Mỗi dịp năm hết Tết đến, chuyện ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại vẫn được nhiều gia đình trẻ quan tâm. Có người đưa ra phương án luân phiên, năm nay ở nội thì sang năm về ngoại; có người chọn trước Tết sang ngoại thì từ mùng 1 Tết lại về nội;... Tuy nhiên không phải cặp đôi nào cũng thống nhất được phương án về quê ăn Tết như vậy.
Mới đây, một người vợ trẻ đang sống ở Hà Nội, đã tìm đến talkshow Tâm Sự Cùng Đinh Đoàn được đăng trên kênh YouTube Bài Học Sống để giãi bày mong muốn về ngoại ăn Tết của mình.
Theo đó, cô và chồng đã kết hôn được 4-5 năm nay, đang sống ở Hà Nội còn gia đình 2 bên thì ở quê. Người chồng hơn vợ 13 tuổi, là con trai trưởng nên mọi công to việc lớn trong nhà, đặc biệt là lễ Tết đều do người vợ đảm nhận.
Trong những năm trước, cả gia đình đều ăn Tết ở nhà nội. Đến khoảng mùng 4-5 Tết, khi đã hết Tết thì người vợ mới được về ngoại nhưng cũng ăn vội ăn vàng bữa cơm rồi lại về nội ngay lập tức, không được thoải mái.
Khi ở bên nội, người vợ một mình lo lắng, soạn sửa cả chục mâm cỗ rồi cũng rửa ngần đấy bát đũa mà không nhận được sự giúp đỡ nào từ chị em hay họ hàng. Vì vậy nhiều khi cô thấy tủi thân, nhất là lúc con quấy khóc đòi bế nên ngồi khóc. Lúc đó chồng cô không giúp đỡ mà lại nói: “Thôi thì dâu trưởng, cái gì mà chả phải gánh chứ anh cũng không biết giúp gì cả”.
Tết năm nay, em trai út của người vợ mới đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài về sau nhiều năm xa nhà. Chị em lâu ngày không gặp nhau và bản thân cô cũng lâu rồi chưa về thăm bố mẹ, nhớ bố mẹ nên cô đề xuất với chồng sẽ về nhà nội chuẩn bị đồ đạc cúng kiếng sẵn sàng, mọi người ở nhà chỉ cần bày ra là được còn mình sẽ sang nhà ngoại từ 30 Tết.
Trong lần đầu tiên này, chồng cô gắt gỏng: “Bây giờ làm dâu rồi thì ăn Tết ở nhà nội đi. Lúc nào cũng tư tưởng nghĩ đến nhà ngoại”.
Tuy nhiên cô không từ bỏ mà quyết định sẽ tác động dần kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Đến lần thứ 2, cô nói tiếp với chồng về chuyện này nên anh đã gọi điện mách với bố mẹ chồng: “Vợ con nó làm dâu trưởng nhưng tư tưởng lúc nào cũng ở nhà ngoại, nó không suy nghĩ gì cho nhà nội cả”.
Đúng lúc này, người vợ nói ké vào điện thoại với mẹ chồng: “Mẹ ơi, năm nay cho con xin phép về nhà ngoại ăn Tết vì cậu út mới đi nước ngoài về, bao nhiêu năm chị em không gặp nhau nên nhớ nhau”. Mẹ chồng tỏ ra rất khó chịu nhưng chưa kịp nói gì thì bố chồng đã nói vọng vào: “Làm gì có chuyện láo toét như thế! Làm dâu, lại là dâu trưởng thì mọi trách nhiệm trong gia đình phải gánh, chứ bây giờ lại bỏ đấy cho bố mẹ mà đi”.
Ngoài ra người vợ cho biết thêm, bố mẹ chồng cũng còn khá trẻ, thuộc thế hệ 7x. Em chồng đi lấy chồng vẫn được về nhà ngoại ăn Tết nhưng khi cô nói thì lại bị bố mẹ phản đối, cho rằng không thể so sánh như thế được.
Trước tình huống khó xử này, cô nhờ đến sự tư vấn của chuyên gia để có cách ứng xử hài hòa nhất, không gây bất hòa trong gia đình.
Theo chuyên gia Đinh Đoàn, việc dâu trưởng phải lo lắng tất tần tật là của ngày xưa, bây giờ xã hội đã thay đổi và cởi mở hơn, không ai quy định phải ăn Tết ở đâu mà do 2 vợ chồng thỏa thuận với nhau. Cái không may của người vợ là có chồng vô tâm, “bố mẹ nào thì con nấy”, gây sức ép với vợ, không thương vợ.
Về cách xử lý, chuyên gia đưa ra lời khuyên cực kỳ chi tiết rằng đến gần ngày Tết, người con dâu gọi điện nói chuyện trực tiếp và thẳng thắn với bố mẹ chồng, không cần nói ghé, nói vọng vào. Cô nên trình bày rõ ràng vấn đề rằng những năm trước ra sao, năm nay ra sao và xin phép về ngoại ăn Tết. Chuyên gia cũng nhấn mạnh nói là “xin phép” vì mình là bậc con cái nhưng thực chất là thông báo.
Đến ngày Tết, khoảng 29 - 30 Tết, cô vẫn về nội soạn sửa bình thường, dặn dò mẹ chồng và nhờ làm các thứ cần thiết, không bỏ bê công việc. Sau đó mới về nhà ngoại, ngay cả khi chồng và con không về thì cô cũng tự về một mình được.
Ngoài ra người vợ kiêm người con dâu cũng cần sử dụng đúng vị trí dâu trưởng. Vì bố mẹ chồng đã nhắc đi nhắc lại dâu trưởng có trách nhiệm thì có chức có quyền, dâu trưởng có thể phân công công việc trong nhà. Đồng thời người vợ cũng nên trao đổi với chồng về chuyện dâu trưởng, là con dâu trưởng không đồng nghĩa với việc phải làm hết tất cả mọi thứ. Những việc này không phải là hỗn láo mà làm đúng đắn, hợp lý.
Cuối cùng, chuyên gia Đinh Đoàn khẳng định người vợ cần phải trao đổi, tác động lại với chồng, không thể để quan điểm như thế. Ở thời điểm hiện tại, khi cả hai còn trẻ thì sẽ dễ nói chuyện hơn và cũng còn sống với nhau cả đời nữa, nếu cứ để tiếp diễn thì người vợ sẽ phải cam chịu trong suốt những năm tháng còn lại.
Được biết chuyên gia, Tiến sĩ tâm lý Đinh Đoàn sinh năm 1962, đến từ Thái Bình, được xem là một trong những chuyên gia tâm lý hàng đầu Việt Nam, cực kỳ được lòng khán giả nhờ những chia sẻ hóm hỉnh nhưng cũng không kém phần thẳng thắn, đi vào vấn đề.
Hiện tại, chuyên gia Đinh Đoàn còn là đảm nhận vai trò tư vấn cho khán giả tại chương trình phát thanh trực tiếp Cửa Sổ Tình Têu trên VOV2. Ngoài ra ông có kênh YouTube 357k người đăng ký và kênh TikTok có 250k lượt theo dõi.
Theo S.A (Phụ Nữ Số)