Giới trẻ Trung Quốc chọn nghỉ hưu sớm ở 'nhà dưỡng lão tuổi 20'

21/05/2025 15:11:38

Anh Wang đã không làm việc suốt nhiều tháng và cũng không có ý định quay lại sớm, hiện dành thời gian thư giãn tại một thị trấn ven hồ thuộc tỉnh Vân Nam.

Việc tạm ngưng công việc dài hạn từng là điều hiếm thấy trong xã hội Trung Quốc – nơi văn hóa làm việc khắc nghiệt. Tinh thần "đổ mồ hôi, sôi máu" từng được ca ngợi là nền tảng cho sự phát triển thần tốc của đất nước này. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người trẻ bắt đầu phản kháng lại áp lực đô thị, tạm rút lui để hồi phục tinh thần, nuôi dưỡng nội tâm và suy ngẫm về những hướng đi khác để đóng góp cho xã hội.

"Nhà dưỡng lão tuổi 20"

“Mỗi người đều có câu chuyện riêng và cần học cách lắng nghe hiện tại”, Wang, 29 tuổi, chia sẻ tại một nơi được gọi là “nhà dưỡng lão cho giới trẻ” ở Đại Lý - thành phố yên bình ven hồ ở tây nam Trung Quốc.

Anh đến đây từ năm 2025 sau khi cảm thấy mệt mỏi với công việc trong ngành khách sạn. Từ đó đến nay, anh dành thời gian đi lễ chùa, pha trà truyền thống, đi chơi với bạn mới hoặc đơn giản là nằm nghỉ ngơi.

“Khoảng thời gian này rất có ý nghĩa với tôi. Những trải nghiệm này không thể đo bằng vật chất”, anh nói thêm.

Giới trẻ Trung Quốc chọn nghỉ hưu sớm ở 'nhà dưỡng lão tuổi 20'
Nhiều người trẻ Trung Quốc chọn "nghỉ hưu sớm", về quê sống cuộc sống yên bình. Ảnh: The Paper.

Xu hướng 'nghỉ hưu sớm' đang bùng nổ trên mạng xã hội Trung Quốc, với hàng loạt khu nghỉ dưỡng dành riêng cho người trẻ muốn tạm rời cuộc sống đô thị. Những địa điểm này thường tọa lạc tại các thị trấn nhỏ, ngoại ô hoặc vùng quê, thu hút người trẻ trong độ tuổi 20–30 đến ở trong vài tuần hoặc vài tháng, với các hoạt động nhóm thú vị như cắm trại, nấu ăn chung, trà đạo, thiền...

Anh Yan Bingyi, 37 tuổi, người sáng lập một trong những “nhà dưỡng lão” nổi tiếng tại Đại Lý, chia sẻ: “Tôi chỉ nhận những người dễ trò chuyện để mọi người có thể kết nối và thật sự thư giãn. Ở đây, chúng tôi cùng nấu ăn, cùng cắm trại, cùng sống chậm”.

Trong sân, một vài vị khách trẻ nằm tắm nắng, nghịch điện thoại, trêu chó và trò chuyện rôm rả.

“Chúng ta ai cũng chịu đựng áp lực vô hình. Khi quá sức, đừng cố gồng, hãy mở lòng, bước ra ngoài và sống lại”, anh Yan Bingyi nói thêm.

“Mặc kệ đời” và phản ứng xã hội

Lối sống này được gọi bằng nhiều cái tên như “nằm phẳng” hay “mặc kệ đời”, thể hiện tâm lý muốn thoát ly guồng quay công việc mệt mỏi để tận hưởng hiện tại.

Những người sáng lập các cộng đồng “nghỉ hưu sớm” cho rằng, lựa chọn này không phải là lười biếng, mà là một khoảng dừng cần thiết để không bị "nghiền nát" bởi áp lực đô thị.

“Tôi không khuyến khích người trẻ nằm dài cả đời. Nhưng nếu họ có thể nghỉ một thời gian để hồi phục thì sẽ trở lại với nội lực mạnh hơn”, anh Yan Bingyi nhấn mạnh.

Dù vậy, vẫn có những người trẻ lựa chọn cách sống gắn bó với mục tiêu xã hội theo định hướng truyền thống. Anh Trần Khiêm Khôn, 21 tuổi, rời Quảng Đông để đến phát triển ngôi làng Dongwangg gần Bắc Kinh – nơi chỉ còn 106 người sinh sống.

Trần Khiêm Khôn tổ chức các buổi đào tạo kỹ năng quay, dựng video cho dân làng nhằm tăng thu nhập và ngăn làn sóng di dân khỏi nông thôn.

“Tôi không phản đối ‘nằm phẳng’ trong ngắn hạn, nhưng nếu kéo dài, cả một thế hệ sẽ nghỉ hưu thật khi chưa làm gì”, anh cảnh báo.

Ngược lại, một người sáng lập cộng đồng “nghỉ hưu” khác – anh Cai Zongmou – cho rằng, nên coi đây như một "gap year" (nghỉ ngơi tạm thời 1 năm) để sống sâu sắc hơn rồi trở lại mạnh mẽ hơn.

Theo Băng Tâm (SHTT)

Nổi bật