Bị sốc và mất bình tĩnh vì điều chưa từng chứng kiến
"Em đây cả nhà ơi. Em còn sống và ổn qua cơn bão. Xin lỗi mọi người vì sự mất tích này. Ở Quảng Ninh mất điện 3 ngày 3 đêm, không có pin điện thoại, không có wifi, không có sóng điện thoại kèm 4G. Mất luôn cả nước. Em sống như thời tiền sử. Không liên hệ được với ai trong mấy ngày qua, giờ vẫn thế".
Đó tin nhắn đầu tiên của Bạch Thu Hà (SN 2000, quê ở Bắc Giang) gửi liên tục đến những người thân khi Hà vừa kiếm được quán cà phê có wifi và bắt được sóng điện thoại. Thu Hà đã chuyển đến Quảng Ninh sinh sống được 4 tháng, và đây là lần đầu tiên cô chứng kiến cơn bão lịch sử đến vậy. Cô chính là nhân chứng sống trong tâm bão.
3 ngày trôi qua, trải nghiệm này quá kinh hoàng và sẽ không bao giờ quên.
Suốt những ngày qua, Thu Hà nói mình "sống trong thời tiền sử" khi không có điện, mất nước và không có sóng wifi. Trong khu cô bạn sinh sống, bất cứ quán cà phê nào có máy phát điện, bắt được sóng điện thoại là rất đông người dân sẽ tụ tập đến đó nhờ sạc giúp.
Thu Hà kể lại: "Theo thông báo thì ngày 6/9 bão sẽ về. Mình thấy ngày mùng 6 vẫn chưa có biến động gì nhiều. Đến chiều tối, mình chuẩn bị xong đồ ăn tích trữ thì trời vẫn nắng rất to. Đến tối hôm đó, bạn bè có sang phòng mình trú tạm.
Đến sáng hôm 7/9, mình còn chủ quan nghĩ rằng bão vẫn chưa đổ bộ, mà dù có đến cũng nhẹ nhàng thôi. Nhưng mọi người cũng nhắc nhở nhau trời càng bình yên thì bão càng to. Đến 9h sáng, trời bắt đầu mưa nhưng cũng không quá lớn. Tụi mình còn định rủ nhau đi ra quán cà phê tránh bão. Nhưng vừa chuẩn bị xong thì quán cà phê thông báo đóng cửa, trời bắt đầu mưa to và có giông lớn.
Đến 12h trưa thì khu nhà mình mất điện. Mình bắt đầu lo lắng vì thấy gió rít rất mạnh, nhưng đọc thông tin thì tâm bão còn chưa đổ bộ, mới chỉ là bắt đầu thôi. Cho đến 17h chiều thì tâm bão về đến Quảng Ninh. Tất cả mọi thứ, đường phố, cây cối đến mái nhà đều bị gió bão xé hết".
Lần đầu tiên chứng kiến cơn bão lớn đến vậy nên Thu Hà cùng nhóm bạn vô cùng thiếu kinh nghiệm ứng phó. Cô cho biết đã tích trữ sẵn lương thực, nhưng không nghĩ bão lại mạnh và ảnh hưởng kéo dài đến vậy.
Khoảnh khắc đáng sợ nhất đến với Thu Hà khi vào tối 7/9, khi tâm bão vừa đổ bộ, Thu Hà cùng bạn bè đã phải ra đường đi mua thức ăn nấu sẵn vì hết sạch lương thực, nhà mất điện không thể nấu mì tôm.
"Mình thực sự mất bình tĩnh vào chiều tối ngày 7/9. Lúc đó trong nhà hết sạch thực ăn sẵn, lại không có điện để nấu ăn hoặc nấu mì tôm. Cả nhóm phải đi đến cửa hàng tiện lợi mua bánh mì và đồ khô.
Khi đi ra ngoài đường, cây cối đổ rạp, ngổn ngang; còn mái tôn thì cũng bay ra đường. Trời tối và gió rít mạnh, mình lái xe không được bình tĩnh và run run tay. Dù quãng đường 700-800 m thôi nhưng đó là khoảnh khắc mình không thể nào quên", Thu Hà tâm sự.
Những ngày không có wifi và sóng điện thoại chính là cú sốc tiếp theo của Thu Hà. Cô bạn có gia đình ở Bắc Giang, nhưng may mắn thay cả nhà vẫn bình an và có điện lại chỉ trong ngày hôm sau. Nhưng ở Quảng Ninh lại bị mất điện suốt 3 ngày liên tục, nên Thu Hà luôn phải tranh thủ chạy ra quán cà phê để báo tin về cho gia đình.
Cô tâm sự thêm: "Dự kiến trong khu mình là sẽ mất điện thêm 2 ngày nữa. Mình toàn chạy ra quán cà phê thì mới nhắn đôi ba câu cho gia đình yên tâm hơn. Cũng may mắn là gia đình mình không chịu ảnh hưởng nào nặng nề quá. Bản thân mình cũng chỉ bị ảnh hưởng việc sinh hoạt, chứ mình có người bạn thân còn bị tốc mái nhà, hỏng hết đồ đạc".
Công ty của Thu Hà đang bị ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi khi biển hiệu bị đập nát, công ty phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc để khắc phục. Dự tính của Thu Hà là sẽ trở về Bắc Giang để đoàn tụ cùng gia đình trong ngày mai.
Trải qua cơn bão lớn, Thu Hà không khỏi xót xa khi nhìn những biểu tượng lớn của tỉnh như Cung Cá Heo Hạ Long và Bảo tàng Quảng Ninh bị tan hoang sau cơn bão. "Mong rằng thành phố của mình sẽ sớm khoẻ lại, cuộc sống của mọi người sớm ổn định trở lại" – cô bạn tâm sự.
"Của đi thay người, còn người là còn tất cả"
Trần Thành Công (SN 2000) cũng là một trong những bạn trẻ bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão Yagi. Khu trọ của anh chàng bị tốc mất mái, khiến cho những đồ đạc trong nhà đều bị hư hỏng hết.
"Lúc 11h trưa ngày 7/9, lúc mái nhà có dấu hiệu bị lung lay là mình cầm hết đồ có giá trị, chạy ra quán trú ẩn. Đến chiều tối thì tốc mất mái", Công tâm sự.
Công hiện tại đang kinh doanh một cửa hàng về làm tóc ở Quảng Ninh. Quán của Công bị bay mất 2 tấm biển quảng cáo. Cộng với những đồ đạc bị hư hỏng hết sau khi nhà trọ bị tốc mái, Công ước tính tổng thiệt hại của mình vào khoảng 15 triệu đồng.
Như Thu Hà, anh chàng cũng trải qua khoảng khắc kinh hoàng trong cơn bão Yagi khi tâm bão vừa đổ bộ thì vẫn cố gắng phi ra đường mua đồ ăn. Bởi nhà của Công bị tốc mái, nên những thứ đồ anh chàng dự trữ chẳng thể dùng được, đành phải đi mua đồ ăn lúc đường sá nguy hiểm.
Những ngày qua, Công cũng như nhiều người dân Quảng Ninh trải qua cuộc sống không điện – không nước – không sóng điện thoại. Quần áo của Công còn bị ướt và bay đi hết. Anh chàng cùng bạn bè trú tạm trong quán của mình, cứ rảnh là ra quán cà phê cập nhật và báo tin tức về cho gia đình, đến tối thì đi ngủ sớm.
Nhưng Công cũng như bao nhiêu người khác, vẫn tự động viên nhau rằng "của đi thay người". Còn người là còn tất cả, Công mong rằng tỉnh của mình sẽ sớm khoẻ lại. Và Công cũng như nhiều người dân khác cũng cố gắng dọn dẹp lại phố phường sau những ngổn ngang và hoang toàn mà cơn bão Yagi để lại.
Tính đến sáng ngày 9/9, hệ thống thông tin liên lạc trên toàn tỉnh Quảng Ninh bị ngắt kết nối không liên lạc được, mất điện diện rộng. Đặc biệt, nhiều phương tiện là tàu, thuyền đang hoạt động trên địa bàn tỉnh bị trôi dạt.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh mong muốn nhường hỗ trợ 100 tỷ đồng để dành cho các địa phương khu vực miền núi phía Bắc đang gặp khó khăn do mưa lũ và sạt lở. Tỉnh Quảng Ninh sẽ tự cân đối từ các nguồn lực dự trữ và dự phòng theo quy định chung.
Theo Vân Trang (Thanh Niên Việt)