Yến sào tăng cường sinh lực, chống lão hóa

30/10/2019 11:14:10

Yến sào còn có tên tổ yến, yến oa thái, yến sơ thái, tai yến. Yến sào là tổ con chim Yến [Collocalia fuciphaga germani Oustalet., họ Chim yến (Apodidae)].

Tổ yến được khai thác để làm thực phẩm và làm thuốc. Yến là thực phẩm cao cấp, một trong 8 món ăn nổi tiếng: yến sào, bào ngư, hải sâm, vây cá mập, đế chân voi, bàn tay gấu. Các bữa tiệc trong cung đình không bao giờ thiếu món yến sào, nên gọi là yến tiệc; yến sào luôn đứng đầu trong các món đại tiệc.

Về thành phần dinh dưỡng, tổ yến chứa 42,8 - 54,9% protein; nhiều glucose; các acid amin cần thiết khó thay thế: cystein, phenyllamin, tyrosin...; các vitamin B, C, E, PP; các muối natri, sắt, phosphor và các nguyên tố vi lượng. Một số nghiên cứu mới đây cho thấy: yến sào có tác dụng tăng cường khí lực, bổ sung sinh lực, có lợi cho phổi và thận, rất tốt cho da, tăng hấp thu các chất dinh dưỡng và kích thích sự phân chia các tế bào của hệ miễn dịch. Do đó, yến sào được cho là thuốc cải lão hoàn đồng, làm chậm quá trình lão hóa ở người cao tuổi.

Yến sào - thực phẩm cao cấp và là thuốc “cải lão hoàn đồng”.
Yến sào - thực phẩm cao cấp và là thuốc “cải lão hoàn đồng”.

Theo Đông y, tổ yến vị ngọt, tính bình; vào phế, vị, thận. Tác dụng dưỡng âm nhuận táo, bổ trung ích khí, bổ thận sinh tinh, kiện tỳ dưỡng huyết. Dùng rất tốt cho người suy nhược cơ thể, viêm khí phế quản, ho khan đàm dính, hen suyễn, khái huyết thổ huyết, viêm dạ dày thực quản gây nôn, lỵ và sốt rét kéo dài, lao phổi, mạnh gân xương. Liều dùng, cách dùng: 3 - 20g/ngày; bằng cách nấu, hầm. Sau đây là 10 món ăn thuốc bổ dưỡng có tổ yến.

1. Yến thả: yến sào 5g, thịt gà xé 30g. Yến sào ngâm nước đun sôi để nguội cho nở hấp cách thủy, cho vào bát con. Gà luộc chín xé nhỏ cho vào bát yến sào, thêm ít nước luộc gà nóng, nêm gia vị cho đủ độ mặn ngọt. Ăn trước bữa ăn.

2. Yến tần: chim bồ câu đã làm sạch, cho yến sào, gạo nếp, đậu xanh, mộc nhĩ, nấm hương vào trong bụng chim. Hầm cách thủy cho nhừ, thêm gia vị. Ăn trong ngày.

3. Yến sào hấp đường phèn: yến sào 5g, đường phèn 30g. Trước tiên đun tan đường phèn, vớt bỏ váng bã. Yến sào ngâm nước cho nở ra. Cả hai cho vào tô, đun cách thủy 20 phút là được. Dùng tốt cho các trường hợp: suy nhược, người già yếu, lao phổi, viêm khí phế quản, bệnh tâm phế mạn...

4. Yến sào kỷ tử: yến sào 10g, kỷ tử 15g, đường kính 50g. Yến sào ngâm nước đun sôi để nguội cho nở ra. Cho tất cả yến sào, kỷ tử, đường kính vào tô, thêm lượng nước thích hợp, đun cách thủy 30 phút. Người viêm phế quản mạn, lao phổi, giãn phế quản... ăn món này rất tốt.

6. Yến sào pha sữa bò: yến sào 10g, ngâm nước cho nở ra, đun cách thủy cho chín, cho thêm 250ml sữa bò, khuấy đều cho sôi. Dùng thích hợp cho người viêm dạ dày, viêm ruột kèm nôn ói, nấc cụt và các bệnh nội khoa có nôn ói.

Yến sào kỷ tử là món ăn bổ dưỡng, rất tốt cho người viêm phế quản mạn, lao phổi, giãn phế quản...
Yến sào kỷ tử là món ăn bổ dưỡng, rất tốt cho người viêm phế quản mạn, lao phổi, giãn phế quản...

7. Yến sào đỗ trọng hấp đường: Yến sào 4g, đỗ trọng 15g, đường kính 50g. Đỗ trọng sắc lấy nước, bỏ bã. Yến sào ngâm nước sôi để nguội cho mềm trước, tất cả cùng chưng cách thủy 30 phút, khuấy lắc đều, lấy nước uống. Món này có tác dụng an thai hòa vị, chỉ ẩu, rất tốt cho thai phụ bị ho, nấc, nôn ói.

8. Yến sào bạch cập: yến sào 12g, bạch cập 12g. Cả hai vị cho vào nồi đổ nước vừa đủ, đun nhỏ lửa, hầm kỹ. Lọc lấy nước, thêm đường phèn, đun cho tan, uống 2 lần trong ngày. Chữa ho ra máu.

9. Canh yến: yến sào 20g, thịt gà nạc 100g, nấm hương 20g. Nấm hương ngâm nước nóng cho nở, rửa sạch. Yến sào ngâm nở, vớt ra để ráo. Tất cả cho vào tô đổ nước vừa đủ, chưng cách thủy khoảng 15 phút. Ăn trong ngày. Món này bổ dưỡng, rất tốt cho người suy nhược cơ thể.

10. Canh long nhãn yến sào: long nhãn, kỷ tử, yến sào, mỗi thứ liều lượng thích hợp. Yến sào ngâm nước cho nở, long nhãn ngâm mềm.  Tất cả cho vào tô, thêm nước thích hợp, đun cách thủy 30 phút. Món này dùng rất tốt cho người bị hồi hộp loạn nhịp tim, mất ngủ, sốt nóng về chiều, có mồ hôi trộm, ho khan, ít đờm, đờm lẫn huyết (Tâm phế âm hư).

Kiêng kỵ: Người bị cảm mạo phong hàn, phế vị hư hàn, đàm thấp không dùng.

Theo TS. Nguyễn Đức Quang (Sức Khỏe & Đời Sống)