Kết hôn được 3 năm, chị Phạm Thu Hằng (Hà Nội) bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu tổn thương ở bộ phận sinh dục như sùi nổi cao và sẩn lên như hạt cơm. Do không cảm thấy đau đớn nên chị không đi khám bác sĩ. Chừng hai tháng sau, các tổn thương nhiều lên, u nhú sùi và lan ra xung quanh, mùi hôi. Khi có tiếp xúc mạnh như quan hệ tình dục, âm đạo bị chảy máu. Đến bệnh viện khám, kết quả cho thấy chị bị sùi mào gà rất nặng.
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Khoa sản Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết, do không được phát hiện và điều trị sớm nên tình trạng sùi của chị Hằng rất nặng. Chị phải chữa trị lâu dài, theo từng đợt và kết quả phụ thuộc vào quá trình bảo vệ của bệnh nhân sau đó.
Thông thường, bệnh nhân mắc sùi mào gà không quá nặng được điều trị bằng phương pháp đốt lạnh. Đây là phương pháp truyền thống với ưu điểm trị bệnh an toàn, hiệu quả, tuy nhiên sẽ gây đau đớn cho người bệnh. Trường hợp nặng, bác sĩ dùng phương pháp đốt laser. Khi ấy tia laser có thể xâm nhập vào sâu âm đạo, tiêu diệt virus và các tổn thương, u nhú. Phương pháp được thực hiện trong vòng một giờ.
Các bác sĩ tiến hành đốt laser ba lần cho chị Hằng, mỗi lần cách nhau 2-3 tuần. Sau gần hai tháng, tình trạng bệnh của chị Hằng thuyên giảm. Bệnh nhân phải giữ vệ sinh sạch sẽ kết hợp dinh dưỡng lành mạnh, tránh các tiếp xúc mạnh. Theo bác sĩ, khi thể trạng cơ thể yếu, virus sẽ rất dễ xâm nhập và làm bệnh tái phát.
Sùi mào gà do virus HPV gây ra. Người mắc bệnh này ngày càng nhiều so với các năm trước. Hầu hết bệnh nhân đến khám khi có các dấu hiệu bất thường như xuất hiện sần sùi nhỏ li ti (trông như mào của con gà) có màu hồng nhạt, không gây đau đớn nhưng dễ chảy máu và có mùi hôi.
Sùi mào gà lây nhiễm qua nhiều đường, kể cả tiếp xúc thông thường. "Tay của mình cũng là điều kiện trung gian", bác sĩ Dung nhấn mạnh. Khi tay của bệnh nhân tiếp xúc với vùng bị nhiễm bệnh sau đó chạm vào các nơi như tay nắm cửa, bàn ăn... tạo điều kiện cho virus HPV lây lan. Người khác chạm vào các nơi này cũng sẽ bị lây bệnh. Nhiều trường hợp bác sĩ dùng dụng cụ không đảm bảo vệ sinh khám chữa cùng lúc cho nhiều bệnh nhân, dẫn đến tình trạng hàng loạt bệnh nhân bị nhiễm sùi mào gà mặc dù không có tiếp xúc cùng nhau.
"Quan hệ tình dục không an toàn khả năng bị nhiễm bệnh sùi mào gà rất cao", bác sĩ Dung cho biết. Bệnh cũng có thể xảy ra ở vùng miệng do lây lan từ quan hệ tình dục. Nếu để lâu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị những ảnh hưởng đến tâm lý, bội nhiễm, gây vô sinh, thậm chí có thể dẫn đến ung thư. Bệnh được phát hiện càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi càng cao và dễ dàng.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị sùi mào gà, trong đó có đốt laser. Phương pháp này ưu điểm là có thể triệt để loại bỏ nốt sùi trên da, ngăn chặn sự lây lan ra các tổ chức khác xung quanh. "Tuy nhiên, đốt xong không có nghĩa là sùi mào gà không tái phát", bác sĩ cho biết. Đây chỉ là biện pháp nhất thời điều trị ngoài da. Virus HPV vẫn còn trong cơ thể nên khi cơ thể có sức đề kháng kém, mụn sùi có thể sẽ mọc lại bất kỳ lúc nào. Vì thế, việc duy trì đời sống sinh hoạt lành mạnh là điều cần thiết.
Chi phí cho phương pháp đốt laser từ 500.000 đến 3.000.000 đồng.
Phòng bệnh:
- Quan hệ tình dục nên dùng bao cao su để đảm bảo an toàn.
- Rửa tay liên tục hạn chế được nhiều bệnh, trong đó có thể tránh lây lan virus sùi mào gà.
- Giũ gìn vệ sinh tại các nơi tiếp xúc để bảo vệ sức khỏe cho mình và người xung quanh.
Theo Thúy Quỳnh (VnExpress.net)