Các món cháo chữa bệnh khí hư

06/04/2019 20:00:00

Khí hư là một dấu hiệu của sự phát triển và hoạt động của cơ quan sinh dục nữ, có liên quan đến bệnh lý đường sinh dục.

Ngoài việc giữ ẩm cho âm đạo, khí hư còn có chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho tinh trùng vào tử cung khi có trứng rụng hoặc cản trở việc thâm nhập đó khi không có trứng đợi tinh trùng. Đông y cho rằng nguyên nhân do thấp nhiệt, tỳ hư, đàm thấp, can uất, thận hư gây ra khí hư. Chữa trị bệnh khí hư có nhiều cách, liệu pháp ẩm thực là một trong những biện pháp hữu ích, hiệu quả.

Các món cháo chữa bệnh khí hư
Cháo gạo nếp hạt sen.

Cháo dạ dày lợn, xa tiền thảo: gạo tẻ ngon 100g, dạ dày lợn 200g, xa tiền thảo khô 30g, nước, bột canh đủ dùng. Gạo tẻ vo sạch. Dạ dày lợn rửa sạch, thái miếng mỏng, chần qua nước sôi. Xa tiền thảo rửa sạch, cho vào túi vải, buộc kín. Cho tất cả các thứ trên vào nồi, đổ nước, hầm tới khi gạo thành cháo thì nêm bột canh vào là dùng được. Mỗi ngày ăn 1 thang, ăn liên tục trong 5 ngày. Món ăn có vị ngọt mặn, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp. Những người có khí hư do thấp nóng dùng rất phù hợp.

Cháo gạo nếp hạt sen, hạt súng: gạo nếp 100g, hạt sen, hạt súng 60g, nước, đường trắng đủ dùng. Gạo nếp vo sạch. Hạt sen, hạt súng rửa sạch. Hạt súng cho vào túi vải buộc kín, đổ nước nấu trong vòng 30 phút. Lấy nước hạt súng, đổ gạo và hạt sen vào đun nhừ thành cháo, nêm đường vào là dùng được. Mỗi ngày ăn 1 thang, chia làm 2 lần, ăn trong vòng 5 ngày. Món ăn có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng  kiện tì bổ thận, thích hợp với những người ra nhiều khí hư.

Cháo gạo lốc, đậu đỏ: gạo lốc 80g, đậu đỏ 20g, nước, đường trắng đủ dùng. Hai thứ trên rửa sạch. Cho đậu đỏ vào nồi, đổ nước đun chín, sau đó mới cho gạo lốc vào nấu nhừ thành cháo, nêm đường vào là dùng được. Ăn 2 lần/ngày, liên tục trong 5 ngày. Món ăn có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp. Những người bị ra khí hư do nóng thấp dùng là phù hợp.

Theo Bs. Đào Sơn (Sức Khỏe & Đời Sống)