Sau khi tốt nghiệp đại học, với khả năng giao tiếp tiếng Anh thành thạo cộng với bề dày hoạt động ngoại khóa đáng nể, Hoài An trải qua nhiều công việc: sale, marketing, phát triển kinh doanh… ở các doanh nghiệp của Mỹ, Australia, Canada.
Nhưng chỉ đến khi làm việc cho một công ty tư vấn về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, nhận thấy Việt Nam đang rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực môi trường, an toàn, sức khỏe, cô gái 25 tuổi mới tìm thấy đúng công việc mà mình muốn theo đuổi lâu dài trong tương lai.
Duyên với nước Đức
Nguyễn Thị Hoài An - du học sinh Đức theo học bổng DAAD. An đang theo học chương trình Thạc sĩ của ĐH Potsdam. |
Nhận được thông tin về học bổng DAAD của Chính phủ Đức sát ngày hết hạn nộp hồ sơ, An cho rằng có lẽ mình và nước Đức “có duyên”.
Hiện An trong thời gian học tiếng Đức trước khi bước vào chương trình học Thạc sĩ ngành “Geo-Governance” (quản trị môi trường, biến đổi khí hậu, quản trị tài nguyên thiên nhiên) của trường ĐH Potsdam.
“Sở dĩ mình chọn ngành này vì thấy Việt Nam đang nằm trong danh sách top 5 quốc gia chịu tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Sau khi tốt nghiệp, về Việt Nam, mình nghĩ những gì mình học được sẽ có đất dụng võ” - Hoài An chia sẻ.
Trước đó, Hoài An cũng từng nhận được học bổng Thạc sĩ của Chính phủ Trung Quốc, tuy nhiên cô chỉ sang khoảng một năm với mục đích học tiếng. Sau 8-9 tháng đắm mình trong môi trường bản địa, vốn tiếng Trung của cô khá lên rất nhanh và đủ để giao tiếp một cách thoải mái bằng ngôn ngữ này.
Thích học ngoại ngữ, thích đi du lịch, cô gái năng động này từng đặt chân tới 6 quốc gia Đông Nam Á. Mỗi chuyến đi, mỗi nền văn hóa đều mang lại cho An những trải nghiệm mới mẻ, những cơ hội giao lưu, học hỏi bạn bè quốc tế.
Cô gái thích ngôn ngữ
Thành thạo tiếng Anh và tiếng Trung, hiện học tiếng Đức, Hoài An chia sẻ rằng để đạt được ngưỡng cao khi học ngoại ngữ, người học nên có đam mê.
May mắn được tiếp xúc với tiếng Anh từ năm lớp 1, học chuyên Anh THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), lên đại học lại học chương trình chất lượng cao hoàn toàn bằng tiếng Anh, khi đi làm cũng làm việc trong môi trường sử dụng tiếng Anh thường xuyên, thứ ngôn ngữ này đã trở nên quá quen thuộc với An.
Thế nên, khi bắt đầu học một ngoại ngữ khác, cần phải thực sự thoát khỏi vùng an toàn của chính mình để đắm mình trong ngôn ngữ mới.
Hoài An thích học ngoại ngữ và đi du lịch. Hình ảnh cô đi chơi cùng bạn bè ở Đức. |
“Hồi bắt đầu học tiếng Trung, khi thấy khó chịu quá, mình cứ cố gắng chuyển sang tiếng Anh để nói nhưng càng như thế thì càng không tốt. Ví dụ như việc mình sang Đức, vì người Đức nói tiếng Anh rất tốt, mình không cần tiếng Đức vẫn sống được, nhưng vẫn phải giả vờ như không biết tiếng Anh để nói tiếng Đức bằng được” - Hoài An nói.
“Tiếng Đức hơi rắc rối, lúc đầu mình hơi choáng nhưng cũng vượt qua giai đoạn đó rồi. Tiếng Đức có một chút tiếng Anh, một chút tiếng Pháp, rất hay.
Mặc dù ở trường bọn mình học bằng tiếng Anh, không yêu cầu chứng chỉ Đức nhưng mình cũng muốn tận dụng tối đa thời gian để học tiếng Đức. Hiện tại, bọn mình học với tốc độ học gấp 2-3 lần ở Việt Nam, mỗi ngày học 20-30 từ mới” - An chia sẻ về quá trình học tiếng Đức hiện tại.
11h57' là đúng 11h57'
Mới đặt chân sang Đức được hai tháng rưỡi, An cho biết, có lẽ do gặp may nên cuộc sống ban đầu thuận lợi. Cô đang được sắp xếp ở “homestay” với một bác gái người Đức gần 60 tuổi, là giáo viên tiểu học.
“Bác chủ nhà rất tốt bụng. Bác ra tận sân bay đón bọn mình và đối xử với mình giống như con. Từ khi sang đây hầu như mình không gặp bất cứ khó khăn gì.
Mình muốn đi mua sim điện thoại, bác cũng đưa đi. Ngày đầu tiên em đi học, bác đưa ra tận xe điện ngầm, chỉ đường cho mình” - Hoài An kể.
Hồi mới sang, An khá “sốc” với một số tính cách của người Đức. “Người Đức rất đúng giờ. Vào lớp 9h là đúng 9h. Cô giáo không bao giờ đi muộn.
Tàu điện ngầm là đúng giờ nhất, xe buýt nếu có chỉ chậm vài phút. 11h57’ là đúng 11h57’. Mình đã rất choáng và tự hỏi tại sao lại có thể đúng từng phút một như thế”.
“Đi mua bán hàng hóa, hay đi ăn uống, người Đức không vồn vã như người Mỹ, nhưng mình hỏi gì họ sẽ trả lời rất chi tiết, đầy đủ. Mình cho rằng đó là biểu hiện của sự chuyên nghiệp, chứ không phải người ta lạnh lùng” - An nhận xét về tính cách được cho là lạnh lùng của người Đức.
Tuy nhiên, những câu chuyện mà An từng gặp đã phá bỏ định kiến về sự nguyên tắc, cứng nhắc của người Đức. Cô kể, ở Berlin chia thành 3 khu A, B, C. Cô chỉ phải mua vé tàu khu A, B nhưng một lần em ngồi ngược tàu, đi nhầm sang khu C và đã đi rất xa. Đã thế, em còn ngồi nhầm ở khoang hạng nhất.
Theo quy định, An sẽ bị quy vào tội trốn vé. Khi phát hiện ra mình nhầm, cô nhắn tin cho bạn và bị bạn dọa là “chuẩn bị tiền đi, chắc chắn sẽ bị phạt”. Nhưng khi nhân viên soát vé tới, cô trình bày sự việc thì vẫn được tha.
“Nhân viên soát vé nói không sao, nhưng đây là khoang hạng nhất, không được ngồi ở đây và thả mình đi”.
Một lần khác, đi chơi cùng các bạn, một bạn làm mất vé tàu của cả nhóm. “Thậm chí, những người Đức trên xe cũng nói là họ rất hiểu người Đức, rất nguyên tắc và không chấp nhận lời giải thích nên bọn mình cứ chuẩn bị tiền phạt đi. Nhưng rất may là bác soát vé chiều về cũng là soát vé chiều đi.
Bác ấy nhớ mặt và bọn mình trình được hóa đơn mua trên mạng nên bác vẫn thả đi, không phạt tiền. Mấy người ngồi cạnh bọn mình đều tỏ ra ngạc nhiên, không ngờ là người Đức cũng linh động như thế”.
Một đặc điểm khác mà An cũng ấn tượng về người Đức là người già và trẻ con ở đây “rất siêu”.
“Có những bác 70 tuổi vẫn lái ô tô. Họ rất độc lập. Bác chủ nhà mình 57 tuổi nhưng vẫn đi làm. Bác có 3 anh con trai nhưng không ở cùng ai. Trẻ con thì rất tự lập, mới mấy tuổi đã tự đi học bằng tàu điện ngầm”.
“Ngày xưa mình cũng nghe nói người nước ngoài lạnh lùng, không thích chia sẻ nhiều. Nhưng trường hợp chủ nhà mình lại rất khác. Bác đưa mình đi chợ nấu ăn, ăn cơm chung. Mình đi chơi, bác ở nhà quét dọn phòng, giặt đồ cho, còn chiều mình hơn cả mẹ mình.
Nhiều hôm đi chơi về đã thấy quần áo được giặt, gấp thơm tho trên giường rồi. Với một du học sinh phải sống xa nhà, những hành động đó của bác khiến mình cảm thấy rất hạnh phúc".
Theo Nguyễn Thảo (VietNamNet)