HPV là nhóm virus bao gồm hàng trăm loại có khả năng tác động trên niêm mạc hoặc biểu mô. Tỷ lệ nhiễm HPV nói chung trong ung thư đầu cổ khoảng 26%, đặc biệt ung thư khẩu hầu (amidan và đáy lưỡi). Ung thư khẩu hầu nhiễm HPV là loại có đặc tính riêng về mô học, phân tử, lâm sàng và tiên lượng tốt hơn. Theo nghiên cứu có 15% trường hợp ung thư đầu cổ không liên quan rượu, thuốc lá và phần lớn trong nhóm này nhiễm HPV.
Ảnh minh họa: enzolifesciences |
HPV được phân thành hai nhóm:
Nhóm nguy cơ thấp: HPV type 6, 11, 40… gây bệnh u nhú lành tính ở da và niêm mạc.
Nhóm nguy cơ cao: HPV type 16, 18, 31, 33 có khả năng sinh ung thư loại tế bào gai cổ tử cung và đầu cổ. Trong đó HPV 16 chiếm tỷ lệ 90%.
Đường lây nhiễm HPV
Đa số người trưởng thành có tiếp xúc với HPV. Nhiễm HPV đường sinh dục thường gặp nhất, nữ bị nhiều hơn nam. Khoảng 80% phụ nữ nhiễm HPV, ở nam giới là 60%. Gần đây có nhiều nghiên cứu về nhiễm HPV đường miệng, tỷ lệ nhiễm ước tính khoảng 5-10%, nam nhiều hơn nữ. Thói quen tình dục bằng miệng (oral sex) là yếu tố nguy cơ lây nhiễm HPV đường miệng. Nhiễm HPV đường miệng gia tăng theo tuổi, nam giới, hút thuốc và số bạn tình.
Phòng ngừa nhiễm HPV
Hiện có hai loại văcxin đã được Mỹ công nhận và sử dụng rộng rãi để phòng ngừa ung thư cổ tử cung cho các bé gái. Văcxin có khả năng phòng ngừa nhiễm HPV 16, 18 nên làm giảm tỷ lệ ung thư đầu cổ. Ngoài ra nó còn được chứng minh là có thể gia tăng đáp ứng miễn dịch giúp loại bỏ hoặc làm giảm tế bào đã bị nhiễm HPV trước đó.
Bên cạnh văcxin, cần tập thể dục, vận động thể lực, có cuộc sống lành mạnh. Vệ sinh răng miệng thường xuyên, súc miệng và khò họng bằng nước muối hoặc các dung dịch sát trùng giúp loại bỏ bớt yếu tố nguy cơ lây nhiễm và phòng ngừa ung thư đầu cổ.
Theo Bs Lâm Đức Hoàng (VnExpress.net)
Trưởng Khoa Xạ 3, Bệnh viện Ung bướu TP HCM