World Music có lẽ là một trong những từ khóa về âm nhạc được tìm kiếm nhiều nhất trong khoảng từ năm 2020 cho đến nay. Đây là thể loại âm nhạc mang tính đặc trưng, thể hiện rõ sắc thái âm nhạc bản địa thông qua các nguồn tài nguyên về văn hóa của một quốc gia.
Thực chất, World Music bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ khá lâu, tuy nhiên phải đến những năm gần đây thể loại này mới thật sự bùng nổ và tạo ra một đế chế riêng tại thị trường nhạc Việt.
Sự bùng nổ của World Music tại Vpop
Đây chắc chắn không phải là thể loại âm nhạc mà ai cũng dám thử sức, bởi không chỉ đòi hỏi yếu tố về "cái chất" ở người nghệ sĩ mà nó còn yêu cầu cả một đội ngũ có chuyên môn, tư duy độc đáo để tạo nên thành phẩm cân bằng được giữa sự hàn lâm và giải trí.
Nhắc đến World Music tại Việt Nam, Hoàng Thùy Linh cùng với đội ngũ ekip của mình có lẽ là một ví dụ tiêu biểu mà ai cũng biết. Bắt đầu sự nghiệp âm nhạc với hình ảnh cô ca sĩ chuyên trị những ca khúc pop dance, cái tên Hoàng Thùy Linh được đánh giá là nhân tố khác lạ giữa thị trường quá nhiều nghệ sĩ thiên về ballad.
Tuy nhiên, phải đến khi tham gia The Remix và bản hit Bánh trôi nước được ra đời, cái tên Hoàng Thùy Linh mới thật sự bùng nổ trên khắp các mặt trận âm nhạc. Thành công ngoài sức tưởng tượng của Bánh trôi nước đã tạo tiền đề để Hoàng Thùy Linh khẳng định bản thân với hàng loạt "bom tấn" tiếp theo như album Hoàng, album Link bao gồm các bản hit như: Để Mị nói cho mà nghe, Duyên âm, Kẻ cắp gặp bà già, See tình, Bo xì bo, Tứ phủ,...
Thậm chí, See Tình đã trở thành hit quốc tế của Hoàng Thùy Linh khi phủ sóng ở nhiều quốc gia khác nhau. Mặc dù đã ra mắt khá lâu, nhưng hiện tại những giai điệu này vẫn đang rất được yêu thích trên thế giới.
Công thức thành công của Hoàng Thùy Linh hoàn toàn được nữ ca sĩ vạch ra rất rõ ràng: Một ca khúc bắt tai + Bản phối mang đậm âm hưởng dân gian kết hợp hiện đại + Một MV khai thác tốt những hình ảnh mang nét văn hóa Việt Nam = Một bản hit "đánh đâu thắng đó".
Không chỉ sở hữu tư duy âm nhạc tốt, Hoàng Thùy Linh còn có những người cộng sự tuyệt vời, điển hình chính là DTAP. Nhóm producer trẻ đầy tài năng này đóng góp vai trò không hề nhỏ trong việc tạo ra các bản hit đình đám của Hoàng Thùy Linh. Những sản phẩm của DTAP không chỉ đơn thuần là các ca khúc "giật đùng đùng", mà ẩn trong đó là những sự cài cắm đầy thú vị và hợp lý các chất liệu trong văn hóa dân tộc.
Một trường hợp gây bất ngờ nhất làng nhạc gần đây chính là Võ Hạ Trâm với ca khúc Về với em. Đây là dự án âm nhạc đậm màu World Music mà Võ Hạ Trâm vô cùng tâm đắc với chi phí đầu tư tiền tỷ.
Tuy nhiên, trái với Hoàng Thùy Linh, Võ Hạ Trâm không sử dụng những chất liệu mang màu sắc Việt Nam mà lại táo bạo thử sức với một bản phối đậm chất Ấn Độ. Tưởng chừng là một dự án không mấy khả quan, thế nhưng Về với em cùng Võ Hạ Trâm đã công phá các BXH âm nhạc, đem về thành tích mà đến "chính chủ" cũng không tin nổi.
Võ Hạ Trâm vốn là cái tên gắn liền với sự hàn lâm trong âm nhạc gần như suốt thời gian cô làm nghề, tuy nhiên đến dự án Về với em, nữ ca sĩ đã có màn "thoát xác" ấn tượng. Vẫn giữ được thế mạnh của mình là kỹ thuật thanh nhạc, nhưng Võ Hạ Trâm nay lại vô cùng phóng khoáng với cách xử lý bài hát hay những phân đoạn khoe vũ đạo điêu luyện khiến người xem trầm trồ.
Quay về thời điểm xa hơn một chút, Vpop cũng từng chứng kiến những bản hit đình đám mang đậm màu sắc âm nhạc World Music như: 2 phút hơn (Pháo), Chim quý trong lòng (Văn Mai Hương ft K-ICM), Bùa yêu (Bích Phương),... Sử dụng các chất liệu trong văn hóa dân tộc, các nghệ sĩ đã nắm được "then chốt" trong việc tạo ra các sản phẩm âm nhạc độc đáo, khác lạ giữa thị trường quá nhiều sự nhàm chán của thể loại ballad.
Không chỉ là một xu hướng âm nhạc
Nhìn xa hơn vấn đề, World Music không đơn thuần chỉ là một xu hướng âm nhạc. Thông qua các sản phẩm, người nghệ sĩ phần nào muốn truyền tải những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc đến với nhiều khán giả ở các độ tuổi khác nhau.
Những bản hit đình đám như: Bánh trôi nước (Hoàng Thùy Linh), Nam Quốc Sơn Hà (Erik ft Phương Mỹ Chi), Về nghe mẹ ru (NSND Bạch Tuyết và Hoàng Dũng),... không chỉ gây bão trên các BXH âm nhạc mà còn được khen ngợi khi truyền tải những giá trị văn hóa dân tộc như: Tác phẩm văn học, nghệ thuật cải lương, các giá trị lịch sử,...
Trở lại sau 3 năm vắng bóng, Hòa Minzy khiến nhiều khán giả "ưng bụng" với sản phẩm âm nhạc Thị Mầu. Nếu như ở Không thể cùng nhau suốt kiếp, Hòa Minzy đã khai thác câu chuyện lịch sử về Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại, thì trong lần trở lại này nữ ca sĩ đã lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nổi tiếng Quan âm thị kính. Đáng chú ý, Hòa Minzy còn khéo léo đưa bộ môn nghệ thuật hát chèo vào MV lần này với những ý đồ hết sức ý nghĩa.
Theo Hòa Minzy, chèo là một bộ môn nghệ thuật điển hình ở miền Bắc nhưng Thị Mầu lại quen thuộc với hầu hết mọi người: “Thị Mầu như một nhân vật kinh điển mà ai cũng có thể hình dung ra tính cách. Kiểu lẳng lơ của Thị Mầu ở tuổi 15, 16 sẽ có nét tinh nghịch chứ không phải từng trải, khôn ngoan. Tôi đã nghiên cứu kỹ nhân vật này để diễn ra nét hồn nhiên, tinh nghịch nhất của Thị Mầu. Để khán giả mọi miền xem MV đều thấy thoải mái, tôi đã đưa âm nhạc hiện đại, vũ đạo, trang phục đẹp, hiệu ứng bắt mắt vào sản phẩm, bên cạnh yếu tố chèo thuộc về miền Bắc".
Hòa Minzy cho biết, cô đã có dự định làm âm nhạc mang màu sắc dân gian và kết hợp với các tích cổ của Việt Nam từ lâu. Hòa Minzy không áp lực vì đã cố gắng hết sức mình: “Tôi cũng có sự khác biệt trong cách hát và sắc thái thể hiện. Tôi cố gắng đầu tư một MV chuyên nghiệp nhất, nếu không thể làm chỉn chu thì tôi không ra mắt bài này. Tôi không làm MV để kể câu chuyện mà muốn nhắc về thể loại chèo với khán giả trẻ. Mong các bạn trẻ sẽ biết đến bộ môn chèo nhiều hơn, vì nền âm nhạc Việt Nam có chèo rất hay nhưng lại đang bị mai một dần".
Nữ ca sĩ tiết lộ: “Chèo sống với người miền Bắc như tôi kể từ khi sinh ra và có tính Việt Nam rõ ràng. Bà nội tôi cũng từng mong tôi trở thành một nghệ sĩ chèo. Trong bất cứ cuộc thi nào tôi tham gia, nếu có cơ hội, tôi luôn muốn đưa thể loại âm nhạc truyền thống vào”. Ở Gương Mặt Thân Quen, Hòa Minzy đã thể hiện hát tuồng, cải lương, và trong một số chương trình giải trí khác, nữ ca sĩ thử thách mình hát bolero, nhạc cách mạng… Khiến khán giả thêm yêu các thể loại âm nhạc truyền thống của Việt Nam là điều Hoà Minzy luôn hướng tới.
Trường hợp 2 phút hơn của Pháo từng "thao túng" nhiều BXH âm nhạc thế giới, chuyên trang đánh giá âm nhạc Pitchfork còn gây bất ngờ khi đặt ra vấn đề: "Xu hướng mới nhất trên TikTok là... nhạc dân ca Việt Nam?".
Đặc biệt khi nói về siêu phẩm 2 Phút hơn của Pháo, tác giả bài viết nhận định: “Khi tôi biết rằng Tyga có màn hợp tác trong 2 phút hơn - một ca khúc tiếng Việt của rapper Pháo được phối lại bởi DJ Kaiz, phản ứng của tôi gói gọn là 'Hả?'. Đột nhiên tôi nhớ ra rằng Tyga cũng sở hữu trong mình nửa dòng máu Việt… Dĩ nhiên, anh ấy sẽ kết hợp với Pháo trong 2 phút hơn - một bản hit toàn cầu đã trở nên nổi tiếng nhờ video của nhân vật anime Zero Two lắc hông theo điệu nhạc trên TikTok. 2 phút hơn là một trong nhiều bài hát của Việt Nam đã lấn sân sang TikTok quốc tế gần đây...".
Nhìn chung, World Music vẫn đang là xu hướng âm nhạc được yêu thích tại Việt Nam. Không chỉ giúp Vpop thêm nhiều màu sắc rực rỡ, mà các nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc này cũng rất xứng đáng được tôn vinh khi luôn sáng tạo nghệ thuật trên các chất liệu văn hóa dân tộc.
Theo Thành Công (Saostar.vn)