“Ở đây, chúng tôi có đủ các loại rau. Tất cả đều do gia đình tự trồng nên đảm bảo tươi ngon”, Lâm Long (1995) đến từ Hàng Châu, Trung Quốc đang giới thiệu về gian hàng của mình với phóng viên của tờ 163.
Hơn 4 năm trước, anh là nhân viên của một nhà xuất bản. Khi đó, cuộc sống của anh chỉ xoay quanh công việc và những người đồng nghiệp. Tuần 3-4 buổi anh đi nhậu cùng đồng nghiệp không sẽ đi đá bóng cùng họ. Đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của những người trẻ sống tại thành thị. Nhưng từ khi nghỉ việc về quê, ngoài bố mẹ, vợ con, thứ đồng hành với anh là 44 mẫu (đơn vị đo được xác định theo cách tính của Trung Quốc) đất trồng rau và sạp rau rộng chưa đến 10m2 ngoài chợ.
“Tôi không hề hối hận. Tôi sống cuộc đời của mình cho chính mình, không phải sống để vừa lòng ai. Từ khi chuyển về quê, tôi cảm thấy an tâm hơn”, vừa nói tay anh vẫn đóng rau thoăn thoắt.
Nghỉ việc ở thành phố để về nhà bán rau
Mặc chiếc áo phao đen, khuôn mặt tròn trịa và làn da có phần ngăm đen, Lâm Linh lặng lẽ ngồi bóc vỏ ngô. So với những người buôn bán ở chợ, người đàn ông này có vẻ trầm tính và dè dặt hơn.
“Mua thử đi! Lần sau, chị sẽ ghé quán tôi thôi”, vừa nói người đàn ông này vừa bẻ đôi bắp ngô cho khách hàng của mình xem. Thấy khách hàng gật gù khen, Lâm Linh lộ rõ nụ cười hài lòng.
Để đảm bảo rau luôn tươi ngon, bố mẹ của anh thường ra vườn cắt từ lúc 1h sáng hàng ngày. Sau đó, đến 3h, anh chở rau ra chợ. 4h, anh sẽ chuẩn bị dọn hàng. Đầu giờ chiều, bố mẹ lại tiếp tục chuyển rau ra chợ để Lâm Linh bán đến tối. Anh thường đóng quán vào khoảng 19h30 và trở về ăn rồi, nghỉ ngơi. 4 năm trở lại đây, ngày nào nhịp sống của anh cũng diễn ra như vậy.
Anh cho biết sau khi tốt nghiệp đại học, anh chuyển công tác đến mấy lần vẫn không tìm được công việc ưng ý. Vào tháng 5/2019, sau khi kết hôn, những áp lực tài chính khiến anh dần suy nghĩ về cuộc sống mình mong muốn.
Sau khoảng 1 năm suy nghĩ, anh và vợ quyết định nghỉ việc ở nhà xuất bản và quay về bán rau cùng bố mẹ. Chia sẻ với tờ 163, anh Lâm Linh cho biết ban đầu bố mẹ anh không đồng tình chuyện này. Bố mẹ cho rằng anh đang làm “mất mặt” gia đình. Họ không hiểu rằng tại sao đang có cuộc sống thành thị sung sướng, các con lại muốn về quê gắn bó với đồng ruộng.
Kiếm tiền từ đôi bàn tay của mình thì không phải xấu hổ
Tuy nhiên, anh không để ý đến những bình luận xung quanh. “Mặc dù hơi mệt nhưng nhìn thấy khách hàng hài lòng và ghé mua rau vào ngày hôm sau là tôi vui rồi. Còn lại tôi không quan tâm đến những ý kiến ngoài kia”, Lâm Long nói.
Từ lúc phải đấu tranh để dậy được từ lúc 3h sáng cho đến việc loay hoay mãi mới xếp được sạp rau sao cho đẹp, đến nay, anh đã quá quen thuộc với công việc này. Những ngờ vực của anh về cuộc sống cũng không còn.
“Những người trẻ luôn muốn khởi nghiệp, làm chủ, mở cửa hàng, nhưng khi khả năng không cho phép thì một công việc phù hợp với bản thân cho thu nhập tốt là điều cần thiết. Không có gì phải xấu khi những đồng tiền đó được làm từ chính đôi tay của bạn. Trong cuộc sống, chẳng có thứ gì là dễ dàng. Bạn cần thực hiện từng bước một”, Lâm Long bộc bạch.
Những năm gần đây, việc xuất hiện nhiều siêu thị hay các cửa hàng rau ngoài phố khiến hoạt động buôn bán rau trong chợ của anh bị ảnh hưởng rất lớn. 2 năm trở đây anh bắt đầu thêm tài khoản Wechat của khách hàng để mở ra phương thức bán hàng trực tuyến.
Vào cuối năm 2021, anh lập hẳn một nhóm chat, nơi có đủ những khách hàng thân thiết vẫn thường ghé quán. Mỗi ngày, anh sẽ đăng những loại rau có sẵn để mọi người lựa chọn. Anh cũng thường xuyên chia sẻ những hình ảnh về vườn rau sạch của gia đình mình. Từ 80 người ban đầu, đến nay, nhóm bán rau của anh đã có đến hơn 250 người. Khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong ngày của Lâm Long là khách sử dụng và khen rau chất lượng.
Chia sẻ với tờ 163, mẹ của Lâm Long cho rằng con trai có đóng góp quan trọng giúp cửa hàng bán được nhiều hàng hơn. Trước đây, nhà bà chỉ bán được nhiều nhất là 1 bao ngô. Nhưng giờ đây, họ có thể bán được 4 - 5 bao ngô cho các khách hàng trực tuyến từ nhiều nơi như Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô, Phúc Kiến.
Trong cuộc trò chuyện, phóng viên của tờ 163 thản nhiên hỏi Lâm Long có phải anh sinh năm 1995 không. Anh gật đầu và cười gượng: “Trông tôi già hơn tuổi phải không?”.
Anh cho phóng viên xem hình ảnh của mình cách đây vài năm. Trong ảnh, anh đẹp trai hơn, diện những bộ đồ phong cách hơn. Hiện nay, Lâm Long đã là cha của 2 đứa con. Con trai lớn của anh đang học mẫu giáo. So với cuộc sống văn phòng ngày trước, người đàn ông này thừa nhận bản thân kiếm được nhiều tiền hơn nhưng áp lực vẫn vậy. Khi nói về kế hoạch tương lai, anh bộc lộ sự trưởng thành vượt xa tuổi tác.
Theo Đinh Anh (Phụ Nữ Số)