3 kiểu 'phúc khí' hóa ra là 'phúc giả': Càng hưởng nhiều, cuộc đời càng lụn bại!

23/02/2025 14:01:46

Trên đời không phải phúc nào cũng là phúc thật. Có những phúc khí mang lại sự viên mãn cả về tinh thần lẫn vật chất, nhưng cũng có những "phúc giả" chỉ đem đến đau khổ và khốn đốn.

Nhiều người cho rằng "phúc khí" đồng nghĩa với việc có thể ăn ngon, mặc đẹp, tiêu xài dư dả, có danh vọng, quyền lực mà người khác không thể có được. Vì vậy, trở thành người có phúc trở thành mục tiêu theo đuổi của không ít người, thậm chí họ dành cả đời để nỗ lực không ngừng, mong đổi lấy sự giàu sang, vinh hoa trong mắt thế gian.

Tuy nhiên, không phải phúc nào cũng là phúc thật. Có những phúc khí mang lại sự viên mãn cả về tinh thần lẫn vật chất, nhưng cũng có những "phúc giả" chỉ đem đến đau khổ và khốn đốn. Dưới đây là 3 loại "phúc giả" mà càng hưởng nhiều, cuộc đời càng lụn bại. Những người thực sự có phúc sẽ không bao giờ đắm chìm vào những thứ này, mà thay vào đó, họ biết tránh xa để bảo toàn hạnh phúc chân chính.

1. "Phúc" không do bản thân lao động mà có

Nhiều người chăm chỉ làm việc không chỉ để bản thân có cuộc sống sung túc, mà còn mong muốn để lại phúc phần cho con cháu, thậm chí duy trì phúc khí ấy mãi mãi. Tuy nhiên, thực tế phũ phàng lại chứng minh rằng, "phú quý không quá ba đời" là điều khó tránh khỏi. Nguyên nhân sâu xa chính là bởi họ chỉ để lại cho con cháu sự hưởng thụ, mà không truyền lại được tinh thần phấn đấu và bài học về sự khó khăn trong quá trình tạo dựng phúc khí ấy.

Một khi thế hệ sau quen với việc "ngồi mát ăn bát vàng," họ sẽ mặc nhiên coi những gì mình có là điều hiển nhiên. Nhưng tâm thế hưởng thụ mà không có sự trân trọng, không có ý chí giữ gìn thì làm sao có thể duy trì lâu dài?

Nhà tư tưởng Trung Quốc Lâm Tắc Từ từng nói: "Con cháu nếu tài giỏi như ta, tiền của để lại sẽ chỉ làm giảm ý chí. Con cháu nếu không tài giỏi bằng ta, tiền của để lại chỉ dẫn tới sai lầm."

Vậy mới thấy, của cải vật chất không phải là thứ quan trọng nhất để truyền lại, mà chính là bản lĩnh và nhân cách. Một gia đình muốn có phúc lâu dài, điều quan trọng nhất là giáo dục thế hệ sau biết trân trọng, biết lao động và tự tạo ra giá trị.

3 kiểu 'phúc khí' hóa ra là 'phúc giả': Càng hưởng nhiều, cuộc đời càng lụn bại!

2. "Phúc" không tương xứng với tài đức

Gia Cát Lượng từng viết thư cho anh trai Gia Cát Cẩn rằng: "Con trai tôi, Chiêm, nay đã tám tuổi, thông tuệ khải ái, nhưng ngặt nỗi sớm chín, sợ rằng chẳng làm nên nghiệp lớn sau này".

Quả thật, Gia Cát Chiêm tuy cũng là nhân tài có lòng trung dũng, được giao phó quyền hành, nhưng chẳng thể đáp ứng kỳ vọng của mọi người là kế thừa Gia Cát Lượng. Sử gia Trung Quốc đời sau nhận định về Chiêm thế này: "Chiêm dẫu có trí chẳng đủ phù giúp lúc nguy nan, có dũng chẳng đủ để cự địch, bên ngoài chẳng giúp được quốc gia, bên trong chẳng thể thay đổi triều chính, nhưng hiếu trung còn mãi".

Xã hội ngày nay, có không ít người trẻ tuổi khi vừa bước chân vào đời đã nhanh chóng gặt hái thành công, danh tiếng vang dội, nắm giữ những vị trí quan trọng. Khi mới bắt đầu, họ còn giữ được sự khiêm tốn, chăm chỉ. Nhưng càng về sau, họ dễ bị cuốn vào hào quang của danh lợi mà quên đi việc tiếp tục trau dồi kiến thức, rèn luyện bản thân.

Khổng Tử từng nói: "Đức mỏng mà quyền cao, trí nhỏ mà mưu lớn, sức yếu mà gánh nặng, hiếm có ai không gặp phải kết cục bi thảm."

Khi một người có danh nhưng không có thực tài, có địa vị nhưng không có phẩm đức tương xứng, họ dễ dàng đánh mất chính mình. Nếu không tiếp tục học hỏi, trau dồi, mà chỉ đắm chìm trong hào quang giả tạo, đến khi gặp thất bại, họ sẽ không biết cách tự tìm nguyên nhân mà chỉ biết oán trách hoàn cảnh. Kết cục là tài năng bị chôn vùi, thời gian bị lãng phí, cuộc đời trở nên lụi bại.

Người thực sự có phúc là người hiểu rõ giá trị của bản thân, biết tiến biết lùi, không ngừng hoàn thiện chính mình thay vì tự mãn với danh vọng nhất thời.

3. "Phúc" không thuộc về mình

Ai cũng mong muốn có được cuộc sống giàu sang, nhưng có những người vì quá khao khát mà bất chấp thủ đoạn, tìm mọi cách để đạt được thành công một cách nhanh chóng. Họ không dành tâm huyết để làm ăn chân chính, mà chỉ tìm đường tắt, thậm chí bất chấp đạo đức để có được cái gọi là "phúc khí."

Thế nhưng, cổ nhân đã dạy: "Của cải đến từ con đường bất chính thì cũng sẽ rời đi trong tai họa."

Những thứ không thuộc về mình, dù có cố chiếm đoạt cũng khó mà giữ được lâu. Người dùng mưu mô để đạt được quyền lực, tiền tài, sớm muộn cũng phải trả giá. Hơn nữa, những hành vi sai trái không chỉ gây hại cho bản thân, mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình, con cháu đời sau.

3 kiểu 'phúc khí' hóa ra là 'phúc giả': Càng hưởng nhiều, cuộc đời càng lụn bại! - 1

Tục ngữ có câu: "Nhà tích thiện ắt có phúc lành, nhà tích ác ắt có tai ương."

Nếu chỉ mải mê theo đuổi lợi ích trước mắt, không màng đến hậu quả, thì cuối cùng không chỉ mất đi tất cả, mà còn rơi vào cảnh khốn cùng. Những người thực sự có phúc không bao giờ ham muốn những thứ không thuộc về mình, mà luôn lấy đạo đức làm gốc, lấy chính trực làm phương châm sống.

Trong cuộc đời, không phải cứ có nhiều tiền tài, danh vọng là có phúc. Có những loại phúc nhìn thì đẹp đẽ nhưng thực chất lại là "phúc giả," càng hưởng nhiều, càng rước họa vào thân.

Người thật sự có phúc không phải là người có nhiều của cải, mà là người hiểu giá trị của lao động, biết khiêm nhường, sống chính trực và luôn trau dồi bản thân. Họ không tìm kiếm những thứ phù phiếm, mà hướng đến một cuộc sống có ý nghĩa, để lại giá trị bền vững cho bản thân và thế hệ sau.

Cuộc đời có hạn, đừng đánh đổi sự bình an của mình chỉ vì những cái "phúc" không xứng đáng.

Theo Thùy Linh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật