Đau "vùng kín" là một trong những dấu hiệu cảnh báo vấn đề nghiêm trọng. Dù ngại ngần khi nhắc tới bệnh phụ khoa, mọi người cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu các triệu chứng kéo dài và trầm trọng. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống mà còn có thể gây vô sinh.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau "vùng kín" mọi người có thể tham khảo:
Nhiễm trùng
Triệu chứng nhiễm trùng âm đạo cơ bản là đau rát và ngứa "vùng kín". Nấm có thể gây sưng và phát ban ở trong hoặc ngoài âm đạo. Nếu gặp phải tình trạng này lần đầu tiên, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để họ đưa ra phương án điều trị tốt nhất.
Theo Wilfred Marion, nhà nghiên cứu kiêm tư vấn phụ khoa tại Trung tâm Sức khỏe Memorial Sloan-Kettering thuộc Đại học Weill Cornell Medical College, New York (Mỹ), sử dụng thuốc là phương pháp hiệu quả và phổ biến để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan trong "vùng kín".
Người bệnh thường sử dụng các loại kem chống nấm tới khi triệu chứng biến mất. Nếu bệnh không thuyên giảm và có dấu hiệu trầm trọng hơn, bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Gokhan Anil, bác sĩ phụ khoa tại Viện y học cổ truyền Mayo cho biết, các bệnh lây truyền qua đường tình dục như mụn rộp sinh dục, chlamydia, bệnh lậu đều có thể gây nên những cơn đau vùng kín dữ dội. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc bệnh mụn rộp sinh dục bắt nguồn từ vấn đề thần kinh và viêm nhiễm là 1/6 ở Mỹ. Các vết rộp có xu hướng dễ phát hiện và thường gây đau đớn dữ dội khi chạm vào.
Bệnh trở nên trầm trọng hơn khi kết hợp với viêm nhiễm. Tình trạng này gây sưng mô âm đạo, khiến khu vực vùng kín nhạy cảm hơn với đau đớn và ngứa rát.
Chlamydia, lậu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường có thể được loại bỏ bằng thuốc. Tuy nhiên, bệnh mụn rộp sinh dục không chữa được và mọi người chỉ có thể kiểm soát triệu chứng bệnh thông qua thuốc.
Khô âm đạo
Khô âm đạo bắt nguồn từ tình trạng rối loạn estrogen. Hormone này có vai trò tăng cường lượng máu chảy tới âm đạo, cải thiện độ dày của thành âm đạo và giúp bôi trơn vùng kín. Nếu cơ thể không sản sinh đủ estrogen, những cơn đau sẽ xuất hiện dù bạn không dùng thuốc tránh thai hay đang trong thời kỳ mãn kinh.
Nếu khô âm đạo ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, bạn nên đi khám để điều trị kịp thời. Angela Chaudhari, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề phụ khoa tại Bệnh viện Northwestern Memorial cho biết, bác sĩ có thể kê thuốc điều hòa nội tiết hoặc sử dụng biện pháp đặc biệt nhằm kiểm soát cơn đau.
Quá trình quan hệ
Đau rát "vùng kín" có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có đối tác của bạn. Mary Jane Minkin, bác sĩ phụ khoa kiêm người sáng lập trang web MadameOvary.com cho biết, mọi người khó thể nhận biết những cơn đau vùng kín với đau bụng.
Dương vật của nam giới có khả năng chạm tới cổ tử cung trong quá trình quan hệ. Do đó, hiện tượng này sẽ gây nên những cơn đau tức vùng bụng. Bạn hãy thử thay đổi vị trí hoặc sử dụng dầu bôi trơn nếu quá trình quan hệ không thoải mái.
Hội chứng vulvodynia
Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), vulvodynia là chứng bệnh đau âm đạo mãn tính không rõ nguyên nhân. Khoảng 9% phụ nữ có nguy cơ phải vật lộn với bệnh này. Hội chứng vulvodynia gây cảm giác khó chịu trong quá trình quan hệ hoặc sử dụng tampon.
Đối với một số phụ nữ, những cơn đau thường tự phát, không liên quan đến kích thích hay tình dục. Các triệu chứng cũng có thể tự đến và đi.
Các bác sĩ cho rằng, cơn đau xuất phát từ sự tổn thương sợi thần kinh nằm ngoài âm đạo và âm hộ. Đây là khu vực nhạy cảm nhất của vùng kín. Các bác sĩ có thể điều trị bệnh này bằng các loại thuốc bôi ngoài da như lidocaine.
Lạc nội mạc tử cung và viêm vùng chậu
Lạc nội mạc tử cung gây nhiều khó khăn cho công việc chẩn đoán. Bệnh xảy ra khi mô nội mạc tử cung phát triển ở khu vực ngoài tử cung như vùng chậu, bụng hoặc thậm chí là phổi. Tình trạng này gây nên những cơn đau đớn dữ dội, viêm nhiễm mãn tính và sẹo xung quanh mô.
Viêm vùng chậu là bệnh nhiễm trùng tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng. Chúng có thể làm xuất hiện các sẹo bên trong các cơ quan vùng chậu hoặc khiến các cơ quan này gắn chặt vào nhau, gây đau đớn khó chịu.
Bệnh có thể được chẩn đoán thông qua xét nghiệm và điều trị nhờ thuốc giảm đau hoặc tiến hành liệu pháp hormone.
Theo Hồng Quân (Helino)