Sáng sớm ngày 7/2 vừa qua, chàng trai trẻ Tiểu Trương (22 tuổi, Trung Quốc) được mẹ đẩy vào khoa cấp cứu trên xe lăn, khuôn mặt đầy đau đớn, chân trái không thể đi lại được, từ bắp chân đến đùi đều sưng đau.
Bác sĩ phát hiện chân trái của Tiểu Trương dày hơn chân phải rõ rệt, bề mặt da căng bóng, mô dưới da sưng tấy rõ rệt. Đây là triệu chứng điển hình của bệnh huyết khối cấp tính. Do tĩnh mạch hồi lưu chậm nên gây sưng chân tay và làm sẫm màu da. Bác sĩ ngay lập tức nghi ngờ rằng người thanh niên này có thể bị huyết khối. Quả nhiên, kết quả xét nghiệm chức năng đông máu cho thấy chỉ số D-dimer (kiểm tra tình trạng khối máu đông trong mạch máu) của Tiểu Trương rất cao, đạt trên 35, trong khi chỉ số bình thường là dưới 0,8, điều này có nghĩa là trong cơ thể anh có khả năng có cục máu đông.
Kết quả siêu âm màu tiếp theo xác nhận tĩnh mạch khoeo và tĩnh mạch chậu trái của anh Tiểu Trương bị tắc, cục máu đông dài nửa mét, kéo dài từ chi dưới bên trái đến thắt lưng và bụng. May mắn thay, việc sàng lọc tiếp theo không phát hiện ra bệnh thuyên tắc phổi.
Tìm hiểu bệnh sử, được biết hóa ra, trong kỳ nghỉ, chàng trai trẻ nghiện trò chơi điện tử. Ngoại trừ ngủ, anh ta hầu như không rời khỏi bàn máy tính trong ba ngày. Anh ta ngồi xếp bằng trong một thời gian dài, làm việc và nghỉ ngơi không theo quy củ, và dựa vào mì ăn liền cho bữa ăn.
Tiểu Trương ngay lập tức được sắp xếp phẫu thuật. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, sau 10 ngày nằm viện, Tiểu Trương đã được xuất viện gần đây.
Các bác sĩ nhắc nhở huyết khối hay cục máu đông là nguyên nhân gây ra ba bệnh tim mạch gây tử vong hàng đầu trên thế giới, bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ và huyết khối tắc tĩnh mạch.
Trước đây, huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi dưới là căn bệnh phổ biến ở những người ở độ tuổi 60, 70. Hiện nay, độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa. Ngoài một số thanh thiếu niên mắc bệnh do tiền sử gia đình, rất nhiều người trẻ ngồi trước máy tính trong thời gian dài mà không vận động, khiến máu chậm về tĩnh mạch chi dưới, dễ gây ứ trệ máu, thậm chí máu tĩnh mạch có lúc gần như ứ trệ, dẫn đến hình thành huyết khối tĩnh mạch chi dưới.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa cục máu đông là tránh ngồi hoặc đứng trong thời gian dài và bỏ hút thuốc. Bạn nên đứng dậy và đi lại sau mỗi nửa giờ và đảm bảo uống 1500-2000ml nước mỗi ngày.
Ngoài ra, những người nằm liệt giường trong thời gian dài sau phẫu thuật hoặc chấn thương gãy xương, bệnh nhân ung thư trên 60 tuổi đã trải qua hóa trị, những người ngồi hoặc đứng trong thời gian dài, người có tiền sử gia đình bị huyết khối và phụ nữ mang thai đều có nguy cơ cao mắc huyết khối tĩnh mạch. Nếu bạn cảm thấy đau, nhạy cảm, sưng, tím tái hoặc tức ngực không rõ nguyên nhân, đau ngực, nhịp tim nhanh, chóng mặt... bạn phải cảnh giác với khả năng hình thành cục máu đông hoặc thậm chí là thuyên tắc phổi và tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời.
Theo Mỹ Diệu (Thanh Niên Việt)