Vy Nguyễn mới đây gây chú ý khi là cô gái người Việt duy nhất xuất hiện trong clip hậu trường thiết kế của Chanel - hãng thời trang nổi tiếng bậc nhất thế giới.
Cô gái Việt nhỏ nhắn, với nụ cười thường trực trên môi đang làm việc ở Haute Couture Atelier (phòng thời trang cao cấp) của Chanel và thường xuyên tiếp xúc với những tên tuổi hàng đầu thế giới.
Vậy Vy Nguyễn đã chinh phục Chanel như thế nào?
Cô gái Việt nhỏ nhắn với nụ cười thường trực trên môi đang làm việc ở Haute Couture Atelier (phòng thời trang cao cấp) của Chanel. |
Hành trình 'gõ cửa' Chanel
Sinh ra trong gia đình có điều kiện, Vy Nguyễn từng sinh sống, học tập ở Singapore, Mỹ và hiện tại là Pháp. Năm 2010, cô theo ngành Thiết kế thời trang vì có đam mê từ nhỏ, dù gia đình muốn cô học về Khách sạn, du lịch.
3 năm sau, Vy sang Pháp, học trường tư chuyên về Haute couture design (thiết kế thời trang cao cấp) để có cơ hội tiếp xúc và học hỏi tốt hơn về thời trang.
Cô gái Việt chia sẻ ngay khi tốt nghiệp, cô đã liên tục gửi hồ sơ xin việc và portfolio - một tập gồm những sản phẩm thiết kế của bản thân - đến các hãng thời trang danh tiếng tại Pháp. Thế nhưng, cái tên Chanel "đầy mơ ước" lại không nằm trong suy nghĩ của cô.
"Hãng thời trang này luôn có đòi hỏi rất khắt khe trong việc tuyển dụng và nhân viên của mình. Họ thường chỉ tuyển dụng ngầm trong giới.
Bản thân là du học sinh nên mình nghĩ chẳng bao giờ có khả năng làm việc cho Chanel", Vy tâm sự.
|
Cô gái Việt nhỏ nhắn đang tỉ mỉ hoàn thành công việc được giao tại hãng thời trang nổi tiếng thế giới. |
Thế nhưng, cơ hội đã mỉm cười với Vy khi cô có "sư phụ" và giáo viên trực tiếp từng làm cho Madame Gres, những tên tuổi gạo cội có tiếng trong làng Haute Couture - may đo cao cấp của nước Pháp.
Với những kinh nghiệm thầy chia sẻ, cùng lời động viên liên tục về năng lực, cô học trò người Việt dần tự tin hơn. Sau lời "se duyên" của thầy giáo, Vy quyết tâm thử sức, liều một phen và đạt được thành công "trong mơ" tại hãng thời trang danh tiếng.
Tiết lộ một số kinh nghiệm, Vy cho hay điều quan trọng trong hồ sơ xin việc ở Chanel là bộ portfolio thiết kế thời trang. Hồ sơ của Vy hầu hết là những hình ảnh, bản vẽ và bộ sưu tập do chính cô thiết kế khi tốt nghiệp đại học. Vì biết bản thân là du học sinh, sẽ bị kiểm duyệt khắt khe hơn nên cô từng rất hồi hộp.
Sau khi nộp đơn chỉn chu, Vy đã phải nín thở đợi chờ 7 tháng xét tuyển trước khi có kết quả cuối cùng.
Đến một ngày, nhận được thư từ phòng nhân sự của Chanel, cô vỡ oà sung sướng và chính thức trở thành thực tập sinh của hãng thời trang danh tiếng bậc nhất Paris này. Công việc đầu tiên của cô chính là bộ sưu tập Haute Couture Xuân Hè 2017/2018.
Thách thức thời trang và văn hoá
Bước vào Chanel, thách thức đầu tiên Vy gặp phải là về chuyên môn. Chanel có hai bộ phận thời trang hoàn toàn khác biệt là Haute Couture - may đo cao cấp và Ready to wear - thời trang may sẵn.
Quy trình chuẩn bị, hậu trường cho show thời trang hay các bước thực hiện của hai bộ phận này thực tế hoàn toàn khác biệt.
Vy Nguyễn đang giới thiệu về nơi làm việc với Karl Lagerfeld - người được mệnh danh "phù thủy thiết kế" của các hãng thời trang nổi tiếng. |
Bình thường, các thực tập sinh sẽ chọn bộ phận thời trang may sẵn vì ít áp lực và cạnh tranh hơn. Thế nhưng, vốn có say mê Haute Couture và cũng tốt nghiệp chính chuyên ngành này nên Vy quyết định thực tập ở bộ phận "khó nhằn" hơn.
Những ngày đầu đi làm, cô gái Việt liên tục phải làm quen với phong cách làm việc của Chanel. Môi trường chuyên nghiệp, đồng nghĩa với việc chỉ một sai sót nhỏ cũng đủ bị "đào thải". Mọi thứ đều được đẩy lên đẳng cấp khác, không giống với những gì Vy từng được học ở trường.
"Có lần, mình đã mất hàng tháng chỉ để hoàn thành một chi tiết nhỏ trong một bộ váy. Sự tỉ mỉ, cẩn thận là yêu cầu khi làm việc tại đây", Vy kể.
Vì hầu hết đội thiết kế tại Chanel là người địa phương nên thử thách lớn nhất của Vy không chỉ là làm tốt những công việc được giao phó, mà còn phải hiểu được văn hóa làm việc của mọi người trong công ty. Song may mắn là quá trình thích nghi của cô diễn ra khá nhanh, nhờ môi trường làm việc ở Chanel rất chuyên nghiệp.
Vy Nguyễn tiết lộ áp lực công việc lớn, nhưng cô không có cảm giác bó buộc, trái lại khá thoải mái và dễ chịu. Vy cùng đồng nghiệp có thể vừa làm việc, vừa nghe nhạc qua radio để giảm bớt căng thẳng. Mọi người ở Chanel cũng thân thiện, gần gũi như gia đình, luôn sẵn sàng giúp đỡ cô.
Biến 'đẳng cấp Chanel' thành giá trị nơi quê nhà
Được làm việc tại hãng thời trang có tên tuổi trên thế giới, Vy Nguyễn có thêm nhiều kinh nghiệm quý giá. Mỗi mẫu thiết kế của Chanel không chỉ do một người chịu trách nhiệm. Nó là sản phẩm của cả tập thể thay phiên nhau hoàn thành.
Từng chi tiết nhỏ đều được chăm chút tỉ mỉ, cẩn thận. Mọi sản phẩm cũng phải may bằng tay trước, rồi mới lắp và sau đó khi hoàn chỉnh mới chính thức may bằng máy và lắp lại một lần nữa.
Đối với Vy, đây là công việc rất đặc biệt. Bởi nó đòi hỏi sự nhẫn nại, giữ cho tinh thần thoải mái, không căng thẳng mới có thể làm xong đúng thời hạn.
|
Vy mong muốn đưa những tinh hoa, kinh nghiệm mình học được về với thị trường thời trang Việt Nam. |
Vy chia sẻ thông thường một đơn đặt hàng sẽ được hoàn thành trong khoảng thời gian kéo dài 1-3 tháng.
"Bạn có thể tưởng tượng được không? 3 tháng chăm chút cho một bồ đồ hoàn mỹ nhất.
Mình từng được giao làm mẫu thêu cho một trong những mẫu thiết kế đó, hiểu được phải tốn rất nhiều thời gian, thậm chí là mấy tuần, chỉ để đính xong một khoang nhỏ trong bộ đồ", cô gái Việt kể.
Nữ thiết kế thời trang cho biết thời gian làm việc ở Chanel, cô trưởng thành lên rất nhiều. Cô cảm thấy mình may mắn khi được học hỏi những điều thú vị. Chúng sẽ trở thành kinh nghiệm giá trị trong sự nghiệp tương lai của cô.
Trong tháng 8, theo truyền thống của nước Pháp, tất cả Couture House sẽ đóng cửa để nghỉ cho mùa hè. Tranh thủ đợt này, Vy sẽ ở Việt Nam nghỉ ngơi và tìm hiểu thêm về thị trường nước nhà.
Cô hy vọng sẽ sớm trở lại quê hương thực hiện mục tiêu thời trang của mình. Vy mong người Việt trong tương lai có cơ hội trải nghiệm thời trang cao cấp xứng tầm quốc tế và phần nào cống hiến cho ngành thời trang Haute Couture của Việt Nam sau này.
Theo Hàn Triệt (Tri Thức Trực Tuyến)
Ảnh: NVCC