9X là trùm FOMO, Gen Z là trùm chữa lành

13/04/2025 09:17:14

Nhưng thế hệ nào cũng có âu lo đấy thôi!

Nếu thuộc thế hệ 9X, chắc hẳn bạn đã từng ít nhất một lần nói câu: “ Ngày xưa mình không như thế này” . Và lúc này, một Gen Z khác sẽ liền phản bác : “Thời của anh chị khác rồi”.

Cứ như thế, 9X - Gen Z so sánh lẫn nhau và bị cả những thế hệ, con người khác đặt lên "bàn cân" với ti tỉ thứ khác biệt, đối lập. 9X thường bị nhận xét là lo âu, thích sự ổn định và an toàn khác với Gen Z – những người được cho là táo bạo, sẵn sàng "nhảy việc" chỉ để chữa lành ngay cả khi... chẳng rách.

Hội chứng này của 9X gọi là FOMO (fear of missing out) hiểu một cách đơn giản là “nỗi sợ bị bỏ lỡ” - sợ rằng mình đang không nắm bắt được những thông tin, sự kiện, trải nghiệm hoặc quyết định có khả năng cải thiện cuộc sống. Nó khiến bạn trằn trọc, vắt tay lên trán hàng đêm, tự đặt mình lên bàn cân so sánh mỗi sáng về thành công, tình yêu, tiền bạc,... với người khác, thế hệ khác.

Trong khi đó Gen Z ưu tiên sức khỏe tinh thần, sống cho hiện tại nhiều hơn. Thậm chí, có một giai đoạn chữa lành trở thành trend, từ khóa “chualanh”, “healing” từng lọt top 100 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam trên các nền tảng MXH.

9X là trùm FOMO, Gen Z là trùm chữa lành
9X FOMO còn Gen Z thì chữa lành.

Hai thế hệ liền kề nhau nhưng lại mang hai thái cực đối lập - một bên vội vã nắm bắt mọi cơ hội, bên khác lại sẵn sàng buông bỏ để mong cầu sự bình yên. Ở đây, không so sánh ai hơn ai, FOMO hay chữa lành đều là nhu cầu, đều có giá trị riêng, cái lợi - hại khác biệt. Nhưng thực tế, mỗi thế hệ đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, chịu ảnh hưởng bởi hoàn cảnh xã hội khác nhau. Việc so sánh có thể thú vị, nhưng không nên trở thành áp lực hay định kiến.

Hơn nữa, không phải 9X nào cũng FOMO và Gen Z nào cũng có nhu cầu chữa lành. Điều này còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, mục tiêu trong cuộc sống của từng cá nhân. Vậy bạn có đang phải là một 9X FOMO hay một Gen Z mê chữa lành hay không, điều này rất dễ nhận ra nếu xét trên các khía cạnh trong cuộc sống dưới đây:

8X thì thành đạt, nhóm 18-25 giờ đã là CEO, hot TikToker còn 9X đang ở đâu?

9X FOMO thành công, đó là 1 thực tế!

Với họ, thành công có thước đo rõ ràng về mặt số liệu, tài chính, đó là: Thu nhập bao nhiêu, tài sản tích lũy ra sao, đang có chức vụ gì,... Chưa dừng lại ở đó, thành công còn phải sớm, chắc chắn, phải là một cuộc đua thành tích, vị trí với nhiều người, nhiều thế hệ khác nhau.

9X là trùm FOMO, Gen Z là trùm chữa lành - 1
9X tất bật với công việc, họ FOMO thành công, tài chính mỗi ngày. Ảnh minh họa.

Có một bình luận thế này: “9X bọn tôi áp lực lắm khi ngoảnh lại đã thấy sự thành đạt, dồi dào kinh nghiệm của thế hệ 8X còn nhìn lên thì thấy các em 18-25 bây giờ là CEO, YouTuber, TikToker kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng. Nhìn sang thì thấy bạn bè làm freelancer, đầu tư,…".

Vì thế, không ai chấp nhận mình bị bỏ lại phía sau, ai cũng miệt mài chạy lên, chạy ngang, chạy dọc không ngừng nghỉ. Rồi từ quan niệm “công việc là tất cả”, nhiều người sẽ cố gắng bám trụ, sợ bị thất nghiệp. Là thế hệ gánh trên vai áp lực thành công được định nghĩa bằng sự nghiệp, nhiều người mắc hội chứng FOMO là vậy.

Rồi cũng từ đây FOMO tài chính bắt đầu xuất hiện. Nhiều người bị ám ảnh và trăn trở đặt ra lúc này là: "Mọi người đã FIRE (tự do tài chính), còn mình thì…” .

Lúc này, Gen X lại ám ảnh với việc phải có tài chính vững chắc, nghỉ hưu sớm. FOMO khi thấy người khác thu nhập 6-7 chữ số, trong khi mình vẫn loay hoay với những đồng lương khởi điểm. Nhiều người cũng có tâm lý chạy theo trào lưu, mua sắm theo tâm lý đám đông vì sợ lạc hậu.

Tất cả như một tảng đá đè nặng, song điều này cũng khiến cho nhiều người sống có trách nhiệm, có kế hoạch rõ ràng hơn, dù sao thì câu “áp lực tạo kim cương” cũng chẳng sai.

Ngược lại cũng với chữ thành công thì Gen Z lại có định nghĩa khác, họ đặt work-life balance (cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân - PV) lên hàng đầu. Hiểu đơn giản là lúc này thành công không chỉ còn gắn liền với công việc nữa mà còn gắn với yếu tố cuộc sống cá nhân. Nhiều Gen Z quan điểm “không hợp thì nghỉ, sức khỏe tinh thần là quan trọng hơn”. Văn hóa “quiet quitting” - làm đúng trách nhiệm, không ôm đồm cũng phổ biến trong thế hệ này. Yếu tố chữa lành trong công việc được đẩy lên trên hết!

9X là trùm FOMO, Gen Z là trùm chữa lành - 2
Là chúa chữa lãnh, Gen Z chẳng ngại nghỉ việc khi thấy sức khỏe tinh thần không ổn. Ảnh minh họa.

Gen hiểu rằng thành công không chỉ là thu nhập cao mà còn là sức khỏe tinh thần, mối quan hệ chất lượng và sự thoải mái trong cuộc sống.

Chính vì tâm lý này, nên Gen Z cũng là thế hệ cởi mở trong tài chính. Nhiều người quan điểm sống cho hiện tại nhiều hơn nên cởi mở được gánh nặng tích lũy. “Mình chỉ cần sống đủ không chạy đua vô nghĩa”, một netizen bình luận. Chính vì vậy, gen Z hướng đến lối sống tối giản, chi tiêu thông minh,.... Biến từ “Áp lực kiếm tiền” thành “Quản lý tài chính lành mạnh”.

Gen Z dùng app thiền, AI trò chuyện, theo dõi nội dung tích cực trên mạng

Từ mạng xã hội, đến các các ứng dụng công nghệ, 9X luôn lo sợ mình bị cũ. Nếu không biết trend mới nhất họ cảm thấy như bị "bỏ rơi" khỏi thế giới đang không ngừng chuyển động.

Nếu 9X FOMO thì Gen Z ngược lại. Đúng với tinh thần chúa chữa lành. Các bạn trẻ xem chuyện bắt kịp xu hướng, công nghệ như một liệu pháp chữa lành hiệu quả. Người trẻ trò chuyện với AI, thay vì hỏi về công việc, tài chính thì đây có thể là nơi tâm sự đủ thứ trên đời, nói ra những áp lực, âu lo để giãy bày tâm trạng hoặc xin lời khuyên,...

Ngoài tập yoga, gym ở các phòng tập, khi về nhà, nhiều Gen Z cũng dùng điện thoại, tải app thiền, hỗ trợ thiền định, để giúp tâm trí tĩnh lặng, giảm lo lắng, kiểm soát căng thẳng và ngủ sâu.

9X là trùm FOMO, Gen Z là trùm chữa lành - 3
9X lo sợ bắt không kịp trend của Gen Z, vậy thì có tụt hậu không? Ảnh minh họa.

Thay vì phải update mọi trend mới nhất, Gen Z chọn những thứ phù hợp với mình. Họ không ép buộc bản thân phải chạy theo một xu hướng, định hướng phong cách chung của đám đông nào đó chỉ để hòa nhập, mà tập trung vào sở thích cá nhân.

9X áp lực kết hôn, sinh con. Gen Z: Độc thân vui mà!

Trong một thế giới mà tình yêu dường như ở khắp mọi nơi, việc độc thân đôi khi không chỉ là một trạng thái, mà còn trở thành một nỗi lo vô hình. Càng trở thành vấn đề hơn bao giờ hết khi 9X đang ở giữa kỷ nguyên của mạng xã hội và dating app, tình yêu không chỉ là cảm xúc – nó còn là một “cuộc đua” mà nếu chậm chân, bạn có thể bị bỏ lại phía sau.

Khi mở Facebook hay Instagram, 9X dễ dàng thấy bạn bè check-in du lịch couple, chia sẻ khoảnh khắc gia đình ngọt ngào. Trong khi đó, họ vẫn lẻ bóng, tối đến chỉ có thể lướt các ứng dụng hẹn hò như Tinder, Bumble rồi tự hỏi: “Tại sao match hoài mà chẳng ai nhắn trước?”. FOMO tình yêu không chỉ đến từ mạng xã hội mà còn từ chính những áp lực vô hình: độ tuổi kết hôn lý tưởng, sự kỳ vọng của gia đình hay nỗi lo “một mình mãi mãi”.

9X là trùm FOMO, Gen Z là trùm chữa lành - 4
Gen Z vui vẻ tận hưởng cuộc sống độc thân hơn, thậm chí họ đã sẵn sàng cho cuộc sống không chồng, không con bởi với họ, như thế sẽ bớt gánh nặng, sống chill hơn? Ảnh minh họa.

Gen Z thì khác, đặt chữa lành lên hàng đầu nên đã chuyển từ “bị áp lực yêu đương” trở thành “tận hưởng độc thân”.

Với Gen Z, tình yêu không còn là một “điểm đến” mà là một hành trình – nơi họ học cách yêu bản thân trước khi yêu người khác. Không còn chạy theo những tiêu chuẩn hẹn hò truyền thống hay áp lực phải “có gấu”. Gen Z chọn cách chữa lành trước, rồi mới bước vào một mối quan hệ với tâm thế vững vàng hơn.

Họ đọc sách tâm lý, nghe podcast về các chủ đề yêu bản thân bắt đầu từ bên trong bạn, có thể viết nhật ký mỗi ngày, trò chuyện với bạn bè, người thân hoặc AI để hiểu rõ cảm xúc của chính mình. Trên mạng xã hội, Gen Z tạo ra những cuộc thảo luận về tình yêu lành mạnh, yêu không chỉ gói trọn trong mối quan hệ nam - nữ, với gia đình mà còn với cả chính mình. Đó nên là điều ưu tiên.

"Mình có đang tụt lại phía sau không?"

Giữa những vlog du lịch Bali, check-in cà phê tối giản, clip tập yoga chữa lành, nhiều 9X bỗng hoang mang: “Mình có đang tụt lại phía sau không?”. Trong khi Gen Z làm freelancer, uống matcha mỗi sáng, 9X vẫn quen với công việc văn phòng và bữa tối mì gói. Áp lực không chỉ đến từ công việc, mà còn từ chính phong cách sống. Không “bắt trend” đồng nghĩa với nguy cơ bị gọi là kẻ tụt hậu, "nhà quê".

Không còn bị cuốn vào guồng quay “phải thành công sớm” hay “phải sống đúng chất”, Gen Z đang định nghĩa lại phong cách sống theo cách riêng – chậm hơn, sâu hơn và lành mạnh hơn. Họ tối giản đồ đạc để bớt áp lực vật chất, chọn yoga, thiền định, biết nhật ký để chữa lành tâm trí, uống matcha thay vì cà phê để chăm sóc cơ thể.

Sau cùng, sống chất không nằm ở việc chạy theo xu hướng, mà ở chỗ tìm ra nhịp sống phù hợp với chính mình.

9X là trùm FOMO, Gen Z là trùm chữa lành - 5
Với Gen Z, chữa lành không phải là bắt kịp ai, mà là tìm ra phiên bản thoải mái nhất của chính mình. Ảnh minh họa.

Thay vì chạy theo hustle culture (văn hóa “cày cuốc”, một phong cách làm việc tập trung vào việc nỗ lực không ngừng nghỉ, thường xuyên làm ngoài giờ -PV) như nhiều người ở thế hệ trước, Gen Z tìm kiếm sự cân bằng: Có người làm freelancer du mục, có người tận hưởng niềm vui nhỏ mỗi ngày. Không còn công thức chung nào cho một cuộc sống “chuẩn Gen Z” – điều quan trọng nhất là tìm được nhịp sống khiến họ thực sự hạnh phúc.

Nếu thế hệ trước coi "ổn định" là đích đến, thì 9X lại mắc kẹt giữa mong muốn phát triển và nỗi sợ đi sai đường. Nhưng đôi khi, không có con đường hoàn hảo – chỉ có những bước đi vững vàng và sẵn sàng điều chỉnh khi cần.

Ngược lại, vì sống theo phương châm chữa lành là chính, Gen Z quan điểm rằng không có đường sai, chỉ còn đường chưa đi. Thay vì áp lực, trách móc chính mình, thay vì gồng mình tìm một con đường hoàn hảo, họ dần học cách chữa lành bằng việc chấp nhận thử và sai, điều chỉnh theo từng giai đoạn.

Lớn lên giữa vô vàn lựa chọn, Gen Z dễ mắc kẹt trong nỗi sợ “chọn sai” – sai ngành, sai công ty, sai hướng đi. Có người nhảy việc để khám phá bản thân, có người nghỉ ngơi để tìm lại đam mê, có người kết hợp nhiều nghề một lúc để không bị bó buộc. Với Gen Z, định hướng không còn là điểm đến cố định, mà là hành trình linh hoạt – nơi mỗi bước đi, dù rẽ trái hay phải, đều là một phần của trưởng thành.

9X là trùm FOMO, Gen Z là trùm chữa lành - 6
Bạn đang nghĩ suy về điều gì? Ảnh minh họa.

Tựu trung, 9X lao về phía trước, sợ chậm một bước sẽ lỡ mất cơ hội. Gen Z chậm lại, tin rằng ý nghĩa không nằm ở tốc độ mà ở việc hiểu mình thật sự muốn gì. Một thế hệ từng quẩn quanh với áp lực phải “đúng chuẩn”, một thế hệ học cách tháo gỡ nhãn dán để sống theo cách riêng.

Dù chạy hay dừng, dù FOMO hay chữa lành, cả hai thế hệ đều đang đi tìm câu trả lời cho cùng một câu hỏi: Rốt cuộc, sống thế nào mới thực sự có ý nghĩa?

Theo Trần Hà (Thanh Niên Việt)