Đề thi môn Giáo dục công dân gây tranh cãi vì 'dã man, phản cảm', bộ môn này hiện nay đang dạy gì?

09/07/2021 22:31:33

Dù kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kết thúc, nhưng đến hôm nay đề Giáo dục công dân (GDCD) vẫn đang gây tranh cãi, khi có nhiều ý kiến cho rằng có nhiều tình tiết "dã man, phản cảm" không phù hợp với học sinh.

Đề thi THPT 2021 môn Giáo dục công dân "dã man, phản cảm"?

Có 2 câu hỏi được đặc biệt quan tâm trong đề thi tốt nghiệp THPT môn giáo dục công dân. Lúc đầu người ta chỉ để ý đến nó vì các anh chị A, B, C... khiến cho nhiều người cũng cảm thấy rối não vì khó hiểu. Tuy nhiên, khi đọc kĩ hơn nữa thì có những tình tiết được cho là "dã man, phản cảm", không phù hợp để giáo dục cho học sinh.

Đề thi môn Giáo dục công dân gây tranh cãi vì 'dã man, phản cảm', bộ môn này hiện nay đang dạy gì?
2 câu trong đề thi đang gây tranh cãi vì cho rằng có nhiều tình tiết "dã man, phản cảm".

Cụ thể là ở trong tình huống này: “Anh C là chi cục trưởng chi cục X chở chị S là nhân viên đi công tác bằng xe mô tô...” và câu hỏi “thôn Y có ông A; vợ chồng anh G, chị P; vợ chồng chị M, anh N và con gái là cháu C cùng sinh sống. Vốn có định kiến từ trước nên khi thấy chị P vào nhà mình, chị M cho rằng chị P có mục đích xấu nên đã tri hô và hỗ trợ anh N đánh đuổi chị P...”. Và những hành động sau được nhắc đến: đánh đuổi, giam, bắt cóc, dọa giết, ngất xỉu, bị bỏ đói... và nhiều người cho rằng phản cảm, không phù hợp với môi trường học đường.

Có những ý kiến còn cho rằng tình tiết "gay cấn như trong phim hành động" và đề thi môn GDCD nên có tính nhân văn để giáo dục chứ không cần lúc nào cũng tàn nhẫn mới dạy dỗ được học sinh. Ngành giáo dục cần tránh các bài học, đề thi bạo lực, phản cảm và hoàn toàn có thể chọn những cách khác để ra đề khéo léo và tế nhị hơn, là ý kiến tranh luận đưa ra.

Môn Giáo dục công dân hiện nay đang dạy gì?

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, từng cho biết chương trình môn GDCD xác định 4 mạch nội dung xuyên suốt 3 cấp học gồm: giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, kinh tế và pháp luật.

Như vậy môn GDCD là bộ môn giáo dục từ đạo đức lối sống, đến hiểu biết chính trị, pháp luật... Các em sẽ được học cả việc phòng chống xâm hại đến luật kinh doanh...

Với cách hiểu này thì nhiều phụ huynh không bám sát việc con mình học gì có lẽ sẽ vô cùng ngạc nhiên vì họ vẫn nghĩ GDCD đơn thuần là những bài học đạo đức, nhưng thực tế chính trị, pháp luật.. cũng là phạm trù được đề cập trong môn GDCD.

Đề thi môn Giáo dục công dân gây tranh cãi vì 'dã man, phản cảm', bộ môn này hiện nay đang dạy gì? - 1
Ảnh minh họa

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết từng phát biểu trước đó thì chương trình GDCD chú trọng giáo dục những kỹ năng sống thiết thực đối với HS, ví dụ: phòng tránh tai nạn, thương tích, phòng tránh xâm hại, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống bạo lực học đường, ứng phó với tình huống nguy hiểm, thích ứng với thay đổi…

Thay thế những kiến thức kinh tế chính trị hàn lâm bằng kiến thức thiết thực đối với học sinh, ví dụ: hoạt động tiêu dùng (tiết kiệm, quản lý tiền, tiêu dùng thông minh…), hoạt động của nền kinh tế (thị trường và cơ chế thị trường, cạnh tranh, lạm phát, thất nghiệp…), hoạt động kinh tế của nhà nước (ngân sách và thuế, thị trường lao động - việc làm, bảo hiểm và an sinh xã hội), hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Lược bỏ các kiến thức triết học, đạo đức học trừu tượng, bổ sung những kiến thức thiết thực về pháp luật lao động, dân sự, hình sự, sản xuất, kinh doanh… bên cạnh các kiến thức về hệ thống nhà nước, quyền và nghĩa vụ công dân đã có trong chương trình hiện hành.

***

Như vậy, với định hướng đào tạo này dù nhiều phụ huynh ngạc nhiên vì cho rằng đề thi có thể khó hiểu hay "phản cảm và man rợ", nhưng xem ra nó cũng không đi lệch với điều môn GDCD hiện nay đang hướng tới. Đặc biệt với quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe của công dân thực sự là quan trọng với tất cả mọi người và với riêng các thí sinh ở độ tuổi này.

Với cách thi trắc nghiệm chứ không phải viết bài luận thì việc phải chi tiết những nội dung, cụ thể tình huống để học sinh hiểu rõ và chọn đáp án thích hợp thì điều này có lẽ cũng là cần thiết chăng?

Theo ĐX (Nhịp Sống Việt)

Nổi bật