Tranh minh họa |
Để chuẩn bị cho bài làm kiểm tra một tiết, nhiều học sinh về mở mạng đao xuống một lúc vài bài, rồi cắp đầu nọ, ráp đầu kia thành bài văn hoàn chỉnh và cố gắng “tụng” cho thuộc để tới lớp làm vào.
Khi được hỏi: “Sao không tự làm mà phải học thuộc cho cực”? H. M. - một học sinh lớp 10 trả lời: “Khó quá cô ạ, tự làm thường sẽ bị điểm thấp hơn”.
Những học sinh khá, giỏi rất sợ văn bị điểm thấp sẽ kéo điểm tổng kết thấp xuống. Nhiều em thổ lộ, “bị điểm thấp sẽ bị ba mẹ la”.
Một đồng nghiệp là giáo viên dạy văn lâu năm ở một trường trung học cơ sở trong thị xã thường than phiền học sinh không hứng thú nhiều với môn học, Mặc dù chị luôn đầu tư công sức cho những bài giảng thêm sinh động.
Một số phụ huynh yêu cầu chị dạy thêm văn cho các em vì “môn này khó mà năm nay lại thi vào lớp 10, sợ cháu không theo kịp”.
Lớp học thêm mở ra được gần hai chục em đi học, buổi đầu chị đồng nghiệp dạy ngữ pháp và hướng dẫn học sinh cách phân tích đề, xác định mục tiêu của đề, cách chọn dẫn chứng để chứng minh cho từng dạng bài thêm sinh động…
Sau đó chị hướng dẫn các em cách lập dàn bài sơ lược cho một đề bài cụ thể. Học sinh được yêu cầu viết bài theo sự hướng dẫn của cô. Lớp học bắt đầu xì xào, quan sát chị thấy các em tỏ ra mệt mỏi và không có hứng thú làm bài.
Có em con so sánh: ”Cô dạy không giống cô H”. “Chị nói: “Giờ thì cô trò mình cùng xây dựng một dàn bài chi tiết để các em nắm chắc hơn cách làm. Những lần sau khi có đề bài phải tự làm nhé”. Khi dàn bài chi tiết được xây dựng xong, chị nói với cả nhóm: “Có bộ xương rồi các em sẽ thêm da, thịt vào là hoàn thiện thành con người”. Và cả tiếng đồng hồ trôi qua, em viết được một cái mở bài cụt ngủn, em viết được thân bài nhưng quá sơ sài.
Có em mạnh dạn lên tiếng: “Tụi con không thích học thế này, khó quá, cô đọc bài mẫu của cô cho chúng em học thuộc được không? "
Nghe thế, chị bạn đã nói dứt khoát: “Cô chỉ là người định hướng, giúp các em hiểu đề và cung cấp cho các em một số dẫn chứng để bài làm thêm phong phú. Cái chính vẫn là các em cảm thụ và tự làm. Nếu chỉ học thuộc văn mẫu khi vào thi không trúng tủ sao có thể làm được. Cô tuyệt nhiên không bao giờ dạy như thế”.
Sau lời nói cứng rắn của chị, buổi học thêm thứ hai lớp ngót đi phân nửa học sinh và sau một thời gian thì chẳng còn một bạn nào đến lớp.
Có em bật mí: “Ba mẹ nói, tốn tiền đi học thêm mà điểm văn chỉ lẹt đẹt 5,6 nên nói nghỉ học ở đây tìm thầy cô giáo khác dạy”.
Khác với chị cô giáo H., một đồng nghiệp đã thẳng thắn bày tỏ: “Vẫn biết làm sẵn bài cho học sinh học thuộc là triệt tiêu tư tưởng sáng tạo của các em nhưng nếu không dạy như thế cũng chẳng có học trò học. Mình dạy theo yêu cầu”.
Và lớp học thêm văn của cô luôn thu hút gần như cả lớp đi học. vào buổi dạy, cô giáo cho đề và đọc cho học sinh “chép bài đến sái cả tay chỉ về học thuộc” hôm sau làm bài chẳng cần suy nghĩ nhiều mà chỉ cần nhớ và chép ra. Một học sinh lớp 9 đã chia sẻ như thế.
Phụ huynh khi thấy con đạt điểm cao cũng không hết lời “tung hô” những thầy cô giáo ấy là “giáo viên dạy giỏi”…
Vẫn còn không ít nhà trường, phụ huynh thường nhìn vào điểm số của học sinh để đánh giá năng lực dạy học của giáo viên.
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân để một số thầy cô giáo không dám mạo hiểm để các em học sinh tự cảm thụ và làm văn theo cách của mình.
Theo Phan Tuyết (Tuổi Trẻ)