Cùng nhau suy tư về cái chết không gì hơn là cái cớ để con người trở về là mình, để gần lại với nhau hơn, và để rồi tự nhận ra mình đang còn sống. Với thông điệp ấy, dự án cộng đồng Memento Mori mang đến chương trình biểu diễn nghệ thuật bao gồm tiểu phẩm Memento Mori (Hãy nhớ, mi sẽ chết) được đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ chuyển thể từ cuốn sách "Điểm đến của cuộc đời" của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang.
Phạm Thị Huế, 22 tuổi, cô gái mắc ung thư gan giai đoạn cuối là một trong những diễn viên của Memento Mori với vai diễn về chính cuộc đời mình, từng khiến rất nhiều người rơi nước mắt. Khi Huế phát hiện ung thư, bác sĩ nói rằng cô sẽ chỉ còn khoảng chừng 3 năm để sống.
Nhưng đến nay đã là năm thứ 7 trên hành trình đầy dũng cảm của Huế.
Và ngày 20/12 vừa qua, Huế chính thức chạm đến uớc mơ của mình - trong bộ lễ phục tốt nghiệp mà cô hằng mơ uớc.
Cô gái ung thư 22 tuổi bật khóc ngày nhận bằng tốt nghiệp: "Bây giờ, ước mơ của mình đã thành hiện thực". Nguồn: Memento Mori Việt Nam |
Học viện Nông Nghiệp Việt Nam.
Lễ trao bằng tốt nghiệp, ngày 20/12/2018.
"Hôm nay được nhận bằng tốt nghiệp, mình hạnh phúc khi mọi người đến tham dự, lại còn tặng hoa. Khi phát hiện bệnh, tưởng chừng như không thể theo học Đại học, bây giờ, ước mơ của mình đã thành hiện thực. Mình rất vui và hạnh phúc. Tuy thiếu chút nữa là được học lực giỏi, nhưng mình tự hào với thành tích đó. Mình đã cố gắng hết sức!
Mình sẽ sống thật tốt, làm những điều ý nghĩa cho cuộc đời. Mình trân trọng cuộc sống này, từng giây, từng phút.
Mình hạnh phúc khi còn được nhìn thấy mặt trời!".
"Mình không sợ chết, chỉ sợ không thể tốt nghiệp..."
Huế mắc ung thư gan vào năm 2012. Trong lý lịch bệnh tình của mình, Huế ghi: "Hai khối u ở gan 4cm, không đau. Một khối u ở ngoài gan 13cm, có đau. Ung thư di căn nhiều vị trí. Ngủ thì không nghĩ đến nó nữa sẽ không đau. Đến khi tỉnh, nhớ đến thì vẫn đau. Đau dữ dội kinh khủng cũng có, mà bình yên dịu nhẹ cũng có".
Huế nghe tới cái chết gần như quá vô thường, ai cũng phải mất, cũng là một phần giải thoát. Đến bây giờ, cô không điều trị nữa, có nhập viện cũng không được gì. Huế sống bằng tâm thế bình thản và lạc quan nhất có thể.
Huế tham gia dự án Memento Mori, đi khắp nơi để diễn vai diễn được xây dựng từ một nhân vật có thật trong cuốn sách Điểm đến của cuộc đời của tác giả Đặng Hoàng Giang. Huế nhập vai Liên bằng chính trải nghiệm từ cuộc đời mình.
Liên là một bông hồng đỏ, nhưng cô sợ màu đỏ. Đó là màu của máu, của cái chết. Liên phát hiện ung thư vú và mất sau 5 năm chữa chạy, 17 năm đi học, 5 năm học Bách Khoa, 3 năm đi làm. Lúc sinh thời, Liên vẫn đi học, hoàn thành đồ án tốt nghiệp, kết thúc 5 năm tại Bách Khoa một cách đáng tự hào nhất. Những tháng ngày nằm viện, Liên chọn cho mình là một kẻ đơn độc nhưng đầy bản lĩnh. Cô không phải một kẻ ăn bám, cô biết tự chăm sóc bản thân, tự lết qua từng phòng để vào nhà vệ sinh. Ở Liên, có thể nói "cái lì" nằm trong máu của cô.
Khi Liên mất đi, cô trở thành một con người tự do như hằng mong ước. Cô nhìn thẳng vào cái chết, với tất cả sự bình thản và không chút do dự... Huế gần như tương đồng với Liên tới 80%. Huế cũng không biết bây giờ mình là còn bao nhiêu thời gian. Nhiều khi, cô đoán viển vông xme mình còn sống được bao lâu nữa. Cô không sợ chết, nhưng lại sợ đau.
"Mình không sợ chết, chỉ sợ không thể tốt nghiệp. Còn tương lai, sự nghiệp ở phía trước. Còn phải nuôi thật nhiều chó và có thật nhiều gấu bông nữa".
Chúng ta thường mất 4 - 5 cho một tấm bằng Đại học, và chúng ta coi đó là điều bình thường phải vượt qua. Huế thì khác. Vào ngày có lẽ là quan trọng nhất của cuộc đời, chúng ta vui mừng, thứ cảm xúc khó tả. Và hãy tưởng tượng một chút, niềm vui đó với những bệnh nhân ung thư như Huế, sẽ to lớn và vỡ oà đến nhường nào.
Vậy là Huế tốt nghiệp thật rồi. Bác sĩ bảo quỹ thời gian hữu hạn chỉ 3 năm. Huế còn chẳng mơ đến Đại học, thế mà có ngày cô đã cầm tấm bằng trên tay, với một nụ cười thực sự mãn nguyện trên môi. Rượu vang từ thanh long đỏ - luận án của Huế - cái tên nghe đã tràn đầy sức sống, dù Huế chẳng ưa lắm màu đỏ.
Nhiều người, dù bệnh, dù khoẻ, vẫn luôn ao ước có nghị lực phi thường như Huế.
"Mình muốn gói gọn cuộc sống của trăm năm vào mỗi một ngày sống..." - phương châm sống của Huế trong 7 năm qua, khiến chúng ta khựng lại giữa dòng chảy của cuộc đời này. Không ai trong chúng ta có thể khước từ cái chết. Nó như một phần tất yếu, nhưng chúng ta có thể thay đổi bằng cách sống làm sao cho trọn vẹn, để cái chết cũng thật trọn vẹn.
Chúng ta, có thể là những người vô cùng may mắn vì có một sức khoẻ tốt. Khi được đảm bảo về sức khoẻ, chúng ta lại ao ước thêm những điều khác. Huế thức tỉnh chúng ta, khi mà mỗi ngày vẫn luôn bình thản giữa một tâm thế sống vội, sống gấp, biết cách sống sâu sắc hơn, yêu thương nhiều hơn...
... để mỗi ngày sống gói gọn như cả trăm năm.
Đời sống này, đáng sống làm sao!
Thú thực, quãng thời gian sống còn lại của Huế không còn nhiều, cô tự nhủ phải chín chắn hơn, cố gắng hơn. Chúng ta đều biết, cái chết luôn đồng hành với sự sống, chúng ta đang cùng hướng tới đích đến ấy. Và cho dù có là ai, chúng ta cũng bình đẳng trước cái chết.
Tuy vậy, nên nhớ, bạo lực của cái chết đi kèm với sức mạnh khổng lồ của tình yêu. Quan trọng nhất là cảm giác dễ chịu, cứ bình thường để sống cho dễ chịu.
Hôm ấy, là sinh nhật thứ 22 của Huế, 16/12/2018.
Huế nhẹ nhàng viết đôi dòng, gửi tới người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời. Huế cầu mong sẽ cùng mẹ đón sinh nhật năm sau và nhiều năm sau nữa. Dù không biết, cô còn bao nhiêu thời gian…
"Cảm ơn tình yêu.
Tình yêu là sự kết nối, là những cảm xúc không bao giờ phải nhạt, được hình thành bởi dòng chảy cảm xúc tích cực mà bạn muốn chia sẻ với bất kỳ ai.
Mẹ à,
Mẹ là tình yêu lớn nhất đời con.
Hôm nay là sinh nhật lần thứ 22 của con, con biết từ ngày sinh con ra mẹ đã chịu bao vất vả, khó khăn, hình như chưa đêm nào mẹ được ngon giấc. Con biết nụ cười trên môi con là ánh nắng là niềm vui bất tận trong tim mẹ. Sẽ không có từ ngữ nào diễn tả được tình yêu mà mẹ đã cho con. Con cảm ơn mẹ thật nhiều, cảm ơn cuộc đời này đã cho con làm con của mẹ.
Con hứa con sẽ con sẽ luôn dũng cảm, luôn tươi vui để trong tim mẹ là cả một rừng hướng dương".
Mẹ Huế, một người phụ nữ nông thôn hiền lành, ít nói, đã đồng hành cùng con gái trong những lúc đau đớn hay vui vẻ nhất, chưa bao giờ rời bỏ cô. Trong đêm diễn Memento Mori ở Hà Nội, cô đã đi một đoạn đường hơn 100km bằng xe máy từ Thái Bình lên Hà Nội để xem Huế diễn. Mẹ lặng lẽ ngồi một chỗ và nhìn theo con gái. Khi Huế tỏa sáng rực rỡ và xinh đẹp trên sân khấu, mọi người đều khóc, chỉ có mẹ cười. Hai mẹ con chỉ khóc khi Huế chạy đến ôm chầm lấy mẹ.
Những lúc không bị đau, Huế sống một cuộc đời tươi sáng rực rỡ như bất kỳ người bạn cùng lứa nào. Nhìn lại cho đến giờ phút này, bảy năm hành trình, Huế đã đi một đoạn đường rất dài, làm được những điều mà không ai tin được. Người ta hình dung ung thư chỉ toàn là nước mắt. Nhưng Huế chưa bao giờ ngừng hy vọng. Nếu còn được tiếp tục sống, cô chỉ thiết tha làm một chuyện: làm việc để giúp đỡ gia đình, vốn đã kiệt quệ vì chữa bệnh cho cô.
Tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều bệnh nhân ung thư, trong số đó họ đều còn rất trẻ. Riêng Huế, nết ấn tượng cho lần đầu tiếp xúc, không phải là một bệnh nhân ốm yếu, hay nhăn nhó vì đau, mà thay vào đó là cô thiếu nữ trong tà áo dài tinh khiết, tay cầm một nhành hồng. Thời gian qua, Huế chắc chắn đã phải trải qua nhiều nỗi đau của bệnh tật, nhưng những gì cô thể hiện ra ngoài, lại hoàn toàn khác: vui vẻ, yêu đời và luôn lạc quan. Chắc hẳn, đó là liều thuốc tuyệt vời nhất cho Huế và bất cứ bệnh nhân ung thư nào.
Chúng ta đều phải chết, không ai có thể sống mãi. Cách đối diện với cái chết, để làm sao đến tận những giây phút cuối cùng, có thể sống một cuộc đời trọn vẹn nhất, thì không phải ai cũng biết. Điều giản đơn nhất chúng ta nên làm ở hiện tại, là hãy hết mình với cuộc sống này. Hãy nhớ rằng, ta sẽ chết, nhưng có thể là giữa những gồng gánh nặng trĩu của cuộc đời này. Những mối quan hệ dù thân thiết nhất vẫn có thể rạn nứt, nhưng sâu tận cùng, đó là những người mà lúc yếu đuối nhất chúng ta có thể bấu víu.
Đời sống này, đáng sống làm sao!
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)