Đằng sau vẻ hào nhoáng từ nghề kiếm chục nghìn đô tại Trung Quốc

20/12/2017 13:42:00

Khi trở thành ngôi sao mạng xã hội, bạn có thể dễ dàng kiếm được 60.000 USD, nhưng thay vào đó phải đối mặt với những áp lực nặng nề không kém.

Nhờ trở thành hiện tượng mạng bằng cách livestream, các bạn trẻ Trung Quốc dễ dàng kiếm được 20.000 USD/tháng - gấp 13 lần mức lương trung bình của nhân viên làm việc tại những thành phố lớn, đôi khi là 60.000 USD chỉ cho một bài đăng. Từ đó, khái niệm Wang Hong - những ngôi sao nổi lên từ Internet bắt đầu xuất hiện.


Cuộc sống của 'nữ hoàng livestream': Đằng sau công việc giúp bạn vừa nổi tiếng, vừa giàu có tiềm ẩn nhiều áp lực.

Vừa được nổi tiếng, vừa trở nên giàu có, nhiều bạn trẻ Trung Quốc lao vào làm những video mạo hiểm, quái dị. Bởi họ cho rằng với thời đại smartphone, xinh đẹp chưa đủ để thu hút nhiều lượt xem.

Wang Hong kiếm tiền từ người xem bằng cách nào?

Qua những ứng dụng livestream trên smartphone, ai cũng có thể trở thành Wang Hong. Tất cả việc bạn cần làm là tải ứng dụng, bấm nút quay và thể hiện tài năng như chơi game, ăn uống, múa hát... hay đơn giản hơn là ngồi trước máy quay tán gẫu với người xem.

Không khó để có thể tìm thấy một vài ứng dụng livestream như thế trên App Store, Google Play, ở Trung Quốc, điển hình nhất phải kể đến Ingkee hay Douyu. Những ứng dụng này cho phép người dùng đăng video livestream, ngược lại cho phép họ theo dõi video của người khác.

Thú vị hơn cả, những ứng dụng như Ingkee và Douyu còn giúp người dùng kiếm lợi nhuận từ người xem bằng những "vật phẩm ảo" như hoa, quà, xe hơi, du thuyền... Chỉ là những hình ảnh ảo nhưng giá của món đắt nhất lên tới 200 USD. 

Wall Street Journal cho hay Ingkee đã có 50 triệu lượt tải về, còn Douyu có tới 120 triệu người dùng hàng tháng.

Đằng sau vẻ hào nhoáng từ nghề kiếm chục nghìn đô tại Trung Quốc
Càng livestream nhiều và đặc sắc, các Wang Hong càng kiếm được nhiều tiền từ người hâm mộ của mình bằng việc nhận những "món quà ảo". Ảnh: Twitter.

Sở thích livestream bỗng trở thành công cụ kiếm tiền

Theo ABC News, giá trị của trào lưu quay video livestream ở Trung Quốc hiện nay lên đến 11 tỷ đô, lợi nhuận hơn cả nền công nghiệp phim ảnh tại đây. Con số này cũng phần nào nói lên tầm ảnh hưởng của livestream tại đất nước tỷ dân.

Qi Rui (19 tuổi) hội tụ đầy đủ những yếu tố cần thiết để trở thành streamer: Trẻ trung, thu hút và có thể tán gẫu về sở thích phổ biến của người xem - bóng đá.

"Ai cũng tự cảm thấy mình có tài năng ở lĩnh vực nào đó nhưng chẳng có cơ hội thể hiện. Vì thế, rất tốt khi có một sân chơi để họ thể hiện tài năng đó, đồng thời được mọi người công nhận" - Qi Rui nói với ABC News.

Đằng sau vẻ hào nhoáng từ nghề kiếm chục nghìn đô tại Trung Quốc - 1
Qi Rui tán gẫu với fan tại một quán cà phê. Ảnh: Bill Birtles.

Li Dapeng cũng là streamer nổi tiếng tại Trung Quốc. Anh có hàng nghìn người hâm mộ trên mạng xã hội.

Ban ngày, Dapeng bán các thiết bị âm thanh tại ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ban đêm, anh lại dành hàng tiếng đồng hồ nhìn chằm chằm vào điện thoại, hát cho người hâm mộ của mình nghe. Dapeng cũng cho biết anh thích livestream vì có thể kết thêm nhiều bạn mới. 

Là ngôi sao livestream nhưng Li Dapeng thường xuyên nhắc nhở các fan về việc tặng "vật phẩm". Bởi anh biết mỗi người có một hầu bao khác nhau, không nên cố cạnh tranh về mấy thứ đó.

Li quan niệm: "Ai cũng sẽ có lúc cảm thấy trống trải và cô đơn. Nếu video livestream của tôi giúp được phần nào cho họ, tôi tin thời gian bỏ ra là rất đáng".

Nhưng càng nhiều người xem, càng nhiều lượt tặng "vật phẩm", các streamer tại Trung Quốc càng kiếm được nhiều tiền. Vì thế, nhiều bạn trẻ chọn cách làm những video mạo hiểm hoặc khiêu gợi để thu hút sự chú ý nhằm mục đích tăng thêm thu nhập.

Cái giá quá đắt cho sự nổi tiếng và giàu có ngắn ngủi

Để đổi lấy sự nổi tiếng, giàu có, Wang Hong đã phải đánh đổi nhiều thứ, thậm chí mạng sống của mình. Fan Fan là một ví dụ điển hình.

Mới 26 tuổi và vẫn còn xinh đẹp, trẻ trung nhưng Fan lại thấy mình già nua. Theo South China Morning Post, sự mệt mỏi của Fan bắt nguồn từ áp lực công việc. Cô phải làm việc 10 tiếng mỗi ngày, đôi khi hơn trong những ngày cuối tuần.

Năm qua, ngoài 3 ngày nghỉ Tết Nguyên Đán và 2 tuần phục hồi hậu phẫu thuật thẩm mỹ, Fan không được nghỉ ngơi thêm một ngày nào nữa. 

Nói đến đây, nhiều người "đoán già đoán non" công việc của Fan: Có lẽ cô là nhân viên ngân hàng bận rộn hoặc phải bù đầu với công việc thuở sơ khai của một start-up công nghệ. Nhưng tất cả đều trật lất, bởi Fan đang kiếm sống bằng những "món quà ảo" từ video livestream cảnh mình múa hát, ăn uống. 

Nhìn ngắm các hình ảnh lung linh của Fan trên mạng, không ai biết rằng cô đã phải đánh đổi và chịu đựng như thế nào. Cô chấp nhận phẫu thuật thẩm mỹ để níu giữ người xem, giấu giếm tên họ thật, nói dối cả tuổi tác từ 26 tuổi xuống 23 tuổi để không bị hết thời.

"Tuổi tác, gương mặt, hình thể chính là 3 từ khóa vàng cho các streamer nữ" - Fan trả lời South China Morning Post.

Cô cũng chia sẻ thêm tuổi nghề của các streamer rất ngắn ngủi, dù bạn có cố gắng thể hiện thế nào đi chăng nữa cũng chỉ được khoảng 5 năm.

Đằng sau vẻ hào nhoáng từ nghề kiếm chục nghìn đô tại Trung Quốc - 2
Đằng sau cuộc sống sang chảnh, sung sướng trên mạng của Fan là hàng loạt những áp lực nặng nề từ công việc và sự nổi tiếng. Ảnh: South China Morning Post.

Fan còn chia sẻ sở hữu gương mặt xinh đẹp và thân hình gợi cảm là chưa đủ với thời đại smartphone lên ngôi - khi mà ai cũng có thể trở thành người nổi tiếng. Trong nền công nghiệp livestream ở Trung Quốc, càng thu hút được nhiều sự chú ý, streamer càng kiếm được nhiều tiền. 

Vì lẽ đó, nhiều bạn trẻ bất chấp làm các video mang tính nguy hiểm, kinh dị hoặc lố lăng, phô diễn tục tĩu.

Sự nguy hiểm tiềm ẩn sau công việc hay chỉ đơn giản là sở thích ấy càng rõ ràng hơn sau khi anh chàng chuyên quay những video mạo hiểm, leo trèo trên các tòa nhà chọc trời Wu Yongning qua đời. 

Để có được 15.000 USD trang trải cho cuộc sống gia đình, Wu Yongning đã chấp nhận lời thách thức trên mạng. Đó là trèo lên tòa nhà cao 62 tầng và không may thất bại.

Đằng sau vẻ hào nhoáng từ nghề kiếm chục nghìn đô tại Trung Quốc - 3
Một trong những thách thức mạo hiểm mà Wu Yongning đã trải qua. Ảnh: The Times.

Vào tháng 5, Tencent đã đưa ra số liệu cụ thể cho thấy có 4.500 lượt livestream ở Trung Quốc nhưng chỉ 5% trong số đó giúp chủ nhân thu được 10.000 tệ/tháng, hơn 70% còn lại chỉ kiếm được dưới 100 tệ/tháng.

Với lợi nhuận ít ỏi như vậy, không đáng để nhiều bạn trẻ Trung Quốc bất chấp mọi thứ, thậm chí đánh đổi cả tính mạng của mình.

Theo Khánh Linh (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật