Khi X-men lần đầu được phát hành vào năm 2000, ý tưởng về một vũ trụ điện ảnh của các siêu anh hùng không mấy khiến Marvel mặn mà. Nói chung, phim siêu anh hùng là một canh bạc phòng vé, loại phim mà các ngôi sao và đạo diễn lớn có xu hướng né tránh. Tuy nhiên, gần 2 thập kỉ kể từ đó, thương hiệu X-men đã tạo được tiếng vang, phát hành lần lượt 12 phần phim, trong đó có 7 phần chính và 5 phần phụ (Người sói và Deadpool).
Một số phần trở thành bom tấn phòng vé, một số thất bại thảm hại, vài phần lơ lửng đâu đó ở khoảng giữa. "X-men: Phượng hoàng bóng tối" có thể xem là cuộc hội ngộ cuối cùng của nhóm dị nhân trước khi thương vụ sáp nhập Disney và 20th Century Fox diễn ra vào đầu năm nay.
"Phượng hoàng bóng tối" xoay quanh sự biến đổi của Jean Grey (Sophia Turner) khi một thực thể ngoài hành tinh xâm nhập vào cơ thể và mang đến cho cô sức mạnh hủy diệt đáng kinh ngạc. Đó cũng là lúc Jean khám phá ra những khoảng đen tối trong tâm trí mình, sự thù hận và giận dữ khiến cô không kiểm soát được sức mạnh và làm tổn thương những người yêu quý đang cố gắng giúp đỡ mình. Tạo hình của Jean Grey sau 13 năm đã có nhiều thay đổi tích cực, không rườm rà trong khoản phục trang, sự biến đổi được khắc họa bằng ánh mắt bốc lửa và đường nứt nham thạch trên khuôn mặt mỗi khi cơn thịnh nộ ập tới và cô không có cách nào kiểm soát được.
Sophia Turner được lựa chọn cho vai diễn này, một phần vì cô đã góp mặt với vai phụ trong "X-men: Khải huyền" do Bryan Singer làm đạo diễn. Singer đã chuyển sang dự án "Bohemian Rhapsody", do đó "Phượng hoàng bóng tối" được viết và đạo diễn dưới bàn tay Simon Kinberg. Kinberg là một nhà biên kịch kiêm sản xuất lâu năm ở Hollywood, lần đầu vào ghế đạo diễn đã không tránh khỏi những sai lầm. Trước khi ra mắt, "Phượng hoàng bóng tối" đã chịu không ít áp lực từ dư luận đến nỗi kịch bản phải sửa đổi và nhiều cảnh phải quay lại.
Tuy nhiên, phiên bản cuối cùng được hoàn thiện và công chiếu ngày hôm nay vẫn thực sự gây thất vọng tràn trề. Nếu như “X-men: Phượng hoàng bóng tối” thực sự là lời chia tay của nhóm Dị nhân với khán giả màn ảnh rộng, thì đây có lẽ là lời chia tay tẻ nhạt nhất của vũ trụ siêu anh hùng. So với cảm xúc bùng nổ mà “Avengers: Hồi kết” đã mang lại cho khán giả 1 tháng trước, “X-men: Phượng hoàng bóng tối” đã thất bại ngay từ vạch xuất phát trong cuộc đua phòng vé.
“Phượng hoàng bóng tối” không xuất sắc về mặt kịch bản, các nhân vật được sắp xếp trong một vòng tròn thiện ác, chính tà lẫn lộn, đúng như tinh thần chính của phim “anh hùng nào cũng có phần đen tối ẩn trong mình”, sự mâu thuẫn diễn ra không chỉ với một mình Jean Grey mà còn với cả những nhân vật khác. Nếu như đây là phần duy nhất bạn theo dõi trong series X-men, bạn sẽ khó lòng phân biệt được giữa Mystique (Jenifer Lawrence), Charles Xavier (James McAvoy), Eric (Michael Fassbender) ai mới là người tốt thực sự. Đây có lẽ là ý đồ của biên kịch, nhưng lại khiến khán giả trở nên hoang mang, thay vì thế, lẽ ra phim nên khơi gợi những cảm xúc tốt đẹp về phẩm chất của các dị nhân trong phần cuối để khán giả có thêm thời gian vui buồn với nhân vật.
Những lý do khởi tạo cao trào cho phim cũng chưa đủ kịch tính để đạt độ thuyết phục như mong muốn. Trong khi Xavier cố gắng thao túng tâm trí Jean để bảo vệ cô khỏi những nỗi đau của chính mình và ra sức giúp cô kiểm soát sức mạnh phượng hoàng, thì một vài người bạn dị nhân như Beast (Nicholas Hoult) và Eric (Michael Fassbender) lại giận dữ và tách mình thành một phe riêng nhằm tiêu diệt Jean. Tuy nhiên chỉ sau 40 phút phim tất cả đã lại về cùng một phe để chống lại âm mưu lớn hơn đến từ đám người ngoài hành tinh. Sự xuất hiện của những người ngoài hành tinh Vuk, đại diện là nhân vật của Jessica Chastain có liên kết chặt chẽ với câu chuyện, nhưng lại được thể hiện khá cẩu thả trên phim. Mục đích theo đuổi Jean của đám người này khá mơ hồ, Jean sở hữu trong mình siêu năng lượng hấp thụ ngoài vũ trụ, nhưng khán giả lại khó lòng cảm nhận được ý nghĩa sức mạnh của nguồn năng lượng đó đối với người ngoài hành tinh.
"X-men: Phượng hoàng bóng tối" được lấp đầy bằng những pha hành động có vẻ ngoài ngoạn mục, nơi các dị nhân chiến đấu vinh quang để bảo vệ gia đình và nhân loại. Nhưng bất chấp tính sử thi của câu chuyện, nó đã được chuyển thể một cách ẩu đoảng và tầm thường.
Tạm đặt yếu tố phim ảnh sang một bên, yếu tố chính trị trong phim được cài cắm một cách khá rõ ràng. Mở đầu bằng hình ảnh Mystique trong vai trò người lãnh đạo đội X-men khi giải cứu tàu gặp nạn ngoài vũ trụ. Jean trở thành người hùng trong giây phút sinh tử khi hy sinh thân mình để cứu nhà du hành cuối cùng còn sót lại trên tàu. Nhưng cũng chính sau đó cô trở thành tội đồ của nước Mỹ, bị săn đuổi và áp giải đặc biệt vì chống quân đội cùng cảnh sát thi hành công vụ và gây ra liên tiếp những vụ nổ kinh hoàng. Nhân vật phản diện trong phim cũng được chọn đại diện là một phụ nữ xinh đẹp, độc ác. Câu nói của Raven trong cuộc tranh cãi với Charles “đội X-men nên đổi thành X-women” đã khẳng định thêm tư tưởng nữ quyền trong phim.
Trong bối cảnh hàng nghìn người Mỹ đang phản đối chính sách chống phụ nữ của Tổng thống Trump và làn sóng phong trào nữ quyền ngày một lan tỏa rộng, Jean Grey là hiện thân của phái nữ hội tụ đầy đủ tài năng và sức mạnh nhưng phải chịu sự bất công và áp bức trong xã hội khi chính phủ và cả những người từng là gia đình đều muốn chối bỏ, thủ tiêu cô. Cuối cùng, sau tất cả, Jean vẫn đứng lên mạnh mẽ, tự tin bước trên con đường chân chính mình đã lựa chọn và tỏa sức mạnh phượng hoàng cứu loài người khỏi đại họa diệt vong.
Nhiều người cho rằng “X-men: Phượng hoàng bóng tối” lẽ ra không cần xuất hiện vì “X-men: Khải huyền” đã là Ngày tận thế hoàn hảo cho sự kết thúc của đội Dị nhân. Tuy nhiên sự tham lam của nhà sản xuất và cuộc chạy đua phòng vé đã đưa series X-men vào ngõ cụt. Nếu như là một người hâm mộ lâu năm của X-men, có lẽ bạn cũng nên ra rạp để nói lời chào tạm biệt, còn nếu như không thực sự hiểu biết về loạt phim này, lời khuyên chân thành cho bạn là hãy chọn một bom tấn khác đơn giản và gần gũi hơn.
“X-men: Phượng hoàng bóng tối” được công chiếu trên toàn quốc từ 7/6.
Trúc An (SHTT)