Lão hóa ở phụ nữ tuổi mãn kinh

20/10/2019 09:06:20

Thời mãn kinh là một quá trình phức tạp mà tất cả phụ nữ phải trải qua khi họ ở độ tuổi trung niên.

Đối với một số người, các triệu chứng xuất hiện chỉ đơn thuần là không còn có kinh hàng tháng. Nhưng với nhiều người đó là một quá trình kéo dài trong một vài năm và gây ra một loạt các thay đổi cả thể chất lẫn tinh thần.

Dấu hiệu lão hóa

Trung bình một người từ tuổi trung niên (40 tuổi trở lên) có khoảng 3 bệnh hoặc rối loạn bệnh lý, phổ biến nhất là tiêu hóa, tim mạch, thoái hóa khớp. Đây là kết quả nghiên cứu của Viện Lão khoa Quốc gia về mô hình bệnh tật – sức khỏe của người lớn tuổi.

Từ tuổi trung niên, chức năng bài tiết dịch vị, men tiêu hóa sẽ suy giảm dẫn đến biếng ăn, kém hấp thu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung cấp dưỡng chất và năng lượng cần thiết khiến cơ thể bị suy nhược. Tình trạng này sẽ dẫn đến một vòng xoay luẩn quẩn chán ăn – suy nhược – chán ăn. Hậu quả là chức năng của hàng loạt các bộ phận trong cơ thể bị tác động, suy yếu như: giảm sức mạnh ở cơ, tim mạch, hệ nội tiết, phổi, tụy, chức năng nhận thức… làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và bệnh mãn tính, thúc đẩy quá trình lão hóa tăng nhanh.

Lão hóa ở phụ nữ tuổi mãn kinh

Sự thay đổi nồng độ hormone có thể gây ra các cơn bốc hỏa, đó là cảm giác nóng bừng ở da, đặc biệt làn da mặt kèm theo ra mồ hôi. Ngoài ra, tuyến thượng thận và buồng trứng của phụ nữ mãn kinh tăng tiết androgen. Những hormone này cùng với sự suy giảm estrogen, gây ra một số triệu chứng mãn kinh như giọng nói trầm, phì đại âm vật, bất thường phân bố mỡ và rậm lông.

Thay đổi về nhan sắc: da dễ bị nám sạm, đồi mồi, xuất hiện nhiều nếp nhăn; Ngực nhão, chảy sệ, mỡ tập trung nhiều vùng eo bụng, đùi, bắp chân làm cho cơ thể sồ sề, dễ tăng cân.

Thay đổi về sinh lý: mãn kinh là một bước ngoăt lớn trong cuộc sống “gối chăn” của người phụ nữ. Ở độ tuổi này phu quân vẫn còn đang sung sức, nhu cầu tình dục còn cao, trong khi đó ở phụ nữ, sự thay đổi của bộ phận sinh dục khiến ham muốn tình dục giảm dần, âm đạo kém đàn hồi và khô làm cho sinh hoạt vợ chồng khó khăn, gây đau khi giao hợp... Tất cả kéo theo những chấn thương về mặt tâm lý đe dọa hạnh phúc gia đình.

Thay đổi về tâm lý: thiếu hụt estrogen khiến người phụ nữ có những cơn bốc hỏa, vã mồ hôi, cáu gắt, hồi hộp lo âu, mất ngủ thâm chí có những trường hợp làm thay đổi tính tình.

Đảm bảo giấc ngủ - níu giữ tuổi thanh xuân

Giấc ngủ rất quan trọng nó giúp điều hòa khí huyết, giúp níu giữ tuổi thanh xuân và bảo vệ sắc đẹp chính vì thế đối với chị em tuổi tiền mãn kinh mất ngủ lại càng là nỗi ám ảnh hơn bao giờ hết.

Ngủ và thức dậy đúng giờ: chu kỳ ngủ – thức của chúng ta được quy định bởi đồng hồ sinh học trong não và cân bằng thời gian ngủ và thời gian thức của cơ thể. Việc tạo lập một thói quen ngủ – thức dậy đúng giờ sẽ đưa đồng hồ sinh học của bạn đi theo nhịp điều khiển đó, giúp dễ đi vào giấc ngủ mỗi đêm hơn nhờ sự điều khiển của não bộ.

Chế độ ăn uống khoa học: đây là nhân tố quan trọng tác động đến giấc ngủ của bạn. Không nên ăn quá nhiều hoặc uống quá no trước khi đi ngủ, đồng thời cũng cần giảm bớt lượng tinh bột và protein vào buổi tối. Bên cạnh đó, bạn cần hạn chế sử dụng các loại chất kích thích như rượu, cafe, thuốc lá,… bởi nó có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tác động trực tiếp đến giấc ngủ của bạn.

Tăng cường tập luyện thể dục: giúp cho quá trình lưu thông máu diễn ra tốt hơn và giữ được một tinh thần thoải mái, điều này sẽ khiến bạn dễ đi vào giấc ngủ. Bạn nên tập thể dục vào buổi sáng hoặc buổi trưa.

Theo BS. Thanh Tùng (Sức Khỏe & Đời Sống)

Nổi bật