Sợ 'yêu' vì dị ứng với… tinh dịch chồng?

31/10/2018 15:05:00

Mỗi lần tiếp xúc với tinh dịch, cơ thể tôi lại nảy sinh các phản ứng y như những lần dị ứng thức ăn: ngứa ngáy, nổi mẩn, sốt… khiến tôi rất sợ quan hệ và không thể có con.

Bạn đọc Tr.V.A. (24 tuổi; quận 3, TP HCM) hỏi: Vợ chồng tôi mới cưới được gần 1 năm nhưng có chuyện rất bối rối: sau tuần trăng mật, tôi bị ngứa ngáy, khó chịu nặng, đau rát, nổi mẩn ngứa, sốt… giống vài lần tôi bị dị ứng thức ăn. Tôi có đọc báo và nghĩ rằng mình dị ứng tinh dịch nên thử bắt chồng dùng bao cao su, tình trạng khó chịu đó hết. Tuy nhiên, bây giờ vợ chồng tôi muốn có con. Chúng tôi cố gắng bỏ bao nhưng chỉ 2 ngày là tôi lại không chịu nổi, thậm chí cảm thấy sợ khi phải "yêu". Vậy làm sao để chúng tôi có thể có con đây? Tình trạng này có thể chữa được không?

Sợ 'yêu' vì dị ứng với… tinh dịch chồng?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, trả lời:

Tinh dịch là một chất dịch có chứa nhiều thành phần như tinh trùng, các protein, enzyme…, khi tiếp xúc niêm mạc bộ phận sinh dục nữ, các thành phần trong tinh dịch có thể trở thành một dị ứng nguyên (chất gây dị ứng) ở một số phụ nữ có cơ địa dị ứng.

Theo triệu chứng bạn kể, rất có thể bạn đã bị dị ứng tinh dịch của chồng gây ra các triệu chứng như: nổi mẩn ngứa, bỏng rát vùng da - niêm mạc sinh dục..; có cả những trường hợp dị ứng tinh dịch nặng gây nổi mề đay toàn thân, khởi phát cơn hen, khó thở…

Về vi thể, tinh trùng của chồng có thể bị phản ứng của cơ thể bạn (kháng thể chống lại dị ứng nguyên) ức chế, ngưng tụ, bị chết hoặc bất hoạt, không thể di chuyển vào trong để thực hiện chức năng thụ tinh. Vì vậy cho dù bạn có cố vượt qua cảm giác khó chịu để quan hệ không dùng bao cao su, các bạn vẫn có nguy cơ vô sinh – hiếm muộn.

Điều trị tình trạng này cũng giống như điều trị các loại dị ứng khác. Nếu tình trạng nhẹ, có thể điều trị giải mẫn cảm bằng cách cho tiếp xúc (da, niêm mạc, tiêm dưới da) một lượng ít tinh dịch, làm nhiều lần (nhiều ngày) và tăng dần lượng tiếp xúc để cơ thể người vợ quen dần và giảm dần các triệu chứng dị ứng. Nếu thành công thì có thể để giao hợp và có thai tự nhiên.

Nếu thất bại (tình trạng không giảm hoặc ngày càng nặng hơn) thì phải ngưng điều trị và chỉ có thể có thai bằng các biện pháp hỗ trợ sinh sản như lọc rửa tinh trùng bơm vào lòng tử cung hoặc thụ tinh trong ống nghiệm. Các thuốc kháng histamine và thuốc điều trị triệu chứng khác có thể được dùng nhưng chỉ chữa được các triệu chứng dị ứng chứ không cải thiện được tình trạng khó thụ tinh, vô sinh.

Lưu ý rằng các biện pháp điều trị kể trên phải được thực hiện ở bệnh viện. Bạn ở TP HCM thì có thể đến các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương để được khám, chẩn đoán xác định và có hướng điều trị phù hợp nhất.

Theo Anh Thư (Nld.com.vn)