng tâm sự của T. được đông đảo thành viên diễn đàn vào bình luận góp ý.

Một shipper có tên T.T.H cũng trải lòng: “Bạn giống mình, đợt trước đi chuyển đồ ăn đêm mình gặp ngay tên sở khanh bằng tuổi ông mình đòi dê. Sau đợt ấy, mình chỉ chuyển hàng ban ngày và không vào nhà đưa đồ mà chỉ đứng ở cổng”.

Nhiều bẫy lừa, dễ vi phạm pháp luật

Lê Văn Đức mới làm nghề shipper được gần một tháng nay. Đức từng bị người giao hàng lừa đảo chiếm đoạt hàng triệu đồng.

Đức kể, hôm đó, khách hàng hẹn trước một shop quần áo lớn ở gần chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội), cậu nhầm tưởng đây là chủ shop quần áo nên nhận khá nhiều túi đồ lớn và nhiều địa chỉ người nhận.

Đức phải đặt cọc 1,8 triệu đồng trước khi đi giao hàng. Tới địa chỉ ghi trong giấy, Đức gõ cửa hỏi mới hay họ không hề đặt mua hàng. Quay lại cửa hàng, chủ quán lại là một người khác. Lúc này, Nam mới biết mình bị lừa.

Cũng rơi vào hoàn cảnh như Đức, Nguyễn Văn Đại (sinh viên ĐH Thủy Lợi) từng bị người thuê chuyển đồ lừa tiền. Đặt trước 1 triệu đồng để chở một thùng các tông ướp hải sản đi giao cho khách.

Tới nơi, Đại mới tá hoả bên trong toàn đá và xốp, gọi lại cho người gửi thì... “thuê bao hiện nay không liên lạc được”.

Không chỉ bị lừa tiền, nhiều shipper còn bị lợi dụng chở hàng hóa cấm. Trên diễn đàn shipper, Hoàng Ngọc Anh, một sinh viên vừa làm nghề shipper, trải lòng: “Chiều nay, có khách gọi điện đến nhờ chuyển một túi hàng bé nhưng trả công shipper tận 100 nghìn.

Phấn khởi, tưởng vớ được vị khách hào phóng, liền cầm túi đồ đi giao cho khách mà không mảy may nghi ngờ. Khi nhận hàng, vị khách người đầy xăm trổ trả hẳn cho mình tờ 200.000 và bảo gói đồ mày chuyển là ma túy đá đó”.

Liên quan hoạt động của những người làm nghề shipper, Trung tá Nguyễn Thiện Chiến - Đội trưởng Tham mưu, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47) cho biết, những nhóm shipper trên Facebook, các trang web hoạt động công khai, có hàng trăm nghìn thành viên tham gia.

Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng xấu đã lừa đảo các shipper để chiếm đoạt tiền cũng như nhờ vận chuyển những mặt hàng pháp luật cấm, trong đó có ma túy. Điều nguy hiểm và đáng báo động đối với các shipper là, nếu không tỉnh táo, rất dễ trở thành người vi phạm pháp luật, tiếp tay cho tội phạm.
 

“Khi phát hiện những mặt hàng như ma túy, các loại pháo nổ, đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội…, shipper cần chủ động khai báo với cơ quan chức năng để cùng giải quyết”.

Trung tá Nguyễn Thiện Chiến
 
Theo Quang Lộc (Tiền Phong)