Dốc 6 tỷ mua nhà làm của hồi môn cho con gái, ngờ đâu con rể tương lai toan tính đưa cả bố mẹ và em trai tới ở cùng

19/11/2024 14:11:41

Trong phút chốc, tôi cảm thấy một luồng lửa giận bốc lên.

Vợ chồng tôi mải làm ăn buôn bán, tôi ngoài 30 tuổi mới sinh được một cô con gái, 2 vợ chồng hết mực yêu thương và nâng niu. Con gái tôi từ nhỏ đã ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, năm nào cũng đạt loại giỏi. Sau khi tốt nghiệp đại học, con bé đã tìm được một công việc tốt. Mọi thứ đều suôn sẻ, yên ổn.

3 năm trước, con bắt đầu hẹn hò với một người đồng nghiệp tên là Khải. Cậu ta đến từ một vùng quê nhỏ, gia cảnh bình thường, bố mẹ đều là lao động, dưới còn một người em trai kém 6 tuổi. Ban đầu, tôi có ấn tượng khá tốt về Khải. Dù gia cảnh không khá giả nhưng trông cậu ta điềm đạm, chắc chắn, lại chăm chỉ làm việc. Hơn nữa, con gái rất yêu anh ta nên vợ chồng tôi cũng không nói gì nhiều. Chúng tôi nghĩ chỉ cần con gái thích, gia cảnh đối phương kém một chút cũng không sao.

Khải nhiều lần đến nhà chơi, rất lễ phép. Năm ngoái, chúng tôi đã đồng ý cho họ kết hôn. Nhưng nào ngờ lại xảy ra việc ngoài ý muốn.

Dốc 6 tỷ mua nhà làm của hồi môn cho con gái, ngờ đâu con rể tương lai toan tính đưa cả bố mẹ và em trai tới ở cùng
Ảnh minh họa

Mọi chuyện bắt đầu từ việc mua nhà để cưới. Gia cảnh Khải không tốt, không đủ khả năng mua nhà. Thương con gái, tôi và chồng bàn nhau sẽ cho con một căn nhà để có một mái ấm ổn định. Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định mua căn hộ chung cư 3 phòng ngủ trị giá 6 tỷ cho con làm của hồi môn.

Con gái tôi báo tin này cho chồng sắp cưới biết, nào ngờ cậu ta lại bảo xin chúng tôi thêm 1 tỷ để mua căn hộ 4 phòng ngủ. Khi con gái nói lại với tôi, tôi hỏi vợ chồng trẻ thì cần gì nhà rộng thế? Bố mẹ tính các con chỉ cần 2 phòng ngủ, phòng còn lại thiết kế thành phòng làm việc và phòng học cho bọn trẻ sau này.

Nhưng con gái thở dài nói: "Anh Khải bảo rằng muốn đón bố mẹ lên ở cùng. Ngoài ra còn một phòng cho em trai anh ấy, sau này chú ấy cưới vợ thì sẽ ở lại đó nên cần nhà cửa rộng rãi hơn".

Nghe tin này, tôi thật sự sững sờ: "Hai đứa còn chưa cưới, cậu ta đã tính chuyện cho em trai vào ở cùng? Đây là nhà của hai đứa hay là nhà cho cả gia đình cậu ta?". Tôi tức giận đến mức không thể kìm nén, hỏi xem con gái đã đồng ý chưa.

Con tôi cười khổ nói: "Con không đồng ý, nhưng anh Khải nói đó là chữ hiếu, bố mẹ vất vả nuôi anh ấy khôn lớn, em trai chưa có nhà, anh ấy là anh cả, không thể không quan tâm. Anh Khải còn nói nếu con không đồng ý là bất hiếu, là không biết thông cảm cho hoàn cảnh của anh ấy".

Trong phút chốc, tôi cảm thấy một luồng lửa giận bốc lên. Cậu ta muốn hiếu thảo thì tự làm, tự dành dụm tiền mà mua nhà cho bố mẹ đẻ, cớ sao bắt con gái tôi gánh theo gánh nặng đó? Đây là nhà vợ chồng tôi tặng con gái để con được sống thoải mái, giờ nhồi nhét cả nhà chồng vào đó thì khác gì đi làm dâu, sống chật chội thế lại nảy sinh nhiều rắc rối.

Nhìn con gái, tôi chỉ biết nghiêm mặt nói một câu: "Con suy nghĩ kỹ rồi hẵng quyết định". Con gật đầu vâng dạ. 3 ngày sau, trong bữa cơm tối, con gái nói: "Bố mẹ, con quyết định rồi, con muốn hủy hôn".

Tôi nhất thời câm lặng, cảm giác như có thứ gì đó nghẹn lại trong lồng ngực vì không ngờ sự tình lại đến mức độ này. Con nắm bàn tay đang đặt trên bàn của tôi: "Mẹ à, con nghĩ kỹ rồi, con tìm chồng chứ không phải tìm con nợ, con không thể để cả nhà anh ấy chi phối mình được".

Chồng tôi sau khi nghe đầu đuôi câu chuyện thì khẳng định chắc nịch: "Được, bố mẹ ủng hộ con. Không lấy đứa này thì tìm đứa khác, đứa nào biết trân trọng con thì cưới".

Ngẫm nghĩ lại, tôi thấy nó giống như một trò hề. Khải từng là chàng trai tốt trong mắt chúng tôi. Dù gia cảnh không khá giả nhưng ít nhất cũng chăm chỉ, siêng năng. Nhưng nào ngờ, đến chuyện mua nhà cưới, cậu ta lại bộc lộ bản chất ích kỷ đến vậy.

Dốc 6 tỷ mua nhà làm của hồi môn cho con gái, ngờ đâu con rể tương lai toan tính đưa cả bố mẹ và em trai tới ở cùng - 1
Ảnh minh họa

Thực ra, tôi không phản đối việc hai thế hệ sống chung. Là cha mẹ, chúng tôi cũng mong con cái hiếu thảo, biết chăm sóc ông bà. Nhưng thái độ của Khải khiến tôi hoàn toàn nhìn thấu con người thật của anh ta. Anh ta không chỉ muốn hiếu thảo với cha mẹ mà còn muốn đổ hết gánh nặng lên đầu con gái tôi, thậm chí còn lấy danh nghĩa “chữ hiếu” để bắt con gái tôi phục vụ cả gia đình họ.

Có những người bề ngoài có vẻ cầu tiến, vững vàng, nhưng khi liên quan đến lợi ích cá nhân, họ mới lộ rõ bộ mặt thật. Khải tính toán quá kỹ. Bố mẹ cậu ta không có nhà, em trai không có nhà, vì vậy cậu ta tìm một người vợ có điều kiện kinh tế tốt, định dựa vào cô ấy để mang lại lợi ích cho cả gia đình. Nhưng cậu ta quên mất rằng hôn nhân là chuyện của hai người, không phải phao cứu sinh cho cả gia đình cậu ta.

Ngày hủy hôn, Khải đến tìm con gái tôi, muốn níu kéo, van nài nhưng con gái tôi lạnh lùng từ chối. Sau khi năn nỉ không được, cậu ta lặng lẽ quay lưng bỏ đi.

Hôn nhân là một hành trình dài, và việc chọn đúng người bạn đời quyết định phong cảnh trên hành trình đó có đẹp hay không. Tôi mừng vì con gái đã đưa ra lựa chọn đúng đắn vào thời điểm quan trọng, không bị “chữ hiếu” của Khải trói buộc. Con bé hiểu rằng hôn nhân thực sự là hai người cùng nhau vun đắp, chứ không phải một người hy sinh vô điều kiện.

Còn Khải, có lẽ cậu ta sẽ tìm được một cô gái chấp nhận mua nhà cho cả nhà chồng sống cùng, nhưng người đó chắc chắn không phải là con gái tôi.

Theo Phương Nam (Thanh Niên Việt)