Nhiều người cho rằng, quan hệ tình dục dưới nước dễ có khoái cảm và nhanh đạt đỉnh, có thể đem lại nhiều cảm xúc mới lạ. Thế nhưng, bên cạnh sự mới mẻ, yêu trong môi trường nước có nhiều phiền toái, khiến chất lượng cuộc vui giảm đi nhiều. Nước vốn có lực cản và lực nổi, vì vậy, cậu nhỏ khi đi sâu vào bên trong cơ thể đối phương sẽ gặp cản trở từ nhiều phía. Nên việc lựa chọn tư thế yêu phù hợp dưới nước sao cho thuận lợi cũng là vấn đề không nhỏ. Ngoài ra, nếu không gian không đủ rộng thì hai người sẽ có cảm giác chật chội, không thoải mái, dần mất đi hứng thú.
Nếu cho rằng quan hệ tình dục dưới nước sẽ làm âm đạo của chị em ẩm ướt, khiến việc quan hệ dễ dàng hơn thì đó là một sai lầm. Yêu dưới nước cũng có thể dễ bị nhiễm bệnh hơn, bởi nước rửa sạch chất bôi trơn tự nhiên của cơ thể, tạo ra ma sát nhiều hơn, làm tăng nguy cơ cọ sát và dễ làm tổn thương âm đạo. Nước sẽ làm trôi đi dịch nhầy từ âm đạo của người phụ nữ, làm quan hệ khó khăn hơn. Hóa chất hoặc muối trong nước gây ra khô âm đạo tạm thời khiến cuộc yêu của các cặp đôi gặp khó khăn, chị em dễ bị đau đớn khi ân ái.
Nguy cơ lớn hơn cả khi quan hệ tình dục dưới nước là có thể mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, đường tiết niệu, viêm nhiễm phụ khoa, nam khoa…Do tác động của nước, môi trường âm đạo mất cân bằng do mất đi dịch nhầy tự nhiên nên vi khuẩn, virut, trùng roi, nấm… có sẵn trong nước dễ xâm nhập và gây bệnh. Nước bồn tắm, hồ bơi không được khử clo đầy đủ sẽ làm tăng lượng vi khuẩn. Mặt khác, clo có thể làm suy giảm vi khuẩn có ích cho cơ thể và thay đổi độ pH tự nhiên của cơ quan sinh dục (cả nam và nữ), dẫn đến việc dễ nhiễm nấm. Nước biển hay nước sông hồ cũng gây ra vấn đề tương tự vì thường chứa các vi khuẩn lạ hay ký sinh trùng gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Khi yêu dưới nước, biện pháp bảo vệ bằng bao cao su dễ thất bại do bị nước tác động. Vì vậy, cần đề phòng lây truyền bệnh qua đường tình dục và mang thai ngoài ý muốn. Nhìn chung, cặp đôi nào muốn làm chuyện ấy dưới nước thì hãy cân nhắc kỹ.
Theo Thục Anh (Sức Khỏe & Đời Sống)