Chăm sóc cơ thể lúc mới dậy thì

08/03/2017 14:53:00

Hiện nay, dậy thì sớm không còn là vấn đề quá xa lạ. Điều đó đồng nghĩa có những bé gái 9 - 10 tuổi đã dậy thì. Dấu hiệu đầu tiên để biết mình đã thành thiếu nữ là xuất hiện kinh nguyệt.

Hiện nay, dậy thì sớm không còn là vấn đề quá xa lạ. Điều đó đồng nghĩa có những bé gái 9 - 10 tuổi đã dậy thì. Dấu hiệu đầu tiên để biết mình đã thành thiếu nữ là xuất hiện kinh nguyệt.

Khi mới thấy đèn đỏ, trẻ rất lo lắng, bối rối, lúng túng khi thấy máu chảy ở vùng kín. Trẻ thường loay hoay suốt ngày với vấn đề này. Hơn nữa, trong những ngày đèn đỏ, sức đề kháng của cơ thể giảm sút, do vậy, bé cần chăm sóc bản thân mình cẩn thận hơn những ngày khác. Các em nên làm việc nhẹ, đi lại nhẹ nhàng, không tập các môn thể thao đòi hỏi nhiều sức lực và luôn phải gắng sức như: chạy, bơi lội, tập gym cường độ cao trên máy móc, đẩy tạ… vì cơ thể dễ mệt mỏi, cộng hưởng thêm cơ thể không được khỏe trong khi đèn đỏ, bé sẽ rất dễ ốm. Bé cũng không nên dừng hẳn việc tập thể thao mà vẫn nên duy trì các môn nhẹ nhàng như đi bộ, thể dục tay không, bóng bàn, yoga…

Chăm sóc sức khỏe khi dậy thì sớm
Ảnh minh họa.

Việc đi du lịch trong những ngày này là vấn đề mà các em cần cân nhắc kỹ. Với những em có lượng máu kinh ít thì việc đi xa không quá phiền phức. Với những bé có lượng máu kinh nhiều khi đến tháng thì việc vận động khi đi xa và mất máu nhiều cùng lúc dễ khiến bé hoa mắt chóng mặt, thậm chí ngất xỉu. Nếu các em bị đau bụng khi có kinh thì cần phải nằm nghỉ ngơi, chườm ấm vùng bụng dưới. Chế độ ăn uống phải đủ chất dinh dưỡng, tăng cường chất đạm, chủ yếu là đạm động vật như thịt heo, thịt bò, tim gan, trứng và thức ăn có nhiều canxi giúp cho quá trình cầm máu, đông máu được tốt cũng như các thức ăn bồi bổ khác đủ cân bằng đạm, đường, chất béo, muối khoáng vitamin và chất xơ. Cần tránh các thức ăn có tính kích thích như rượu, bia, gia vị mạnh.

Trong những ngày đèn đỏ, máu ứ đọng lại trong vùng chậu và cơ quan sinh dục nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh phát triển nhanh chóng trong máu kinh. Vì vậy, bé cần tắm rửa sạch sẽ và thường xuyên hơn. Khoảng 3 - 4 tiếng nên thay băng vệ sinh một lần, nhất là những ngày ra nhiều (thường ngày thứ nhất, thứ hai). Mỗi lần thay băng phải rửa sạch bộ phận sinh dục bằng nước sạch, lưu ý không nên xối hay xịt nước, cọ mạnh vào “cô bé”, dễ bị sung huyết và trầy xước. Sau đó, dùng khăn sạch lau khô rồi mới đóng băng vệ sinh mới. Bé lưu ý, nếu không vệ sinh ngày đèn đỏ sạch sẽ, bé dễ bị các bệnh vùng kín như viêm nhiễm, khí hư có mùi, ngứa ngáy… Tuy nhiên, điều cần lưu ý là trẻ mới lớn chưa cần thiết phải dùng đến các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ bởi axít trong các dung dịch này có thể làm thay đổi và mất cân bằng môi trường âm hộ, khi đó, các tác nhân gây bệnh sẽ tấn công vùng kín.

Theo Thục Anh (Sức Khỏe & Đời Sống)