Sáng 13/10, Chung kết năm Đường Lên Đỉnh Olympia 2024 chính thức diễn ra. Đây là màn so tài đầy kịch tính giữa 4 thí sinh là: Trần Trung Kiên (học sinh trường THPT Lê Hồng Phong, Phú Yên); Nguyễn Quốc Nhật Minh (học sinh trường THPT chuyên Hùng Vương, Gia Lai); Vũ Quang Phú Đức (học sinh trường THPT Chuyên Quốc học Huế - Thừa Thiên Huế) và Nguyễn Nguyên Phú (học sinh trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội).
Nhà vô địch Olympia năm thứ 24 sẽ nhận được vòng nguyệt quế mạ vàng 18K và một suất học bổng du học như thường lệ. Tuy nhiên, giá trị suất học bổng đến thời điểm này vẫn chưa được công bố. Con số này năm ngoái là 50.000 USD.
10h01 Nam sinh xứ Huế thắng nghẹt thở ở phần thi Về Đích
Là người đang có điểm cao nhất, Phú Đức thi "Về đích" đầu tiên. Nam sinh chuyên Quốc học chọn ba câu, mỗi câu 20 điểm.
Câu đầu tiên hỏi về tên của bốn tàu hộ vệ tên lửa của Việt Nam. Đức đưa ra câu trả lời trong những giây đầu tiên, dõng dạc đáp "Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Quang Trung và Trần Hưng Đạo". Em giành 20 điểm từ câu này.
Câu thứ hai thuộc lĩnh vực Toán học, yêu cầu tính khoảng cách dựa trên các thông số về quãng đường, tốc độ mà chương trình cung cấp. Phú trả lời 270 nhưng không chính xác. Tuy nhiên, không thí sinh nào bấm chuông nên Đức không mất điểm.
Câu hỏi cuối trong gói của Phú Đức hỏi về tên loại cây trong một bài thơ của Trần Đăng Khoa. Nam sinh trả lời ngay từ những giây đầu tiên, sau đó thay đổi nhưng vẫn không chính xác. Nguyên Phú bấm chuông, trả lời "cây bão táp" và giành 20 điểm từ gói của Phú Đức.
Kết thúc phần thi của mình, Đức vẫn có 235 điểm.
Với việc giành thêm 20 điểm từ Phú Đức, Nguyên Phú có 125 điểm, vượt Trung Kiên 5 điểm để vươn lên vị trí thứ hai. Vì vậy, nam sinh trường chuyên Sư phạm thi ngay sau Phú Đức.
Trước khi thi, Phú dành lời cảm ơn tới gia đình, thầy cô và bạn bè đã cổ vũ mình trong suốt hành trình vừa qua. Phú nói xúc động khi thấy các bạn đã tập luyện rất vất vả cho các tiết mục văn nghệ suốt những ngày qua.
"Nếu em không thể mang vòng nguyệt quế về, mong sẽ có những thế hệ tiếp theo sẽ làm tốt hơn em", Phú nói, cho biết chọn gói 20 - 30 - 20 điểm.
Câu đầu tiên hỏi về kim loại có vai trò quan trọng trong ngành sản xuất pin xe điện và các thiết bị thông minh, Phú ngay lập tức trả lờ là "Li ti", giành 20 điểm.
Câu tiếp theo đề cập tới 5 loại bệnh mà vaccine 5 trong 1 phòng ngừa. Chương trình cung cấp ba loại là ho gà, uốn ván, hib; hỏi về hai loại bệnh còn lại. Phú không trả lời đúng, Trung Kiên bấm chuông nhưng cũng đưa ra đáp án sai, bị trừ 15 điểm.
Phú chọn ngôi sao hy vọng cho câu hỏi cuối cùng, thuộc lĩnh vực Vật lý. Nghe xong câu hỏi, Phú tự tin trả lời là "hiện tượng siêu dẫn", giành thêm 40 điểm.
Nam sinh Hà Nội có 185 điểm sau phần chơi.
Trung Kiên gửi lời cảm ơn tới các cổ động viên Phú Yên, trước phần thi của mình.
Với lựa chọn 30-20-30 điểm, Kiên gặp câu hỏi về sân bay dã chiến ở Tuyên Quang trong câu đầu tiên. Suy nghĩ cẩn thận và trả lời trong những giây cuối cùng, đáp án "Lũng Cò" mang về cho nam sinh Phú Yên 30 điểm.
Với thế mạnh Hoá học với giải nhì học sinh giỏi Hoá quốc gia, Kiên trả lời "Lưu huỳnh" trong câu hỏi thứ hai về nguyên tố mà nguyên liệu VLSFO không được vượt quá 0,5%. Kiên có thêm 20 điểm.
Kiên nói chơi hết mình, mang đến cuộc chơi tinh thần không còn gì để mất, Kiên chọn ngôi sao hy vọng trong câu hỏi thứ ba - yêu cầu trả lời bằng Tiếng Anh. Tuy nhiên, may mắn không mỉm cười với nam sinh trường Lê Hồng Phong.
Nguyên Phú giành quyền trả lời từ gói của Trung Kiên, trả lời "IUU fishing" (đánh bắt cá trái phép). Ngoài việc đưa ra câu trả lời, nam sinh chuyên Anh của trường chuyên Sư phạm đã giải thích trọn vẹn nội dung câu hỏi tiếng Anh.
"Em nghe được trọn vẹn câu hỏi rồi. Chúc mừng Nguyên Phú", người dẫn chương trình dành lời khen ngợi cho Phú.
Với việc trả lời đúng, Phú giành thêm 30 điểm, nâng tổng lên 215, chỉ còn kém Phú Đức 20 điểm
Trước phần thi Về đích, Nhật Minh nhận được món quà đặc biệt từ chương trình là chiếc áo đấu mang số 7 của Câu lạc bộ Manchester United - đội bóng yêu thích của em cùng chữ ký và lời chúc của nhiều cầu thủ.
Chàng trai chuyên Hùng Vương đang có 85 điểm, ngay cả khi giành ngôi sao hy vọng và trả lời đúng cả ba câu của gói cao điểm nhất, Minh cũng không thể chiến thắng. Hiểu điều này, Minh dành lời cảm ơn cho những người ủng hộ, nói sẽ thi đấu hết mình với gói 20-20-30 điểm.
Câu hỏi đầu tiên hỏi về một vị anh hùng qua những câu thơ của tác giả Trần Huy Liệu. Nhật Minh trả lời sai, Trung Kiên ngay lập tức bấm chuông và trả lời "Phạm Hồng Thái", giành 20 điểm.
Không chọn ngôi sao hy vọng cho câu hỏi về tốc độ thiết kế của đường sắt Bắc - Nam, Minh trả lời 350 km/h. Em lấy được 30 điểm từ câu hỏi này, không thí sinh nào có cơ hội giành điểm của em.
Câu hỏi cuối cùng của trận chung kết thuộc lĩnh vực Toán học. Nguyên Phú đã quỳ sẵn để thao tác bấm chuông được nhanh hơn, trong trường hợp Minh không trả lời được. Phú chỉ kém Đức 20 điểm, nếu trả lời được câu này, em sẽ vô địch. Vì vậy, không khí trường quay căng thẳng khi Minh không đưa ra đáp án.
Phú Đức có màn bấm chuông chiến thuật. Ngay khi giành được quyền trả lời, em đã nhảy lên ăn mừng vì hiểu ngay khi bị trừ 15 điểm, em vẫn còn 220, hơn Nguyên Phú 5 điểm.
Phú Đức chính thức vô địch Olympia năm thứ 24 với 220 điểm. Nguyên Phú về nhì với 215, Trung Kiên 145, Nhật Minh 65.
9h38 Sau Tăng tốc, Phú Đức tiếp tục dẫn đầu 4 thí sinh với 235 điểm
Câu hỏi Tăng tốc đầu tiên đưa ra bốn hình ảnh, hỏi về phương châm trong phòng chống thiên tai của Việt Nam.
Cả bốn cùng đưa ra câu trả lời là "4 tại chỗ", trong đó Phú Đức và Trung kiên phải sử dụng bảng viết tay do trục trặc về máy móc. Các em đều giành điểm: Nhật Minh nhanh nhất, được 40 điểm; Nguyên Phú 30, Phú Đức 20 và Trung Kiên 10.
Thí sinh được yêu cầu tìm từ khoá trong mật mã gồm nhiều chữ cái và biểu tượng ở câu thứ ba. Chỉ Nguyên Phú và Phú Đức đưa ra câu trả lời trong những giây cuối cùng, lần lượt là "điểm từng" và "đêm này". Tuy nhiên, không ai được điểm vì đáp án là "điểm tựa".
Ở câu số 4, chương trình đưa ra các bức ảnh về một số nhân vật, cụm từ gợi ý và hỏi đây là gì. Các thí sinh thể hiện sự bối rối với câu hỏi song đều đưa ra được kết quả là "AI". Phú Đức giành 40 điểm, Trung Kiên có thêm 30, Nguyên Phú 20 và Nhật Minh 10 điểm.
Sau phần thi Tăng tốc, Phú Đức đang dẫn đầu với 235 điểm, Trung Kiên 120, Nguyên Phú 105 và Nhật Minh 85.
09:29 'Net Zero' đưa Phú Đức đứng đầu phần thi Vượt chướng ngại vật
Nguyên Phú thi "Vượt chướng ngại vật" đầu tiên, chọn hàng ngang thứ 2 với câu hỏi có 7 chữ cái. Nhưng Phú Đức bất ngờ ấn chuông trả lời câu hỏi, đưa ra đáp án là Net Zero.
MC Khánh Vy cho biết cho biết chưa có bất kỳ dữ liệu hình ảnh nào, song Đức quả quyết với câu trả lời của mình.
Nữ MC một lần nữa nhấn mạnh trong cuộc thi quan trọng thì mọi hành động hấp tấp đều phải trả giá. Không khí trường quay trở nên hồi hộp. MC nói Phú Đức chưa hề chưa suy nghĩ kỹ và Phú Đức phải dừng phần thi ở đây, nhưng "ba bạn còn lại cũng vậy".
Trường quay và điểm cầu Huế vỡ oà khi người dẫn chương trình thông báo Đức đã đưa ra đáp án chính xác.
Sau phần Vượt chướng ngại vật, Phú Đức tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu và nới rộng khoảng cách với các bạn chơi khi có 135 điểm, Trung Kiên 50, Nguyên Phú 45, Nhật Minh 15.
9h15 - Phần thi Khởi động
Mỗi thí sinh có một lượt trả lời cá nhân, gồm 6 câu hỏi trị giá 10 điểm một câu. Sau đó, các em có phần thi chung với 12 câu hỏi. Thí sinh giành quyền trả lời bằng cách bấm chuông. Ở phần thi chung, thí sinh được 10 điểm nếu trả lời đúng, sai bị trừ 5 điểm.
Trong lượt thi riêng của mình, Nguyên Phú trả lời đúng 4 trên 6 câu, giành 40 điểm. Em ghi điểm tại câu hỏi Tiếng Anh về bão Yagi, Toán học, năm hoàn thành cao tốc Bắc Nam...
Phần chơi này không ưu tiên tốc độ, Phú thể hiện sự bình tĩnh, chắc chắn, luôn đợi người dẫn chương trình đọc xong câu hỏi rồi mới đưa ra đáp án.
Phần thi tiếp theo của Nhật Minh. Với 6 câu hỏi, nam sinh giành 20 điểm.
Thi đấu ở vị trí thứ ba, Phú Đức cho thấy sự quyết tâm khi cúi thấp người để đọc kỹ câu hỏi trên màn hình máy tính hơn. Với cả 6 đáp án đúng, Đức hoàn thành lượt thi trong tiếng hò reo của khán giả. Em thể hiện hiểu biết ở nhiều lĩnh vực, từ Tiếng Anh tới Toán học, hiểu biết xã hội.
Ở phần này, Trung Kiên trả lời đúng 4 câu hỏi về tên công viên địa chất toàn cầu của Việt Nam, hoa sen, danh nhân Nguyễn Công Trứ và phương pháp ghép tạng, giành 40 điểm.
Áp lực của trận đấu được đẩy lên với lượt thi bấm chuông giành quyền trả lời (phần thi chung), Nhật Minh thậm chí đã quỳ hẳn xuống sàn để bấm chuột nhanh hơn. Bốn thí sinh thể hiện sự thận trọng vì phần thi này sẽ trừ 5 điểm nếu các em đưa ra đáp án sai. Các em không lựa chọn bấm chuông nếu không thực sự biết câu trả lời.
Trung Kiên và Phú Đức giành được nhiều quyền trả lời nhất trong lượt chung. Cả hai có hai câu trả lời đúng, song Kiên cũng có 2 đáp án sai. Trong khi đó, Nhật Minh và Nguyên Phú không giành thêm điểm, bị trừ 5-10 điểm.
Hết phần Khởi động, Phú Đức tạm dẫn đầu với 75 điểm, Trung Kiên 50, Nguyên Phú 45, Nhật Minh 15.
8h35 - Lần đầu tiên xuất hiện phòng thẩm định cho ban cố vấn
Một điểm mới trong trận Chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia 2024 đó chính là xuất hiện phòng thẩm định cho ban cố vấn. Tại đây, ban cố sẽ có đủ điều kiện tốt nhất để theo dõi, giám sát và thẩm định phần thi của các thí sinh.
8h30 - Chung kết chính thức bắt đầu
Chương trình Chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 24 chính thức bắt đầu bằng ca khúc Khát Vọng Tuổi Trẻ do ca sĩ Hoàng Dũng và Phương Mỹ Chi thể hiện.
Nguyên Phú, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm, Hà Nội, sẽ thi đấu ở vị trí thứ nhất. Trong video giới thiệu, Phú xuất hiện trong vai trò huấn luyện viên, đang tìm chiến thuật cho một trận bóng đá - môn thể thao yêu thích của em. Nam sinh nói đã có những sự chuẩn bị kỹ càng cho trận chung kết.
Kế đó, Phú "dẫn" người xem tham quan trường THPT chuyên Sư phạm, nơi có thầy cô, bạn bè hết mình ủng hộ em, và Văn Miếu Quốc Tử Giám - biểu tượng của Hà Nội và là nơi đặt điểm cầu truyền hình trực tiếp".
Nói riêng về trường chuyên Đại học Sư phạm - một trong số ít ngôi trường ở Hà Nội không có cổng, Phú nhìn nhận điều này tượng trưng cho sự vô hạn của trí thức.
"Tôi vinh dự được đóng góp vào một phần lịch sử của trường, và sẽ thi đầu hết mình", Phú nói.
Nhật Minh là người chơi ở vị trí thứ hai. Video về Minh mở đầu bằng hình ảnh chuyến xe của nam sinh về một vùng quê. Minh cho biết muốn trở thành một quán quân Olympia không chỉ học giỏi mà còn truyền cảm hứng cho các em nhỏ.
Nam sinh cũng cảm thấy tự hào khi đã vượt qua chính mình để trở thành học sinh đầu tiên của Gia Lai thi chung kết Olympia. Với Minh, quê hương, gia đình, nhà trường là những động lực lớn giúp em vững bước trên hành trình chinh phục vòng nguyệt quế.
Video giới thiệu của Phú Đức đã điểm qua nhiều công trình, biểu tượng nổi tiếng của Huế như sông Hương, Đại Nội, phá Tam Giang và dừng lại ở hình ảnh trường chuyên Quốc học.
Với 7 học sinh vào chung kết Olympia, học sinh trường Quốc học cho biết đây là niềm tự hào lớn, đồng thời trở thành động lực cho Câu lạc bộ Nguyệt Quế Đỏ - cuộc thi mô phỏng Olympia của trường Quốc học.
Xuất hiện trong video, chị Nguyễn Thị Minh Châu, mẹ của Phú Đức, nói gia đình từng có khoảng thời gian khó khăn, nhưng luôn đầu tư và động viên Đức học tập. Vì vậy, Phú cũng có ý thức, chủ động học và muốn sau này có thể đóng góp trong việc xây dựng quê hương.
Người chơi ở vị trí thứ tư là Trung Kiên. Nam sinh mở đầu video giới thiệu về bản thân bằng hình ảnh ở Mũi Điện - nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của đất nước, và những cảnh đẹp của quê hương Phú Yên.
Kiên nói sinh ra ở huyện Thái Hòa, vùng quê còn nhiều khó khăn nhưng đang phát triển. Em tin ánh sáng từ tinh thần khát khao học tập sẽ giúp người trẻ vươn lên, từ đó thay đổi diện mạo quê hương.
Kiên nhớ hồi nhỏ lười học, mẹ từng được mời lên gặp hiệu trưởng. Lần đó, em đã khóc rất nhiều, nhận ra sai sót và đã khắc phục chăm học hơn. Tinh thần học tập của Kiên còn được truyền cảm hứng và động viên từ gia đình. Ông Trần Trung Lưu, bố Kiên, cho biết vợ chồng ông chỉ học xong lớp 12 nhưng luôn cố gắng đồng hành, học cùng con. Ông Lưu nhắc tới kỷ niệm về chiếc bảng cũ bị bung mép, nơi ông thường bắt chước các thầy cô đứng trên bục giảng và con ở dưới là học trò.
Cô Trần Thị Lệ Thủy, Hiệu trưởng trường THPT Lê Hồng Phong, cho biết Kiên có thành tích học tập và truyền cảm hứng cho các bạn.
Là trường huyện nhưng cách đây hơn 10 năm, THPT Lê Hồng Phong từng có học sinh giành huy chương đồng Olympic Toán quốc tế, là trường hợp rất hiếm trong cả nước.
8h - Cận cảnh chiếc vòng nguyệt quế
Trước giờ G, cận cảnh chiếc vòng nguyệt quế dành cho Quán quân Olympia cũng chính thức được lộ diện.
7h30 - Trước giờ G
Năm nay, ngoài điểm cầu chính tại Đài Truyền hình Việt Nam, 4 điểm cầu truyền hình trực tiếp Chung kết được đặt tại 4 địa danh mang tính biểu tượng của mỗi tỉnh và thành phố, bao gồm: Nhà thi đấu Lê Trung Kiên - Phú Yên, Gia Lai - Quảng trường Đại đoàn kết - Gia Lai, Quảng trường Ngọ Môn - Thừa Thiên - Huế và Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hà Nội.
Trước đó, Phú Yên chọn Quảng trường Tháp Nghinh Phong làm điểm cầu, tuy nhiên do mưa lớn vào hôm qua khiến cho việc chuẩn bị gặp khó khăn. Để đảm bảo chương trình diễn ra suôn sẻ, địa phương đã đổi địa điểm sang Nhà thi đấu Lê Trung Kiên. Đáng nói, nhà thi đấu trùng tên với nam sinh đại diện tỉnh Phú Yên - Trần Trung Kiên.
Ngay từ sáng sớm, không khí tại trường quay ghi hình cũng như các điểm cầu đã vô cùng sôi động.
NT (SHTT)