Ngoài sử dụng tài khoản cá nhân và fanpage để kinh doanh buôn bán các mặt hàng cụ thể thì thời gian gần đây, hình thức livestream để giới thiệu, tương tác trực tiếp với người mua hàng ngày càng phổ biến. Một số cá nhân, doanh nghiệp tự thực hiện livestream về sản phẩm của mình, song một số thông qua những người nổi tiếng để tăng mức độ lan tỏa, tương tác, do những người nổi tiếng thường có lượng người theo dõi đông đảo.
Mỗi một lần livestream của người nổi tiếng có thể được doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trả vài triệu đến hàng chục triệu đồng tùy mức độ nổi tiếng. Theo chủ tài khoản Facebook ...Thanh Vân, từng thực hiện livestream giới thiệu sản phẩm cho nhiều hãng mỹ phẩm, làm đẹp, thông thường khi hợp tác với các nhãn hàng lớn, khoản thu nhập mà chị nhận được đều đã được doanh nghiệp khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 10% trước đó.
“Tất cả đều được thể hiện trên hợp đồng. Thông thường người nổi tiếng đều hợp tác với các nhãn hàng lớn và có ràng buộc hợp đồng rõ ràng. Các sản phẩm tôi bán được thông qua livestream, doanh nghiệp cũng đã kê khai vào doanh thu nộp thuế của doanh nghiệp” – chị này cho biết.
Tuy nhiên, thực tế bên cạnh những người nổi tiếng livestream có hợp đồng quảng bá và có đóng thuế thì không ít người vẫn quảng bá sản phẩm thông qua hợp đồng “miệng” và không kê khai nộp thuế.
Mới đây, trong kỳ họp của HĐND TP.HCM, một đại biểu đã đề xuất cần thu thuế đối với người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm, livestream bán hàng qua mạng xã hội nhằm tạo sự công bằng. Cục Thuế TP.HCM cũng cho biết, đơn vị này đã xác minh gần 13.800 tài khoản Facebook quảng bá sản phẩm hoặc có hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn tham gia hình thức giao dịch điện tử trên trang mạng xã hội và các sàn giao dịch đều là những đơn vị đã có đăng ký thuế.
Còn một số dạng chưa đăng ký thuế, đặc biệt là dưới dạng các nickname trên Facebook thì ngành thuế thành phố cũng đã nhận dạng và bước đầu phát động ý thức tuân thủ pháp luật về thuế của họ. Cơ quan thuế đã lập biên bản xác định số liệu kinh doanh với gần 3.780 tổ chức, cá nhân.
Về lý thuyết, đề xuất thu thuế livestream là có lý, vì bất kỳ một hoạt động nào phát sinh thu nhập thì đều có nghĩa vụ kê khai nộp thuế. Nhưng trên thực tế, việc thực hiện không hề dễ dàng do thiếu cơ chế quản lý cũng như các phương thức tính toán cơ sở nộp thuế.
Theo chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín, để xác định nghĩa vụ thuế của người nổi tiếng livestream thì trước tiên phải xem xét xem trường hợp đó có hợp đồng kinh tế không, nếu có thì bên nào là người chịu trách nhiệm đóng thuế thu nhập cá nhân. Nếu như người nổi tiếng chịu trách nhiệm đóng thì xem lại trách nhiệm đóng thuế của họ như thế nào?
Chuyên gia Bùi Quang Tín cũng cho rằng, thực tế người nổi tiếng có nhiều khoản thu từ quảng cáo và không phải cá nhân nào cũng kê khai đầy đủ. Vì vậy, để việc nộp thuế được thực hiện tốt thì cơ quan chuyên môn cần nhanh chóng thúc đẩy việc thanh toán các hợp đồng qua tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng, phải có cơ sở dữ liệu và sự giám sát đồng bộ chứ chỉ riêng cơ quan thuế thì không thể làm triệt để được.
Trong khi đó, một chuyên gia thuế thì cho rằng, việc thu thuế người nổi tiếng livestream khó như “mò kim đáy bể”. Vì việc xác định doanh thu từ bán hàng qua mạng đã khó, việc xác định nội dung livestream đó có thu lợi cho người thực hiện livestream hay không lại càng khó hơn.
Đơn cử như trường hợp một cá nhân tại TP.HCM bán mỹ phẩm trên Facebook mà ngành thuế mới đây truy thu hơn 9 tỷ đồng. Dù có nguồn tin tố cáo, nhưng để thu được số thuế trên cơ quan thuế đã phải tiến hành hàng loạt bước như theo dõi, đối chiếu từng hoạt động trên mạng xã hội... Tuy nhiên, cá nhân này vẫn nhất định không thừa nhận kết quả kinh doanh, cho đến khi cơ quan thuế phải gửi hồ sơ tới cơ quan công an để thực hiện truy tố hình sự thì cá nhân này mới chịu kê khai, nộp thuế.
Nói vậy để thấy, việc thu thuế đối với hoạt động livestream Facebook của người nổi tiếng thời điểm này, đúng là chỉ trông chờ vào... sự tự giác của họ.
Theo Linh Nhật (An Ninh Thủ Đô)