Chắc các bạn còn nhớ Trần Mạnh Cường - chàng sinh viên Ngoại thương đi bộ xuyên Việt mà chúng tôi từng có dịp nhắc tới?
22 tuổi, Cường "bỏ" lễ trao bằng tốt nghiệp để lên đường thực hiện giấc mơ đã ấp ủ từ năm 2 Đại học. Cậu đã phải chờ suốt nhiều năm, cho một hành trình dẫu biết trước sẽ rất gian lao và nhiều trở ngại.
22 tuổi, Cường xuất phát với hành lý nặng 20 kg. Những gì cậu vượt qua suốt 62 ngày đêm, được tóm gọn lại thông qua những con số biết nói. 2.685.502 bước chân, 1972,6 km, 18 con đèo lớn nhỏ, 20 tỉnh thành.
22 tuổi, Cường trải qua những cuộc gặp gỡ, những cơ duyên mà có lẽ chỉ xảy đến một lần trong đời. Tất cả đều như một cuốn nhật ký, nhẹ nhàng và êm dịu, đôi chút lại khốc liệt. Nhưng tận sâu, là những điều đẹp đẽ nhất cho đến hiện tại.
Một trong số đó, là câu chuyện về chị cựu sinh viên Ngoại Thương. Chị mất cách đây 5 năm, đúng ngày lễ trao bằng tốt nghiệp.
"Có chết con cũng lấy cho được bằng tốt nghiệp!"
14/10/2018, là cột mốc quan trọng trên hành trình đi bộ xuyên Việt của Trần Mạnh Cường.
Cậu đặt chân tới thị trấn thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Bỏ qua hàng loạt biển quảng cáo khách sạn, nhà nghỉ khang trang, lộng lẫy. Cường dừng chân trước một căn nhà nhỏ, có ánh đèn led leo lét phía sau cây bàng. Đó là nhà của chị Hồ Trần Thị Bảo Yến, cựu sinh viên Ngoại Thương, khoá 48.
Cường gặp bác Tri - mẹ của chị Yến. Nhìn đôi chân tập tễnh của cậu, bác Tri hỏi chuyện, "Con đi đâu mà mang nhiều đồ thế? Con đi xe gì tới đây?". Biết về hành trình nối liền 2 miền Ngoại thương của Cường, bác Tri có chút lặng mình. Bác đưa cho Cường một chai rượu ngâm gừng, bảo mang lên phòng mà xoa bóp chân.
Một đêm sau khi nghỉ lại, Cường chuẩn bị hành lý rời đi. Ngày hôm đó, cậu mệt, hành trình chậm hơn 4 tiếng so với dự định.
Khi ấy, bác Tri gọi Cường lại: "Con từ hãy đi. Tháo tạm đồ ra bỏ vào trong kia, rồi lên thắp cho chị nén hương đã con nhé. Bác dẫn con lên".
Bác bắt đầu kể. Chị Yến, con gái út của bác, sinh năm 1991, mất cách đây 5 năm vì u phổi. Vừa đốt nén hương, bác vừa khấn: "Hôm nay có em Cường đi từ ĐH Ngoại Thương Hà Nội vào ĐH Ngoại Thương TPHCM...".
Chưa dứt câu, bác vội chạy đi, tay che đôi mắt.
Lát sau, người mẹ quay lại, chỉ lên tường nơi có những tấm bằng khen của con gái. Lễ trao bằng tốt nghiệp năm đó, bệnh chị trở nặng. Không lâu sau, chị mất. Tâm nguyện "Con có chết cũng lấy cho được bằng tốt nghiệp" của chị khép lại. Như một sự giang dở đầy hối tiếc. Gia đình làm thủ tục nhận bằng hộ. Chị thậm chí còn không kịp gửi lời chào tới bạn bè, thầy cô.
Ngày ấy, mọi thứ với chị đều đã được hoàn tất, khoá luận đã nộp, mọi công việc đều đã xong xuôi, chỉ chờ nhận tấm bằng cho bằng bạn bằng bè nữa. Giai đoạn cuối của ung thư không cho phép chị đủ sức khoẻ vào Sài Gòn dự buổi lễ trọng đại nhất đời sinh viên. Chị nằm ở nhà, khóc nhiều, và ra đi với biết bao trăn trở.
Dẫu rằng cái chết với nhiều người là vô thường, ai rồi cũng phải đối mặt. Nhưng lắm khi, nó không kịp chừa chút cơ hội, thời gian để nhiều người thực hiện di nguyện cuối đời. Bạn bè đồng trang lứa vẫn nhớ về chị, một con người mạnh mẽ, phi thường, nhưng tiếc thay, phải ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ.
Trước khi Cường tiếp tục hành trình, bác Tri viết một lá thư vào tờ lịch cũ rồi gấp lại vội vàng. Bác nhắn: "Con vào trường, gặp thầy cô nào, con gửi cái này giúp bác nhé!".
Bức thư viết vội của người mẹ
Cường lên đường từ Quảng Nam vào Sài Gòn, bắt đầu một hành trình mới - hành trình đưa lá thư của người mẹ tới tận tay thầy cô và bạn bè của con gái.
Đúng một tháng sau cuộc gặp gỡ gia đình chị Yến, Cường cán đích ĐH Ngoại Thương TPHCM. Trong tâm thế vui tươi, hạnh phúc, Cường nhớ tới bức thư. Từng lo sợ trong suốt quá trình di chuyển, nắng gió có thể khiến bức thư bị hỏng, Cường vội chụp lại. Để sau này, vẫn có thể truyền lại di nguyện của bác Tri.
Cường tìm gặp thầy trưởng phòng đào tạo, trao lại bức thư, là lời chào, lời cảm ơn mà người mẹ thay con gái quá cố của mình gửi tới tất cả mọi người. Cường kết thúc hành trình đi bộ xuyên Việt, hành trình vận chuyển yêu thương và nỗi niềm từ Quảng Nam vào Sài Gòn. Là câu chuyện đáng nhớ nhất, ý nghĩa nhất mà có lẽ không bao giờ cậu quên.
Sợi dây Ngoại Thương nay được nối liền, mà bao thế hệ sinh viên vẫn thường nhắc tới, có ai ngờ lại lớn như vậy. Chuyện ngẫu nhiên mà như cái duyên thật lớn.
Được sự đồng ý của bác Tri, chúng tôi xin trích nguyên bức thư.
"15/10/2018,
Kính gởi đến các thầy cô trường ĐH Ngoại Thương TPHCM.
Tôi là phụ huynh em Hồ Trần Thị Bảo Yến, học trường ĐH Ngoại Thương TPHCM vào năm 2009-2013. Nay có em Cường có vào trường, tôi gởi mấy lời thăm các thầy cô và chúc các thầy cô sức khoẻ - hạnh phúc - vạn sự như ý, và cảm ơn tới các thầy cô nhiều.
Phụ huynh Trần Thị Tri.
Quảng Nam".
Bức thư được viết vào ngày 14/10/2018, nhưng lại được đề sau đó một ngày, là 15/10/2018. Sau này khi nhìn lại bức thư, chúng tôi nghĩ, chính tình cảm và sự xúc động của người mẹ vào thời điểm ấy đã không thể kìm nén. Sự nhầm lẫn ngày giờ phần nào có lẽ xuất phát từ những cảm xúc lúc ấy. Bác đã phải đợi chờ nhiều năm cho ước nguyện thực hiện thay con gái.
5 năm sau khi chị ra đi, cuối cùng, gia đình cũng đã thực hiện được tâm nguyện cuối đời của chị. Gặp bất cứ ai là sinh viên, cựu sinh viên Ngoại Thương, bác vẫn sẽ hỏi thăm tận tình, xem như con cái trong gia đình.
Bác Tri bảo chị Yến nghị lực lắm, ngay cả trên giường bệnh sự nghị lực ấy dường như mạnh mẽ hơn. Giây phút gặp Cường, trong thoáng chốc bác nhìn thấy hình ảnh con gái mình trong đó. Phi thường và không bao giờ bỏ cuộc.
Nhiều khi giữa bộn bề hối hả, là những khoảng lặng, nốt trầm của cuộc sống. Sự yêu thương không bao giờ mất đi, nó như sợi dây truyền từ người này qua người khác, nối liền chính chúng ta. Kể cả những con người vốn xa lạ, cũng có thể trở nên gần gũi, thân quen.
Ở đời, chẳng ai ngờ được chữ duyên. Tình cảm chân thành luôn là thứ bền bỉ và xứng đáng được trân quý nhất.
Hôm nay, chúng ta đã nói yêu thương bố mẹ và những người thân xung quanh chưa?
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)