Với những người đã trải qua 12 năm học phổ thông, công thêm vài năm học đại học, chắc hẳn ai cũng mong muốn khi ra trường sẽ xin được những công việc đúng ngành, đúng nghề, đúng chuyên môn mà mình đã dành nhiều thời gian để theo đuổi. Những ngày tháng cuối cùng ngồi trên ghế nhà trường, hầu hết các sinh viên đều đôn đáo làm đơn ứng tuyển vào các công ty với mong muốn sẽ có được một công việc tốt để không uổng phí thời gian cũng như công sức học tập. Thế nhưng, chuyện gì cũng có ngoại lệ, và trường hợp dưới đây chính là một ví dụ.
Fan Chengjin, nhân vật chính của câu chuyện hy hữu này, đã tốt nghiệp đại học vào 10 năm trước và năm nay bước sang tuổi thứ 33 nhưng vẫn chưa có được một công việc nào ổn định. Kể từ khi ra trường đến nay, cô chưa từng nộp đơn ứng tuyển hay đi phỏng vấn ở bất kỳ công ty nào mà vẫn sống dựa vào bố mẹ - những người đã ở ngưỡng tuổi 70 và khả năng lao động ngày một kém dần. Mẹ của Fan Chengjin cũng từng thúc giục con gái đi tìm việc nhưng cô luôn tìm cách để tránh né.
Được biết, thời sinh viên, Fan Chengjin cũng đã làm việc bán thời gian tại siêu thị với bạn cùng lớp của mình. Tuy nhiên, cô có một nhược điểm khá nghiêm trọng là không thể giao tiếp một cách trôi chảy được với khách hàng. Mỗi khi tiếp xúc với người lạ, chân tay của Fan Chengjin luôn trở nên bủn rủn không rõ lý do.
Cho đến khi ra trường, cô cũng xin được vào vị trí bán hàng của một công ty nhưng tình trạng căng thẳng và sợ hãi khi đối mặt với người lạ của cô ngày càng trở nên khó kiểm soát. Chính vì thế, Fan Chengjin đã phải nghỉ việc ở nhà và chờ đợi các vấn đề tâm lý của mình được chữa khỏi.
Sau đó, Fan Chengjin đã biết được tật nói lắp và căng thẳng của cô khi tiếp xúc với người khác là những dấu hiệu của chứng ám ảnh sợ xã hội. Theo Fan Chengjin, nguyên nhân dẫn đến việc này có lẽ là do cách bố mẹ đối xử với cô từ lúc nhỏ cho đến giờ.
Fan Chengjin kể, ngay từ khi còn bé, bất kể cô làm gì, bố mẹ đều chưa từng khuyến khích hay khen ngợi cô. Lên trung học, Fan Chengjin từng có niềm yêu thích với thiết kế thời trang, cô thường có những ý tưởng về các mẫu thiết kế trong đầu và thể hiện chúng ra bên ngoài. Thế nhưng, khi đưa cho bố mẹ xem, Fan Chengjin lại nhận được phản ứng không mấy tích cực. Không chỉ không thèm đếm xỉa đến những tác phẩm của con gái mình, bố mẹ Fan Chengjin còn nói với cô: "Mấy thứ này là gì, ai dám mặc chúng, thay vì làm những điều vô bổ này hãy làm bài tập về nhà!".
Cho đến khi vào đại học, cô gái tội nghiệp vẫn chưa từng nhận được một lời động viên hay ủng hộ từ bố mẹ. Khi ấy, Fan Chengjin thích điêu khắc nên rất muốn tìm một công việc liên quan tới ngành nghề này. Tuy nhiên, bố mẹ cô lại chì chiết, cho rằng không phải điều cô muốn là có thể làm được.
Ở thời điểm hiện tại, đã 10 năm trôi qua kể từ khi ra trường mà không có việc làm, mẹ Fan Chengjin mỗi lần đề cập đến chuyện này lại nói: "Con chẳng có tài cán gì, nếu con kiếm được một công việc, mẹ sẽ quỳ xuống chân con cho mà xem!".
Được biết, mối quan hệ giữa Fan Chengjin với gia đình cho đến nay vẫn không thực sự tốt, thậm chí còn rất căng thẳng. Các cuộc trò chuyện giữa cô và bố mẹ dễ trở thành những cuộc cãi vã vì không đi đến sự thống nhất trong quan điểm.
Sau khi biết được lý do thực sự đằng sau câu chuyện tưởng chừng như vô trách nhiệm của Fan Chengjin, số đông cư dân mạng đã tỏ ra thông cảm với cô thay vì lên tiếng chỉ trích, mỉa mai. Nhiều người cũng bày tỏ thái độ bất bình với cách giáo dục và những hành động của bố mẹ đối với cô. Đa số đều cho rằng, quan niệm "thương cho roi cho vọt" của nhiều bậc phụ huynh trong việc dạy dỗ con cái không phải lúc nào cũng đúng. Đối với bất kỳ lứa tuổi nào, việc nhận được những lời khen ngợi và động viên luôn tiếp thêm rất nhiều sức mạnh để chúng ta có thể tự tin và bản lĩnh hơn. Việc bố mẹ chèn ép và áp đặt con cái trong những quan điểm cố hữu của mình sẽ khiến chúng dần mất đi niềm tin vào bản thân và trở nên e dè, sợ hãi trước mọi vấn đề trong cuộc sống.
JJJ (Nguoiduatin.vn)