Trong buổi lễ tốt nghiệp tháng 5 vừa qua tại thủ đô Washington DC, nam sinh quê Quảng Ngãi này là một trong những tân cử nhân trẻ tuổi nhất của Đại học Georgetown. Ngoài ra, cậu cũng là một trong số ít sinh viên được đeo dải dây danh dự (honor cord) được trao cho các sinh viên tốt nghiệp hạng "summa cum laude" - tạm dịch là "xuất sắc nhất". Đây là danh hiệu học thuật danh giá mà các sinh viên đại học tại Mỹ có thể nhận được, được trao cho top 1 đến 5% sinh viên ưu tú mỗi năm.
Từng đỗ 21 trường đại học
Gắn bó với mảnh đất Quảng Ngãi đến hết năm lớp 10, Hải rời trường THPT chuyên Lê Khiết để sang Mỹ du học theo học bổng toàn phần của Học viện CATS Boston. Hoàn thành xong chương trình phổ thông, Hải liên tiếp nhận "mưa học bổng" và thư trúng tuyển từ 21 trường đại học tại Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Singapore.
Sau tất cả, nam sinh Việt đã chọn Đại học Georgetown làm điểm đến kế tiếp trên hành trình du học của mình và theo học chuyên ngành Kinh tế quốc tế (international economics). Được biết, đây là trường quan hệ quốc tế lâu đời nhất tại Mỹ, thuộc top 5 thế giới về lĩnh vực này theo bảng xếp hạng chuyên ngành của Foreign Policy.
Chương trình đại học tại Mỹ thường mất 4-5 năm để hoàn thành. Do học vượt tín chỉ để hoàn thành sớm nên khối lượng học của Hải nặng hơn nhiều so với các bạn học. Dù vậy, nam sinh vẫn sở hữu điểm GPA cận tuyệt đối (3.98/4.0). Cậu cũng là một trong số các "thủ khoa" của ngành kinh tế năm nay khi sở hữu điểm chuyên ngành (Major GPA) ở mức 4.0/4.0.
Về lý do quyết định "học vượt", nam sinh cho hay: "Nếu học đúng tiến độ, mình sẽ mất 4-5 năm để hoàn thành chương trình đại học, chưa kể thêm 2 năm để theo học bậc thạc sĩ. Nhờ xong trước tiến độ nên mình chỉ cần tổng cộng 4 năm là sẽ hoàn thành xong cả 2 văn bằng này. Điều này cho phép mình tiết kiệm đáng kể thời gian và tăng tính cạnh tranh so với các bạn đồng lứa khi gia nhập thị trường việc làm.
Ngoài ra, mặc dù mình rất may mắn khi được học bổng của trường nhưng những khoản chi phí đi lại và sinh hoạt (đặc biệt tại thủ đô Washington) cũng rất đắt đỏ. Việc học vượt cho phép mình tiết kiệm không những thời gian mà còn giảm thiểu gánh nặng tài chính đối với bản thân và gia đình. Ngoài ra, đây cũng là một cơ hội để mình thách thức bản thân mình, buộc mình phải có tính kỷ luật, tự giác và khả năng quản lý thời gian hiệu quả".
Dù duy trì thành tích học tập ấn tượng nhưng Hải cho biết mình không đặt nặng vấn đề điểm số mà quan tâm hơn về việc thu nạp và ứng dụng những kiến thức đã học được. Cậu thường xuyên gặp gỡ các giáo sư để trao đổi thêm sau giờ học không chỉ để hỏi về bài vở mà còn học hỏi thêm những kiến thức về công việc, cuộc sống, xã hội từ các giáo sư.
"Các thầy cô tại trường không chỉ là những học giả đầu ngành mà nhiều người còn có kinh nghiệm làm việc và lãnh đạo thực tế qua nhiều năm. Được tiếp xúc và học hỏi trực tiếp từ họ là một cơ hội mà mình không thể bỏ lỡ", Hải chia sẻ.
Sáng lập tổ chức được Liên hợp quốc công nhận
Trong quá trình học tại trường, Hải vinh dự được gia nhập hội học thuật lâu đời nhất nước Mỹ - Phi Beta Kappa (trong số các thành viên từng có 17 tổng thống Mỹ và 136 nhà khoa học đoạt giải Nobel). Ngoài ra, Đông Hải cũng được chọn làm Centennial Fellow (Học giả Thế kỷ) nhân kỷ niệm 100 năm chương trình quan hệ quốc tế của Đại học Georgetown để nghiên cứu cũng như kết nối với nhiều chuyên gia, học giả và cựu sinh viên nổi tiếng của trường.
Không chỉ tập trung vào việc học, Hải còn tích cực tham gia các hoạt động sinh viên và cộng đồng. Nam sinh Việt giữ nhiều chức vụ lãnh đạo tại các CLB và hội sinh viên của trường cũng như tham gia làm đại sứ sinh viên và đại diện sinh viên trong hội đồng liêm chính học thuật (honor council).
Nam sinh cũng bình luận về các vấn đề kinh tế và địa chính trị cho nhiều ấn phẩm quốc tế như The Diplomat, The National Interest, USA Today và Newsweek . Không dừng lại ở đó, Hải vẫn tiếp tục gắn bó với tổ chức phi lợi nhuận Global Association of Economics Education (GAEE) về giáo dục kinh tế do cậu đồng sáng lập từ những năm cấp 3. Dưới sự lãnh đạo của Hải, GAEE đã được công nhận là một trong những dự án giúp thúc đẩy chương trình phát triển bền vững (SDG Action) của Liên Hiệp Quốc và được Cao ủy Châu Âu mời tham gia Mạng lưới Chuyên gia về Giáo dục Kinh tế.
"Mình may mắn được du học từ những năm cấp 3 nên những khó khăn trong việc thích nghi với văn hóa, khí hậu hay hệ thống giáo dục Mỹ không còn nữa. Tuy nhiên, khi lên đại học, ngoài gánh nặng của việc học, mình cũng chịu áp lực không nhỏ từ những tham vọng, mục tiêu mà mình tự đặt ra cũng như từ những thành tích của các anh chị đi trước.
Điều này khiến mình có một mối quan hệ không lành mạnh (toxic) với việc phát triển bản thân – mình bị cuốn vào 'vòng xoáy' FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ cơ hội) khi cố gắng tham gia vào tất cả các dự án nghiên cứu, sự kiện, chương trình, talk show, hoạt động ngoại khoá... mà mình có điều kiện tiếp cận" , cậu nói.
Chỉ khi bản thân đã kiệt sức, cậu mới nhận thấy "mindset" (tư duy) này không bền vững và cần phải thay đổi. Nhờ lời khuyên từ các mentor, giáo sư và các anh chị đi trước, Đông Hải đã nhận ra rằng mỗi người có một hành trình riêng của mình với mỗi nhịp độ khác nhau. Từ những trải nghiệm này, cậu đã biết học cách biết tin tưởng vào bản thân mình, và biết khi nào là lúc nên "dừng" lại để không đẩy bản thân đến mức kiệt sức.
Thực tập tại Big3, Big4, "think tank" top đầu
Không chỉ hoàn thành chương trình bậc đại học sớm, nam sinh Quảng Ngãi còn được Đại học Georgetown nhận vào và đã bắt đầu học chương trình thạc sĩ khoa học đối ngoại (MSFS) trước cả khi nhận bằng đại học.
Để đạt được kết quả này, không chỉ nhờ vào riêng thành tích học tập mà Hải đã luôn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội cũng như tích lũy kinh nghiệm thực tập và nghiên cứu tại nhiều tổ chức danh giá như Viện Brookings ("think tank" số 1 thế giới), PwC ("Big 4" kiểm toán thế giới) và McKinsey & Company ("Big 3" tư vấn thế giới).
Dù việc học, nghiên cứu và hoạt động chiếm gần hết thời gian, Hải vẫn dành thời gian để giao lưu với bạn bè, tham gia nhiều triển lãm, sự kiện văn hoá, talk show, cũng như các vũ hội của giới ngoại giao và học giả tại thủ đô Washington, D.C. Tự nhận mình là một người "nửa hướng nội nửa hướng ngoại" (ambivert), Hải cho biết mình luôn cố gắng dành ra một ít thời gian cho bản thân để "sạc lại" năng lượng với sở thích chơi đàn, nấu ăn, đọc tiểu thuyết sci-fi và viết truyện.
Du học Mỹ từ năm cấp 3, nam sinh Quảng Ngãi luôn quan tâm đến phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam, thường xuyên trao đổi về vấn đề này khi có cơ hội. Khi được hỏi về định hướng tương lai, Hải cười và nói: "Dù ở bất cứ đâu, mình vẫn luôn hướng về quê hương của mình".
Theo Đông (Phụ Nữ Số)