Chưa có bất kỳ chỉ thị nào được cơ quan chức năng công bố, nhưng biên kịch Uông Hải Lâm là người xác nhận những phim như Chiến lang 2 và Điệp vụ Biển Đỏ sẽ bị hạn chế tại Trung Quốc.
Uông Hải Lâm là biên kịch danh tiếng, thành viên Ủy ban sáng tạo của Hiệp hội Phim ảnh Trung Quốc. Sau phát ngôn của Uông Hải Lâm trên Weibo, các nhà sản xuất hay cơ quan quản lý văn hóa chưa lên tiếng bác bỏ.
Cư dân mạng Trung Quốc tranh cãi dữ dội về thông tin này. Nhiều người cho rằng việc khuếch trương sức mạnh vũ lực trong Chiến lang 2 và Điệp vụ Biển Đỏ không thể là trào lưu mới của điện ảnh Trung Quốc.
Lo ngại phim phô trương sức mạnh vũ trang
Chiến lang 2 là bộ phim lập kỷ lục doanh thu phòng vé ở Trung Quốc năm 2017. Bộ phim thu về gần 870 triệu USD doanh thu. Điệp vụ Biển Đỏ ra mắt năm 2018 cũng dễ dàng bỏ túi 525 triệu USD doanh thu.
Theo Dwnews, trong văn bản nội bộ do Tổng cục Phát thanh truyền hình điện ảnh Trung Quốc ban hành, phim ảnh không phải là công cụ tuyên truyền chính trị, phô trương sức mạnh lực lượng vũ trang.
Các tác phẩm điện ảnh, truyền hình không được khai thác sâu về hệ thống chính trị Trung Quốc, xây dựng hình ảnh các quốc gia phương Tây như lực lượng thù địch. Chính quyền buộc phải ra mặt sau khi dòng phim yêu nước bị chê là "thổi phồng lệch lạc".
Từ cuối thập niên 1980, chính quyền Trung Quốc đã nỗ lực cải tổ dòng phim tư tưởng yêu nước, khuyến khích các đạo diễn và biên kịch nhà nước học tập cách làm phim của những đồng nghiệp ở khối tư nhân. Nhưng phải đến khi giới tư nhân trực tiếp thực hiện, dòng phim này mới đạt được những thành công thương mại vang dội. Cùng với đó là nỗi lo mới.
Chiến lang 2 ra mắt thành công khi xây dựng hình ảnh người anh hùng Trung Quốc chống lại “cả thế giới”. Ngay sau Chiến lang 2, Điệp vụ Tam giác Vàng tiếp tục thắng lớn khi ra rạp cũng nhờ hình ảnh Trung Quốc cường đại so với phần còn lại của thế giới.
Điệp vụ Tam giác Vàng tung hô lực lượng công an Trung Quốc. Điệp vụ Biển Đỏ khoe tầm vóc của hải quân còn lực lượng không quân thể hiện sự kiêu hùng trong Thợ săn bầu trời (Phạm Băng Băng đóng chính).
Các loại vũ khí tối tân của quân đội Trung Quốc đều được trưng bày trong những bộ phim này. Binh sĩ hay công an Trung Quốc được mô tả như những siêu anh hùng đại trí đại tuệ, bách chiến bách thắng.
Mỗi tác phẩm đều chứa đầy những thông điệp khẳng định sức mạnh quốc gia Trung Quốc và mang tính cảnh báo với các nước khác. Khán giả thuộc lòng câu thoại trong Chiến lang 2: “Bất cứ kẻ nào dám khiêu chiến với Trung Quốc cũng đều bị tiêu diệt, cho dù mục tiêu có xa tới tận đâu”.
Sóng ngầm từ trong nước và bão tố trên mạng quốc tế
Theo Sina, ngay thời điểm Chiến lang 2 thành công, đạo diễn Phùng Tiểu Cương đã thốt lên: “Tôi không thể lý giải tại sao phim có thể thu về từng ấy tiền. Càng ngày, tôi càng không hiểu được thị trường phim ở Đại lục đang muốn cái gì”.
Quan điểm của Phùng Tiểu Cương vấp phải làn sóng phản đối. Nhưng sau Điệp vụ Tam Giác Vàng và sự phô trương sức mạnh quá mức trong Điệp vụ Biển Đỏ, khán giả cùng giới phê bình bắt đầu lo sợ sự phóng đại khiến thế giới ghét người Trung Hoa.
"Trung Quốc như một thế giới và các quốc gia còn lại là một thế giới khác", độc giả Douban viết.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết theo khảo sát của chuyên gia Timmy Chen thuộc Trung tâm Nghiên cứu Điện ảnh Trung Quốc, khán giả có trình độ học vấn cao không thể nuốt nổi Chiến lang 2, Điệp vụ Biển Đỏ…
“Đối tượng khán giả là công nhân, người di cư từ các tỉnh đến thành phố tỏ ra rất hào hứng và thích thú. Tuy nhiên, nhóm khán giả sinh viên đại học hay người có học vấn cao lại cho rằng phim đáng bị chỉ trích vì màu sắc viễn tưởng, phóng đại khoa trương quá mức”, ông Timmy Chen nói.
Giáo sư văn hóa Trung Quốc Tống Giang thuộc Đại học Hong Kong cho biết ông quan ngại khi xem Điệp vụ Biển Đỏ. Ông nói: “Là một khán giả xem phim, những gì còn lại trong tôi sau cùng chỉ là các cảnh đẫm máu”.
Nhà phê bình điện ảnh Lý Hoa e ngại lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đang bị các bộ phim lạm dụng thái quá. “Lấy chủ đề anh hùng nhưng các phim Trung Quốc đang ngày càng trở nên khát máu. Điệp vụ Biển Đỏ lấy chiến tranh để chống lại chiến tranh. Chủ đề yêu nước bị xòa mờ bởi bạo lực”, China Post dẫn lời ông Lý Hoa.
Người xem rợn người trước những cảnh tàn sát, cánh tay bị thổi bay và gương mặt bị nát phân nửa trong Điệp vụ Biển Đỏ.
“Chúng ta đang ở giai đoạn thế giới tìm đến hòa bình và đàm phán để giải quyết các xung đột. Việc sản xuất quá nhiều tác phẩm mang tính tuyên truyền sức mạnh quân sự là đi ngược xu thế”, nhà phê bình Gia Du viết trên Baidu.
Thành tích bết bát của dòng phim này khi ra mắt ở thị trường nước ngoài là câu trả lời chính xác nhất cho những nghi ngại. Chiến lang 2 đã bị hắt hủi khi công chiếu bên ngoài biên giới Trung Quốc. Điệp vụ Biển Đỏ gây nhiều tranh cãi về vấn đề lãnh hải.
Trả lời phỏng vấn Sina, Ngô Kinh thừa nhận: “Để phim tự sinh tự diệt ở thị trường nước ngoài”.
Nhiều nhà phê bình quốc tế cho rằng dòng phim này chỉ phô trương tinh thần Đại Hán và không mới lạ. Khán giả Mỹ cũng nhận xét Chiến lang 2 chẳng khác gì loạt phim hành động hạng B của Hollywood trong thập niên 1980.
"Chiến lang 2 dành cho những ai mong muốn rằng phim hành động hiện đại phải trở thành bản copy tệ hại của loạt phim Rambo. Và đáng tiếc Ngô Kinh không có sức quyến rũ như Stallone", nhà phê bình Simon Abrams đánh giá.
Theo Hiểu Nguyệt (Tri Thức Trực Tuyến)