Người ta mê mẩn lá xanh, sen hồng nên dù sen có mọc ở nơi lắm bùn nhất, nước sâu nhất người ta cũng cứ xắn váy, xắn quần mà lội ra tạo dáng cho bằng được.
Cứ tới tháng Sáu là người người lại nô nức đi chụp sen (Ảnh minh họa) |
Sen nở dĩ nhiên đẹp, nhưng nếu sen cứ ẩn mình ở một góc bùn nước xa xôi, không có người lui tới, thì có khi cũng chẳng ai biết được. Nên khi nhìn những tấm yếm thắm, quần đen lấp ló dưới sen để mong có một bộ ảnh đẹp, chúng ta đừng vội cười chê họ, cho họ là ấu trĩ, thích khoe mình.
Chúng ta lại càng không thể trách móc họ khi họ đem một trong những cái đẹp đặc trưng nhất của nước mình mà giới thiệu rộng rãi với bạn bè trên “phây búc”. Biết đâu nhiều người trong số họ quen thân với người ngoại quốc, và từ ấy mà khéo léo kéo người ta tới nước mình thăm thú thì sao?
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, không phải cứ đem hình ảnh sen đưa lên trang cá nhân, lên mạng xã hội đều được coi là “quảng bá văn hóa”. Đem văn hóa, đem nét đẹp của đất nước đi xa dĩ nhiên là điều tốt. Nhưng nếu lại đem cái chưa đẹp, có khi còn chẳng có lý do nào khác ngoài khoe sự khác biệt của bản thân, thì không phải hành động nào với sen ta cũng nên cổ vũ.
Hoa sen dù chưa được chọn làm loài hoa tượng trưng cho dân tộc, nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, sen đã chẳng khác nào “quốc hoa”. Cho nên đã chụp với sen, là chấp nhận bị người ta đem lên bàn cân đong đếm.
Mặc áo dài, mặc áo yếm, quần nâu chụp ảnh sen thì không có gì phải tranh cãi. Có tranh có cãi thì tranh cãi cái sự táo bạo quá đà của nhiều cô, khi lẽ ra phải thể hiện cái kín đáo, ý nhị của người con gái Việt thì lại muốn “khoe” hết ra như thể cho bõ bộ đồ đi mượn.
Thiếu tinh tế tới mức mặc bikini đi chụp sen thì tôi cũng xin chịu! (Ảnh minh họa) |
Hai cô gái, hai kiểu chụp ảnh, nếu đặt ở những địa điểm hợp lý thì không có gì đáng lên án, nhưng tiếc thay lại đặt ở nơi không nên đặt, nên thành ra sai lệch, gây khó chịu cho người đã trót xem.
Theo Huân Y Thảo (Dân Việt)