Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin trong tháng 1/2025, toàn thành phố ghi nhận 820 trường hợp mắc cúm, tăng 51 trường hợp (6%) so với cùng kỳ năm 2024.
Cộng dồn năm 2024 đến nay, tổng số ca mắc cúm là 7.133 trường hợp, không ghi nhận trường hợp tử vong. Bệnh nhân cúm ghi nhận quanh năm, trong đó có xu hướng gia tăng từ tháng 12 đến tháng 5 hằng năm.
Hiện nay, thời tiết chuyển mùa lạnh, mưa ẩm là điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển. Tại các bệnh viện lớn như Bệnh bệnh Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện E… đều ghi nhận số ca mắc cúm tăng, trong đó có những trường hợp biến chứng nặng phải thở máy.
Cúm không chỉ gây biến chứng nặng ở người già, trẻ nhỏ mà ngay cả người trẻ tuổi, sức khoẻ trước đó tốt cũng có thể chuyển nặng.
Bệnh nhân N.N.P (nữ, 30 tuổi, Hà Nội) là một ví dụ. Trước khi nhập viện 4 ngày, người bệnh xuất hiện sốt cao kèm đau đầu, đau họng, ho có đờm, sổ mũi, đau mỏi người. Sau khi tự test cúm tại nhà và có kết quả dương tính, người bệnh không đi khám mà đã tự dùng Tamiflu trong 2 ngày.
Tuy nhiên, tình trạng còn sốt cao và mệt mỏi khiến người bệnh phải đến khám tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E. Tại đây, người bệnh được chẩn đoán mắc cúm B bội nhiễm và được chỉ định điều trị bằng kháng sinh, kháng virus cúm, kết hợp các biện pháp hỗ trợ như: giảm ho, hạ sốt và bù nước điện giải.
Với trường hợp bệnh nhân P, nếu như không đến bệnh viện kịp thời thì rất dễ diễn biến tới viêm phổi.
Qua trường hợp của bệnh nhân P, các bác sĩ cảnh báo khi mắc cúm, người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị về uống. Thay vào đó, người dân cần tới cơ sở y tế khám để bác sĩ đánh giá yếu tố nguy cơ.
Người trẻ cũng có nguy cơ mắc cúm nặng
ThS.BS Đinh Thị Bích Thục - khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện E) - cho biết, thống kê từ tháng 1/2025, khoa Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 250 ca bệnh cúm các loại.
Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán 2025, số ca mắc cúm đến khám và điều trị có xu hướng gia tăng, trung bình khoảng 10 bệnh nhân mắc cúm mỗi ngày.
“Điều đáng chú ý, không chỉ người cao tuổi, trẻ nhỏ hay người có bệnh nền (tim mạch, đái tháo đường, hô hấp…) mà ngay cả những người trẻ, khỏe mạnh cũng có nguy cơ mắc bệnh và gặp biến chứng nếu chủ quan. Hiện tại, khoa Bệnh Nhiệt đới đang tiếp nhận và điều trị nội trú cho hơn 20 người bệnh mắc cúm các loại”, bác sĩ Bích Thục nói.
Bác sĩ Bích Thục khuyến cáo bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc cúm, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau tùy theo từng đối tượng.
Những người có nguy cơ cao gặp các biến chứng nguy hiểm khi mắc cúm mùa bao gồm: Phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ; Trẻ em dưới 5 tuổi; Người trên 65 tuổi; Người có các bệnh mãn tính như HIV/AIDS, hen suyễn, bệnh tim, phổi và đái tháo đường; Người có nguy cơ phơi nhiễm cúm cao, bao gồm cả nhân viên y tế.
Theo Ngọc Minh (nguoiduatin.vn)