10X thi THPT quốc gia 2018: Đại học không còn là con đường duy nhất

24/06/2018 14:15:33

Với thế hệ 10X, quan điểm về thi đại học đã thay đổi. Nhiều người chọn trường phù hợp với bản thân, hoàn cảnh gia đình, chứ không chạy theo danh tiếng.

Những học sinh lớp 12 đang chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm nay sinh năm 2000, thuộc thế hệ 10X.

Với những 9X đời đầu hay 8X, phần lớn bước vào kỳ thi với suy nghĩ đại học là con đường duy nhất để thành công. Hành trang đến với thành công đó còn nhiều thiếu hụt, trước tiên là định hướng nghề nghiệp.

Trước đây, nhiều bạn sinh năm 1990 còn lao đầu vào ngành Kế toán, Ngân hàng... mà không tìm hiểu kỹ nhu cầu việc làm thực tế. Không ít người học lực trung bình cũng đăng ký vào các trường thuộc top cao như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế Quốc dân, không trúng tuyển vẫn... oai vì trượt trường danh tiếng. 

Đến thế hệ 10X, quan điểm về thi đại học đã thay đổi. Đại học không còn là con đường duy nhất. Họ lựa chọn trường phù hợp với bản thân mình và hoàn cảnh gia đình, chứ không phải danh tiếng. Nhiều người xác định học nghề sau khi kết thúc trung học cơ sở và kỳ vọng vào con đường đầy hứa hẹn đó. 

Từ chối du học, chọn đại học trong nước

Nổi bật trong thế hệ 10X là Nguyễn Lâm Thảo Tâm, thường được gọi là “hot girl IELTS 8.5”. Năm 2016, Thảo Tâm - học sinh trường THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM - trở thành đại diện Việt Nam tham dự Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Thế giới.

Thảo Tâm cho biết cô may mắn và hạnh phúc khi là một trong  56 học sinh khóa đầu tiên của ĐH Fulbright. Trước kia, cô luôn đặt mục tiêu sẽ vào trường Liberal Arts (giáo dục khai phóng), và Fulbright theo hướng đó.

Ngôi trường này gây ấn tượng với Thảo Tâm từ cách lựa chọn sinh viên đến các quyết định hỗ trợ tài chính. Cô gái muốn theo học ngành truyền thông.

10X thi THPT quốc gia 2018: Đại học không còn là con đường duy nhất

10X thi THPT quốc gia 2018: Đại học không còn là con đường duy nhất - 1

10X thi THPT quốc gia 2018: Đại học không còn là con đường duy nhất - 2
Thảo Tâm tự tin với sự lựa chọn của mình. Ảnh: NVCC. 

Ngoài Fulbright, Thảo Tâm nộp đơn vào University of Toronto - trường Liberal Arts mạnh về đào tạo truyền thông ở Canada. Đây cũng là trường có học bổng 100%. Thảo Tâm được cấp học bổng nhưng không phải mức 100%. Cuối cùng, 10X chọn Fulbright và học tập trong nước.

Trước kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần, Thảo Tâm có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn các bạn vì cô chỉ cần tốt nghiệp lớp 12. Trước đó, cô gái đã phải chuẩn bị cho các vòng xét tuyển của Fulbright từ rất sớm.

Nữ sinh đang rất háo hức trước cánh cửa đại học và những dự án học thuật trong tương lai. Cô dự định phát triển bản thân qua các hoạt động ngoại khóa, trong đó có việc làm người mẫu không chuyên.

Trước sự lựa chọn từ chối du học để đến với ngôi trường mới thành lập ở Việt Nam, Thảo Tâm bày tỏ quyết định nào cũng là của riêng mỗi cá nhân. Quan trọng là khi đã hoạch định cho tương lai, mỗi người hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng, đâu là điều thích hợp đối với bản thân. Khi ấy, việc đưa ra quyết định sẽ dễ dàng hơn.

10X thi THPT quốc gia 2018: Đại học không còn là con đường duy nhất - 3
Mơ ước của Thảo Tâm là vừa đầu tư cho việc học, vừa là người mẫu không chuyên. Ảnh: NVCC.

Xác định học nghề ngay từ lớp 9

Với nhiều bạn trẻ 10X không có điều kiện theo đại học, họ chọn con đường đi ngắn và thực tế hơn: Học nghề.

Trả lời câu hỏi "Vì sao em không chọn đại học?", Nguyễn Thị Về (Khánh Hòa) chỉ nói ngắn gọn: “Em không muốn bố mẹ khổ nữa”. Đối với nữ sinh, 4 năm đại học là thời gian quá dài. Chứng kiến nhiều người tốt nghiệp đại học vẫn thất nghiệp, cô quyết định học nghề.

10X cho biết tốt nghiệp lớp 9, cô đã quyết định không thi đại học. Dự định sau kỳ thi THPT quốc gia, cô sẽ học tại trung tâm tiếng Anh tại Nha Trang, sau đó sẽ tìm công việc phù hợp.

Nữ sinh tâm sự vừa đi làm vừa học tiếng Anh sẽ đỡ chi phí, giúp lo được cho bản thân, lại có thể đỡ gánh nặng cho gia đình. Về sẽ mua sách vừa tự học vừa làm. Đối với cô, hai năm đầu học lý thuyết ở đại học là quá lãng phí.

Nguyễn Hoài Nhân (An Giang) cũng quyết định không thi đại học từ năm lớp 11, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố là thợ xây, mẹ làm thuê.

Nhân bảo ngôi nhà em đang ở được xây bằng Quỹ tình bạn của trường THPT, lấy đâu chi phí theo đại học. Ước mơ của cậu bé nghèo là theo đuổi nghề lập trình máy tính. Trong quá trình học, Nhân sẽ học thêm tiếng Nhật. Khi ổn định và có việc làm, cậu sẽ thành lập nhóm hỗ trợ tìm việc giúp đỡ những bạn khó khăn.

Chàng trai nêu quan điểm đại học không còn là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Các hướng đi như làm công nhân, đầu tư vào công việc đam mê, học cao đẳng nghề… sẽ hoàn thiện bản thân và thành công theo cách riêng.

Nguyễn Hoài Nhân cho rằng lợi thế của thế hệ 10X bây giờ là được tiếp cận mạng xã hội, báo chí, với nhiều thông tin khởi nghiệp, dạy giao tiếp, ngoại ngữ. Cao đẳng nghề đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp nên nhiều cơ hội hơn.

Chọn trường đại học ngoài công lập

Một bạn trẻ khá nổi bật trong thế hệ 10X là Nguyễn Túy Xuân Mai. Xuân Mai (thường được gọi là Mai Tây) đang theo học một trường phổ thông ở TP.HCM. Nói về dự định của mình, Xuân Mai cho biết cô sẽ vào ĐH Hoa Sen để theo ngành Tiếng Anh Thương mại.

10X thi THPT quốc gia 2018: Đại học không còn là con đường duy nhất - 4

10X thi THPT quốc gia 2018: Đại học không còn là con đường duy nhất - 5

10X thi THPT quốc gia 2018: Đại học không còn là con đường duy nhất - 6

10X thi THPT quốc gia 2018: Đại học không còn là con đường duy nhất - 7

10X thi THPT quốc gia 2018: Đại học không còn là con đường duy nhất - 8
Xuân Mai đang tập trung cho những ngày ôn thi cuối. Ảnh: NVCC. 

Mai Tây không suy nghĩ phải vào đại học công lập danh tiếng, nên chọn trường ngoài công lập ở TP.HCM. Hot girl bày tỏ cô yêu thích và hiểu được tầm quan trọng của tiếng Anh nên muốn nghiên cứu sâu ngoại ngữ này. Đối với cô gái, tiếng Anh là cánh cửa vào tương lai.

Khác với thế hệ 8X và 9X ôn thi áp lực tại các lò luyện, quyết tâm đỗ đại học, Mai Tây cho rằng mỗi người sinh ra có năng khiếu riêng. Không phải ai cũng có khả năng học tốt. Thành công không phụ thuộc giỏi hay không, tốt nghiệp cử nhân hay không, mà chỉ cần có mục tiêu cho riêng mình để biết hướng đi và nỗ lực.

Chính vì suy nghĩ ấy, kỳ thi THPT quốc gia đến với Mai Tây không quá áp lực. Mỗi ngày, cô cùng bạn trai, cũng là bạn học của mình, đến lớp từ sớm và trở về nhà vào buổi tối. Hôm nào không học ở trường, cả hai tự học ở nhà. Đôi trẻ này cùng lựa chọn ĐH Hoa Sen, TP.HCM. 

Tỷ lệ thí sinh từ chối đại học tăng

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2018, trong tổng số 925.961 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, 688.641 em đăng ký xét tuyển đại học.

Số thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp, không lựa chọn đại học là 237.320, tăng 5,2% so với năm trước.

Theo PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên thứ trưởng GD&ĐT - tỷ lệ học sinh thi đại học giảm là tín hiệu đáng mừng, cho thấy phần nào đánh giá về bằng cấp đã thay đổi. PGS Nhĩ đề xuất Bộ G&ĐT cần cải thiện việc phân luồng học sinh.

"Hết bậc THCS, chúng ta phải chia luồng học sinh sao cho số theo đại học chiếm 40%-50%, còn lại theo trung học nghề, vừa học văn hóa vừa đào tạo công nhân lành nghề", nguyên thứ trưởng GD&ĐT đề xuất.

GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, cũng đồng tình với quan điểm này. Theo ông, ngày càng nhiều học sinh không chọn thi đại học là khả quan. Bởi thực tế, nhiều năm gần đây, sau khi tốt nghiệp THPT, hầu hết học sinh đều đua nhau vào đại học, nhiều người còn gọi là “phổ cập đại học".

Trong khi đó, phần “trống” là giáo dục nghề nghiệp, nơi cung cấp nguồn nhân lực công nhân lành nghề phục vụ sản xuất trong giai đoạn hội nhập, cạnh tranh, ít có chất lượng cao. Việc thay đổi nhận thức thi THPT quốc gia là chuyển biến tốt cho chính học sinh và thị trường lao động.

Theo Quyên Quyên (Tri Thức Trực Tuyến)