Những lầm tưởng về 'chuyện ấy'

29/10/2019 07:28:22

"Chuyện ấy" khó có thể nói hay nói tốt được. Có nhiều cặp vợ chồng thấy thỏa mãn khi thực hiện và làm theo chỉ dẫn của sách vở, có những người lại đạt được khoái cảm từ chính những kinh nghiệm được đúc rút sau mỗi lần gặp gỡ…

Tuy nhiên, không ít cặp vợ chồng lại gặp trục trặc về chuyện ấy vì những lầm tưởng đáng tiếc…

Phụ nữ sẽ đạt cực khoái khi kích thích điểm G?

Hoàn toàn không có chuyện đấy, mặc dù nếu màn "dạo đầu" với điểm G tốt sẽ mang lại cho cuộc "giao ban" kết quả khả quan. Quan điểm về điểm G hiện vẫn còn nhiều tranh cãi, song phần lớn các nhà nghiên cứu về tình dục có xu hướng thống nhất cho rằng, điểm G là một vùng có chiều rộng khoảng vài cm nằm ở thành trước âm đạo và cách bờ ngoài âm đạo từ 3-5cm.

Cũng có khoảng 10% phụ nữ đạt được cực khoái khi chỉ cần kích thích điểm G, điều đó có nghĩa là với 90% chị em phụ nữ còn lại đạt được cực khoái là kết quả của một chuỗi các hoạt động tình dục chứ không phải chỉ là do kích thích điểm G.

Kích thước của "cậu nhỏ" có ảnh hưởng quyết định đến khoái cảm của người phụ nữ?

Không phải cứ người đàn ông nào có "cậu nhỏ" lớn thì mang lại nhiều cảm xúc cho phụ nữ hơn là người đàn ông có "cậu nhỏ"... không lớn. Nói cách khác, kích thước của dương vật không ảnh hưởng đến khoái cảm của người phụ nữ.

Theo các nhà chuyên môn, khoái cảm của người phụ nữ được quyết định bởi hai vị trí, thứ nhất là âm vật (clitoris) và thứ hai là điểm G (như đã nói ở trên). Vấn đề ở chỗ hai điểm này phải được "vận hành" đúng và đủ. Thêm vào đó do âm đạo của người phụ nữ có tính co giãn, chiều dài của âm đạo thông thường là 8cm, giai đoạn hưng phấn có thể lên đến 12cm vì vậy dương vật có kích thước bình thường đều phù hợp.

Trong trường hợp chính bản thân người phụ nữ cảm nhận thấy có sự "lỏng lẻo" trong lúc quan hệ vợ chồng thì có nhiều khả năng chính cơ lực của các cơ vùng âm đạo có vấn đề, cần quan tâm đến các bài tập rèn luyện cho cơ lực vùng đáy chậu và âm đạo (Kegel exercises) sẽ giúp cho đời sống tình dục có chất lượng tốt hơn.

Âm đạo sẽ rộng hơn sau mỗi bận "lâm bồn"?

Âm đạo là một cơ quan có cấu trúc đặc biệt, có tính chất đàn hồi rất lớn, thường được ví như chiếc "đèn xếp". Giãn ra trong lúc sinh đẻ, nhưng lại trở lại hình dáng và kích thước bình thường sau đó. Vì vậy không có chuyện, sau mỗi lần sinh nở, âm đạo lại giãn rộng hơn.

Tuy nhiên trong một số ít các trường hợp âm đạo giãn quá nhiều lúc đẻ (chuyển dạ lâu, thai to, xổ thai chậm...) làm cho âm đạo khó trở lại kích thước bình thường sau đó. Thường lúc này có thể thấy kèm theo các dấu hiệu rối loạn tiểu tiện.

Đây chính là lúc người phụ nữ nên thực hiện các bài tập cho vùng đáy chậu để giữ cơ lực cho cơ âm đạo. Điều này không chỉ giúp cho người phụ nữ vẫn giữ được "phong độ" trong đời sống tình dục mà còn giúp tăng cường sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Phụ nữ có thể "xuất tinh" được không?

Một vài phụ nữ có thể có rất nhiều dịch nhờn âm đạo khi quan hệ, nhưng đó không phải là hiện tượng "xuất tinh". Ở một số phụ nữ khi đạt được cực khoái thường cảm thấy như có một tia dịch phóng mạnh từ niệu đạo ra ngoài. Có điều này là do các cơ vùng đáy chậu co thắt mạnh làm một lượng dịch bị đẩy ra ngoài.

Vì nó cũng tương tự như giai đoạn xuất tinh ở nam giới nên được coi như hiện tượng "xuất tinh" ở phụ nữ. Lúc này người phụ nữ cảm thấy họ như bị ướt hơn, nhưng thực sự không phải như vậy. Theo thống kê chỉ có khoảng 10% phụ nữ có hiện tượng này và cũng không phải những ai đã có hiện tượng này thì lại có thường xuyên.

Người giỏi trong “chuyện ấy” là người có thể "hoạt động" nhiều lần trong một đêm?

Giỏi hay kém trong chuyện chăn gối không đồng nghĩa với việc người đàn ông làm được bao nhiêu lần "chuyện ấy" trong một đêm. Có khi một lần nhưng thời gian lâu là quá đủ so với nhiều lần nhưng mỗi lần lại... ngắn.

Cũng như việc đề cập đến kích thước của dương vật như đã nói ở trên, sự lượng giá trong chuyện ấy hết sức tương đối và tùy thuộc vào người cảm nhận. Người đàn ông có hoàn hảo hay không đơn giản phụ thuộc vào anh ta có mang lại được những gì mà "đối tác" của anh ta muốn.

Theo TS. Trần Khánh Toàn (Sức Khỏe & Đời Sống)

Nổi bật