Theo giáo lý nhà Phật, cúng rằm tháng 7 hay còn gọi là cúng Tết Trung Nguyên, lễ Vu Lan báo hiếu. Việc cúng rằm tháng 7 có thể lên chùa hoặc cúng tại nhà, gồm các lễ như: Cúng Phật, cúng Thần linh, cúng gia tiên, cúng thí thực cô hồn và cúng phóng sinh.
Đối với người Việt, cúng gia tiên, cúng Phật hầu như ai cũng biết. Nhưng cúng cô hồn trong dịp rằm tháng 7 không phải ai cũng nắm bắt được để tiến hành đúng cách. Một khi đã cúng sai cách, rất dễ khiến vong vào nhà, gây điều hung họa.
Mâm cúng cô hồn gồm những gì?
Nhiều người cho rằng, cứ mâm cao cỗ đầy là thể hiện lòng thành. Nhưng không hẳn vậy. Cúng cô hồn không nhất thiết phải dùng đồ mặn như gà, giò, xôi thịt... Theo quan niệm dân gian, cúng mặn sẽ khơi dậy tham, sân, si.
Mâm cỗ cúng cô hồn thường có: Muối, gạo, cháo trắng, giấy áo, giấy tiền vàng bạc, mía (đã chặt thành từng khúc nhỏ), bánh kẹo, bỏng ngô, khoai sắn luộc, hoa quả, nước, nhang, nến.
Trong đó, cháo loãng được coi là món quan trọng nhất khi cúng cô hồn. Người ta tin rằng, linh hồn bị đày đọa phải mang thực quản nhỏ không thể nuốt được đồ ăn thông thường nên phải ăn cháo.
Nên cúng cô hồn vào thời gian nào là tốt nhất?
Khi cúng Rằm tháng 7 theo lịch âm, nên cúng Phật, cúng Vu Lan báo hiếu vào ban ngày, còn cúng cô hồn vào chiều tối. Các gia đình có thể lên chùa làm lễ Vu Lan, cầu siêu cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên đã khuất vào ban ngày. Sau đó về nhà sửa soạn mâm cơm chay thắp hương lên bàn thờ Phật và gia tiên.
Nên cúng cô hồn vào buổi chiều tối. Đặt mâm lễ cúng cô hồn ngoài sân, không đặt ở bậu cửa. Nếu không muốn cúng cô hồn tại nhà, có thể cúng tại chùa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho rằng, đây là theo quan niệm của dân gian, bởi ban ngày có ánh sáng, ánh nắng mặt trời rất mạnh trong khi các cô hồn được "mở cửa ngục" thả ra rất yếu.
Vậy nên, nếu cúng ban ngày, các cô hồn vì sợ ánh sáng, ánh nắng sẽ không dám đến đón nhận những đồ vật phẩm cúng bố thí của các gia đình.
Tuy nhiên dù chọn giờ nào thì việc cúng cô hồn đều phải diễn ra trước 12 giờ đêm ngày 15/7. Bởi khi đó cửa địa ngục đóng lại.
Cúng cô hồn thế nào để không bị vong theo?
Nhìn chung, việc cúng rằm tháng 7 tại nhà riêng nên thực hiện theo các khóa lễ sau: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, cúng thí thực cô hồn và phóng sinh.
Không ít người đã mời cô hồn về nhà để cúng chúng sinh nhưng khi xong xuôi lại không biết mời vong đi nên vong cứ luẩn quẩn trong nhà quấy quả gia chủ.
Lưu ý, kết thúc mỗi buổi cúng bằng hành động vãi gạo, muối ra sân, ra đường và đốt vàng mã. Có nơi có tục giật cô hồn, tức người sống giành giật đồ ăn trên mâm cúng, cho tiền người sống cùng với bánh kẹo đi kèm... Họ tin rằng, người sống tranh giành càng nhiều, tức đã mua chuộc được cô hồn, chúng không đến quấy quả mình nữa.
Người cúng không nên ăn đồ cúng cô hồn, không mang đồ cúng vào nhà. Trong trường hợp không có ai giành giật thì có thể bỏ vào túi của người hành khất.
Những đồ cúng như chè, cháo, cơm, canh... nếu bị nguội lạnh, kiến ruồi bu đen hoặc vương vãi nhang khói, không an toàn cho sức khỏe, có thể bỏ. Nhưng những vật phẩm như bánh trái, còn nguyên vẹn có thể dùng được, nên cho người khác, tránh bỏ đi hoang phí, mang tội.
PN (SHTT)