Năm 2023, sau khi trận Chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 23 kết thúc, cái tên Nguyễn Minh Triết (THPT chuyên Quốc học Huế) - “nhà leo núi” trong trận thi năm đó, bùng nổ khắp mạng xã hội. Minh Triết là chủ nhân của một quyết định chưa có tiền lệ tại Olympia khi "nhường" câu hỏi cuối trong phần thi Về đích của mình để giúp hai đối thủ là Trọng Thành và Xuân Mạnh tranh giải nhất nhì.
Sau hành động "gây bão" đó, có người khen nam sinh quyết đoán và thật bản lĩnh, chính Triết đã khiến trận Chung kết năm đó kịch tính hơn và chiến thắng của Xuân Mạnh thêm phần thuyết phục. Nhưng cũng có người cho rằng Triết chơi không đẹp, không công bằng hay thậm chí là "chắc không biết nên mới nhường".
Một năm sau, vào trận Chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 24, Võ Quang Phú Đức (THPT Chuyên Quốc học Huế) - Nhà vô địch cuộc thi năm nay, cũng trở thành cái tên được dân tình quan tâm. Một mặt vì nam sinh là tân Quán quân và một mặt là vì màn bấm chuông “chiến thuật” được Phú Đức sử dụng ở cuối cuộc thi.
Ở câu hỏi cuối cùng trong gói câu hỏi về đích của một nam sinh khác, Phú Đức lúc này chỉ hơn người đứng thứ 2 là Nguyên Phú 20 điểm. Nếu Phú Đức giành được quyền trả lời thì đồng nghĩa với việc dù trả lời đúng hay sai, nam sinh này vẫn sẽ đứng đầu đoàn đua. Trong một cuộc thi có tính chất thắng - thua như Olympia, chưa kể còn là Chung kết, khi mà cả 4 thí sinh đều ngang tài ngang sức, ai cũng cần có tính toán riêng. Tính toán, hay còn gọi là chiến thuật đó có thể sẽ giúp bạn giành được chiến thắng chung cuộc. Phú Đức đã làm và đã thành công.
Điều này cho thấy nam sinh xứ Huế có tâm lý rất “cứng” cũng như có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, biết rút kinh nghiệm từ những thế trận tương tự mình từng gặp phải, từ đó cho ra chiến thuật phù hợp và thông minh nhất.
Tuy nhiên, như Minh Triết, cách thi đấu của Phú Đức cũng vấp phải những ý kiến trái chiều từ một số vị khán giả “muốn xem cuộc thi theo cách của mình”. Họ không cho rằng Phú Đức thông minh mà chê nam sinh “chơi chiêu”, “khôn lỏi”. Họ ngó lơ luôn màn thể hiện vượt trội, áp đảo của Phú Đức suốt 3 vòng thi đầu và chăm chăm nam sinh vô địch nhờ… may mắn phút áp chót.
Lẽ ra Minh Triết năm đó không nên “nhường” câu hỏi;
Lẽ ra cục diện cuộc chơi đã khác nếu không có màn “nhường” câu hỏi của Minh Triết;
Lẽ ra Phú Đức đừng “mưu tính” chiến thuật như thế;
Lẽ ra Nguyên Phú đã có cơ hội đuổi kịp điểm số nếu không có màn “giành” trả lời của Phú Đức;
Lẽ ra Chung kết thì luật chơi phải sửa đổi;
Lẽ ra thí sinh phải làm thế này thế kia thì chiến thắng mới đẹp, mới hay…
Sự thực, không có nhiều “lẽ ra” đến thế. Bởi sau tất cả, đây là sân chơi của các thí sinh, là nơi họ thể hiện kiến thức, cách tư duy cũng như chiến thuật của riêng mình. Không có “công thức chung” cho bất kỳ chiến thắng nào trên đời và chiến thắng tại Olympia cũng vậy.
“Đừng đòi hỏi Quán quân thắng theo cách bạn muốn”
Thật ra không cần bàn đến vấn đề chiến thuật, trong luật chơi vòng Về đích đã nêu rõ, ai nhanh tay bấm chuông “cướp” quyền trả lời câu hỏi của thí sinh khác hơn, thì người đó có quyền trả lời. Dù bất kể đáp án bạn đưa ra là đúng hay sai, thì đó vẫn là đặc quyền của người nhanh tay hơn. Trả lời đúng thì được cộng điểm mà trả lời sai thì điểm bị trừ. Xét về lý, Phú Đức không hề sai.
Xét về tình, Phú Đức càng không sai vì Olympia là một cuộc chơi, mà đã là cuộc chơi thì phải có kẻ thắng người thua. Để chọn người người xứng đáng nhất cho ngôi vị Quán quân, không chỉ 4 nhà leo núi tham gia vào trận chung kết, mà trước đó ở các vòng thi Tuần, Tháng, Quý, hàng trăm học sinh khác đã phải “so găng” về kiến thức với nhau để phân định chiến thắng.
Cuộc đời không có thứ tốt nhất dành cho số đông. Nên muốn làm kẻ thắng thì cũng đồng nghĩa là bạn phải dám “liều” để vượt lên, đánh bại những đối thủ khác. Điều đó, vốn dĩ vẫn luôn là bản chất của sự cạnh tranh.
Trong khoảnh khắc cuối cùng khi cơ hội được chia đều cho tất cả thí sinh còn lại, Phú Đức đã chớp lấy nó để vượt lên giành chiến thắng. Phú Đức không hề gian lận hay tiểu xảo, nó chỉ đơn giản là việc nam sinh đã nhanh tay hơn so với 2 thí sinh còn lại. Cờ đến tay ai thì người ấy phất, tại sao phải “nhường” cho người khác khi chiến thắng đang cách biệt chỉ ở một cái nhấn chuông?
4 “chiến binh” khi bước chân vào trận Chung kết năm Đường Lên Đỉnh Olympia đều đã là những học sinh ưu tú. Nhưng với Olympia, chỉ có kiến thức không thôi là chưa đủ. Các thí sinh cần có cả sự nhanh nhạy, thông minh, bản lĩnh để chắc chắn trong từng đường đi nước bước và đương nhiên là cả một chút may mắn nữa. Nhưng như Louis Pasteur từng nói: “May mắn chỉ mách bảo một trí tuệ chuyên cần”, tức là bạn phải có nền tảng, phải có kiến thức cùng bản lĩnh vững vàng thì mới làm chủ được cuộc chơi.
Không có một công thức cố định nào cho sự chiến thắng cả. Nhà vô địch không có trách nhiệm phải giành vinh quang theo mong đợi của người khác, mà là tìm ra cách thức phù hợp với bản thân và hoàn cảnh cụ thể. Chúng ta thường có những kỳ vọng nhất định về cách mà người chiến thắng nên thể hiện, nhưng sự đa dạng trong cách tiếp cận và giải quyết vấn đề là điều cần thiết để tạo nên những khác biệt - những khác biệt để dẫn đầu.
Phú Đức cũng không có trách nhiệm làm hài lòng tất cả mọi người, mà trách nhiệm duy nhất của bạn trong trận Chung kết năm là vượt qua chính mình và chinh phục đỉnh cao mà bạn luôn ngưỡng vọng từ khi còn bé bằng chính năng lực cá nhân. Phú Đức đã lên đến đỉnh Olympia bằng kiến thức, sự thông minh, bản lĩnh và khả năng chớp lấy cơ hội của mình.
Suy cho cùng, thắng hay thua không nằm ở cái “title” mà bạn nhận được, mà nó còn phải dựa vào tầm nhìn của bạn xa bao nhiêu, rộng bao nhiêu. Đẳng cấp của người chơi cờ hay sự thăng hoa của những cầu thủ trên sân bóng, đôi khi nằm ở việc trong đầu họ đang nghĩ mình đấu với đối thủ, hay là đang đấu với chính mình, chứ không là “cái cày” để mỗi người qua đường tiện tay lại “đẽo gọt” một tí.
Theo Huỳnh Đức - Tú Anh (Nguoiduatin.vn)