Có rất nhiều nguyên nhân gây ra u tinh hoàn, bao gồm chấn thương, dị tật bẩm sinh, nhiễm khuẩn và các yếu tố khác.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Loại u tinh hoàn này là loại thường gặp nhất. Cứ 7 nam giới thì sẽ có khoảng 1 người bị tình trạng này. Phì đại tĩnh mạch ở tinh hoàn có thể gây ra các khối u ở tĩnh mạch thừng tinh. Các khối u này có thể sẽ dễ nhận thấy hơn sau tuổi dậy thì, vì khi đó, lượng máu đến tinh hoàn đã phát triển đầy đủ sẽ nhiều hơn.
Tràn dịch tinh mạc: Sự tích tụ dịch bên trong tinh hoàn có thể gây ra tình trạng tràn dịch tinh mạc. Trẻ sinh non thường sẽ có nguy cơ tràn dịch tinh mạc cao hơn.
U nang mào tinh: U nang mào tinh xảy ra khi mào tinh (ống dài, xoắn, nằm phía dưới tinh hoàn) chứa đầy dịch và không thể làm lượng dịch này thoát ra ngoài được. Nếu dịch này có chứa tinh trùng thì tình trạng này sẽ được gọi là u tinh dịch. Loại u tinh hoàn này rất phổ biến và thường sẽ tự biến mất.
Xoắn tinh hoàn: Xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn bị xoắn lại, thường là do chấn thương hoặc tai nạn. Đây là tình trạng phổ biến nhất ở bé trai 13-17 tuổi, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến nam giới ở mọi độ tuổi khác. Đây là một tình trạng cấp cứu cần được theo dõi và điều trị y tế ngay lập tức.
Viêm mào tinh hoàn và viêm tinh hoàn: Mào tinh hoàn là cấu trúc ở phía trên tinh hoàn có chức năng dự trữ tinh trùng. Viêm mào tinh hoàn là tình trạng viêm của mào tinh, thường là do vi khuẩn. Một số bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục như Chlamydia hay bệnh lậu cũng có thể gây viêm mào tinh hoàn. Nhiễm trùng vi khuẩn hoặc virut quai bị cũng có thể gây viêm tinh hoàn.
Ung thư tinh hoàn: Một khối u tinh hoàn không gây đau có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư. Bệnh diễn tiến thầm lặng nên khó phát hiện, đến khi phát hiện, đa số bệnh nhân lại ngại ngần không đi khám nên khối u ác tính ngày một to ra và xâm lấn toàn bộ tinh hoàn. Đến lúc toàn bộ tinh hoàn chỉ là khối ung thư thì đã muộn. Trong khi đó, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng, khả năng khỏi bệnh khá lớn.
Theo Thục Anh (Sức Khỏe & Đời Sống)