Với những người đã trải qua 12 năm học phổ thông, công thêm vài năm học đại học, chắc hẳn ai cũng mong muốn khi ra trường sẽ xin được những công việc đúng ngành, đúng nghề, đúng chuyên môn mà mình đã dành nhiều thời gian để theo đuổi. Thế nhưng trên thực tế, không phải ai cũng đạt được ước muốn ấy bởi ngoài những kiến thức tích lũy được khi còn ngồi trên ghế nhà trường, việc đi làm cần rất nhiều kỹ năng mà tự bản thân chúng ta phải tự trau dồi, rèn luyện qua năm tháng mà không phải ở đâu cũng được dạy.
Mặc dù vậy, thực trạng sinh viên ra trường thiếu kỹ năng đang diễn ra rất nhiều, nguyên nhân là vì các bạn thường mải mê với những sở thích cá nhân, những cuộc vui chơi hay tham gia các hội - nhóm, CLB cộng đồng không mấy giúp ích cho bản thân.
Mới đây, một nữ sinh của trường Đại học danh tiếng vừa chia sẻ câu chuyện của mình về vấn đề này lên một diễn đàn đông thành viên và nhận được sự chú ý rất lớn của cư dân mạng.
Cô bạn này hiện đang là sinh viên năm 4 của một trường Đại học có tiếng tăm nhưng lại không dám đi xin việc làm vì không có lấy một kỹ năng nào tốt. Tất cả chỉ vì suốt những ngày tháng trên giảng đường, cô nàng chỉ mải mê tham gia CLB với những cuộc vui chơi thâu đêm hay những hoạt động không mấy cần thiết để rồi cuối cùng, thứ cô nàng nhận được chỉ là vài ba kỹ năng cơ bản mà một người bình thường cũng có thể tự tích lũy được.
Nguyên văn câu chuyện được nữ sinh này chia sẻ như sau:
"Hiện tại, mình đang học năm 4 của một trường ĐH danh tiếng và đang rất hoang mang vì tự thấy bản thân không có kỹ năng làm việc nào ổn định. Nhìn lại mình của 3 năm qua chỉ loay hoay với việc CLB, sự kiện nào của CLB cũng tham gia, mùa hè cũng chẳng đi làm thêm nhiều vì khoảng thời gian này là mùa nhộn nhịp tham gia các dự án tình nguyện nhất.
Nay đi xin việc, mình bẽn lẽn cầm tờ CV chỉ ghi vỏn vẹn dăm ba kỹ năng mềm ở CLB học được như giao tiếp, làm việc nhóm nhưng thực chất chẳng có lấy dẫn chứng khi toàn kỹ năng party overnight, nói chuyện xấu tính với bạn bè chứ communication với teamwork nỗi gì. À mình còn thêm kinh nghiệm gia sư được một vài hai lần nhưng cũng vì chạy theo CLB nên bỏ ngay sau đó.
Nhìn mấy bạn bè hơn là có được cả list việc, đống kinh nghiệm rồi nhìn bản thân đến phân biệt Thương mại điện tử với Công nghệ thông tin cũng chịu không trả lời được thì mới biết khoảnh khắc trong vòng phỏng vấn, mình chỉ muốn “chôn chân” tại đó như thế nào.
Nói thẳng ra là tại mình vốn nghĩ sinh viên vào được trường nổi tiếng, trường dạy gì học nấy, cầm cái bằng của trường là ngon ơ, đầy người nhận. Nhưng đời mà, nó chả vả vỡ mặt mình ra ấy. Nhà tuyển dụng chẳng quan tâm trường nào đâu. Top dưới hay top cũng không khác nhau mấy về chuyên môn. Huống chi dù bạn nghĩ là thành viên CLB xịn thì nhà tuyển dụng lại càng không để ý.
Đôi khi, những bạn học trường kém hơn lại chăm chỉ đi cày kinh nghiệm, còn cái bọn mác trường xịn rồi lười biếng như mình thì năm 4 chạy không kịp nữa rồi. Quan trọng nhất họ cần người có kinh nghiệm phù hợp với vị trí, ví dụ giao tiếp ưu tiên kỹ năng mềm một chút, công việc kỹ thuật ưu tiên chăm chỉ, cần mẫn…
Tầm này mới bắt đầu tìm định hướng khó thật sự luôn, chẳng biết nên bắt đầu từ đâu. Bắt đầu từ partime thì sợ muộn. Bắt đầu từ fulltime thì có hiểu tí gì đâu. Giờ đổi ngành học lại hay thi đại học lần nữa các bạn nhỉ? Vậy nên chân thành khuyên mọi người năm nhất, năm 2 tham gia CLB chứ từ sau hãy cố gắng trau dồi kinh nghiệm để đến khi gặp nhà tuyển dụng còn có cái mà show ra".
Sau khi chia sẻ lên MXH, câu chuyện của nữ sinh này ngay lập tức nhận được rất nhiều sự quan tâm của cư dân mạng, bởi lẽ đây chính là thực trạng chung của rất nhiều sinh viên hiện nay. Không thể phủ nhận việc tham gia các hoạt động tập thể sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn, nhưng nhiều người lại quá mải mê với những thành tích trước mắt như giấy khen, điểm rèn luyện hay khen thưởng mà quên mất một điều rằng, việc tích lũy được gì từ những hoạt động trên mới là quan trọng nhất. Việc tham gia CLB không sai, nhưng biết dừng lại đúng lúc, hay nói cách khác là biết cân bằng mọi thứ thì quãng đường sau này của các bạn sẽ bớt khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng cô bạn trên dường như hơi ỷ lại vào danh tiếng của ngôi trường mình đang theo học nên sinh ra tâm lý chủ quan, khiến chính bản thân phải trả giá đắt.
JJJ (Nguoiduatin.vn)