Web drama (phim chiếu mạng) là dạng phim phát sóng trực tiếp trên mạng mà không cần đến truyền hình truyền thống. Các sản phẩm này cũng đòi hỏi đầu tư bài bản giống như cách sản xuất phim truyền hình từ hình ảnh, âm thanh tới câu chuyện. Trước khi gặt hái thành công ở điện ảnh, Trấn Thành đo thử phản ứng của khán giả với web drama Bố Già.
Người dùng có xu hướng dịch chuyển sang hình thức giải trí trực tuyến, vì vậy việc đăng tải các sản phẩm phim ảnh lên nền tảng chia sẻ như YouTube, Facebook hay những ứng dụng cung cấp phim cho phép các nhà sản xuất phim giảm bớt thời gian kiểm duyệt. Phim ảnh cũng đến được đông đảo người xem hơn.
Do đòi hỏi buộc phải gây ấn tượng trong vài giây đầu khi giới thiệu sản phẩm, ê-kíp sản xuất có xu hướng "câu" khách bất chấp. Cảnh “nóng” vẫn là lựa chọn hàng đầu đối với một số người thực hiện web drama.
Ngay sau khi teaser bộ phim Sugar Daddy & Sugar Baby của đạo diễn Trần Bửu Lộc được hé lộ, nhiều khán giả ngạc nhiên vì những cảnh nóng ngập tràn trong clip quảng bá. Đoạn video quảng bá phim này cho thấy căn phòng "50 sắc thái" với những cảnh yêu đương nóng bỏng giữa các "sugar daddy" và "sugar baby". Thậm chí, cảnh phòng the còn để lộ cơ thể của diễn viên.
Gần đây, trong một tập của web drama Đại Cathay có cảnh quay nữ diễn viên bị lột đồ táo bạo và bị ép chụp ảnh khoe da thịt… Điều đáng nói là không hề có cảnh báo độ tuổi hay gắn mác phim 16+ hoặc 18+ trong phần giới thiệu. Phim Lan Quế Phường (2019) cũng gây tranh cãi khi phản ánh cuộc sống của gái làng chơi với tạo hình "thiếu vải" của dàn diễn viên.
Ngoài ra, một số người sản xuất web drama đăng tải những tập phim chứa nhiều hình ảnh không phù hợp thuần phong, mỹ tục nhưng không hề gắn mác độ tuổi. Sản phẩm chứa những hình ảnh "câu khách" này trôi nổi trên nền tảng YouTube.
Chuyên gia lĩnh vực tâm lý sàng lọc PGS.TS. Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm: “Công nghiệp văn hóa đang phát triển mạnh mẽ, phim ảnh cũng là một trong những khía cạnh của văn hóa. Văn hóa phải là sự kết tinh của những giá trị tốt đẹp và tích cực”.
Không ít người tham gia vào sản xuất nội dung nhưng không ý thức hết tác động tiêu cực do một số phim ngắn, phim chiếu mạng mang lại. Nhiều sản phẩm ít hàm lượng văn hóa, giáo dục vẫn tràn lan trên mạng Internet. Những sản phẩm phản văn hóa, hình ảnh tiêu cực ấy trên thực tế lại thu hút người xem do đánh vào tính tò mò. Tuy nhiên hệ lụy của nó lại ảnh hưởng đến định hướng nhận thức của giới trẻ.
PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ giải pháp căn cơ nhất hiện nay vẫn là giáo dục nâng cao nhận thức và thói quen hưởng thụ văn hóa cho cộng đồng. Những người làm sáng tạo nội dung phải nhìn nhận được giá trị nhân văn từ sản phẩm họ làm ra.
Bên cạnh sự giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, chuyên gia đề xuất cần có thêm chế tài xử lý đủ sức răn đe với những sản phẩm vi phạm nhằm thanh lọc sản phẩm phản văn hóa.
Theo Phạm Dinh - Hoàng Liên (Tiền Phong)