See tình tiếp tục trở thành đề tài được khán giả quan tâm khi xuất hiện trong tập mới nhất của Running Man – show truyền hình thực tế nổi tiếng của Hàn Quốc. Ngoài ra, ca khúc cũng lấy được lòng nhiều nghệ sĩ xứ kim chi như nhóm EXO, Super Junior, Astro… Thậm chí, bản hit còn lọt vào bảng xếp hạng âm nhạc nước này, cạnh tranh nhiều ca khúc Kpop.
Khó phủ nhận đây là một trong những bản hit thành công nhất sự nghiệp Hoàng Thùy Linh. Thế nhưng, bên cạnh những đánh giá khen ngợi cũng có một số ý kiến thắc mắc, cho rằng tên tuổi giọng ca sinh năm 1988 không được lợi quá nhiều từ cơn sốt tại Hàn Quốc và các nước châu Á.
Hoàng Thùy Linh chưa thể “đạp gió”
Thành công của See tình khiến nhiều người nhớ đến Ghen Cô Vy từng “gây bão” năm 2020. Điểm chung của cả 2 là đều có drop (đoạn nhạc bất ngờ thay đổi nhịp điệu bài hát) bắt tai, kết hợp phần vũ đạo khiến nhiều người thích thú hưởng ứng. Nhưng Ghen Cô Vy trở thành hiện tượng toàn cầu còn See tình chỉ dừng ở phạm vi các nước châu Á.
Nhờ tính thời sự và nội dung ý nghĩa, ca khúc do Khắc Hưng sáng tác nhanh chóng được lan truyền mạnh mẽ. Bản hit liên tục xuất hiện trong nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài, điển hình là chương trình Last Week Tonight - do John Oliver làm MC, phát trên kênh HBO.
Điều đáng bàn là sau đó, tạp chí âm nhạc nổi tiếng Billboard (bản Mỹ và Nhật) còn có bài giới thiệu về Khắc Hưng như một yếu tố làm nên thành công của bài hát. Nhận xét về Ghen cô Vy, Billboard Mỹ dành nhiều mỹ từ và bày tỏ sự ngưỡng mộ với nam nhạc sĩ sinh năm 1992, ít nhiều giúp tên tuổi anh được ghi nhận.
Trái lại, Hoàng Thùy Linh vẫn chưa phải là một cái tên được truyền thông nước bạn quan tâm. Khi phân tích bản hit, các trang Nikkei Asia (Nhật), MK, Newspim (Hàn) dành nhiều lời khen cho bản phối và phần điệp khúc, nhưng không giới thiệu nhiều về ca sĩ.
Sau khi See tình gây sốt, sự nghiệp của Hoàng Thùy Linh cũng không được hưởng lợi quá nhiều. Cô vẫn là gương mặt được yêu thích nhưng khó gọi là bùng nổ, đột phá. Các MV sau này của nữ ca sĩ cũng chỉ thu hút được khán giả trong nước, chưa được khán giả quốc tế chú ý.
Nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng chỉ đoạn điệp khúc remix của See tình gây sốt chứ không phải cả bài hát. Khán giả ngoại quốc biết và thích See tình chủ yếu thông qua bản remix của nhóm Cukak hơn là bản gốc. Với bệ phóng là TikTok, bản remix được lan truyền với tốc độ mạnh mẽ, kết hợp điệu nhảy thú vị nên được nhiều người thích thú sử dụng trong các video.
Trường hợp của Hoàng Thùy Linh có phần giống Pháo. Năm 2020, nữ rapper sinh năm 2003 được chú ý với ca khúc Hai phút hơn nhưng nhờ bản remix của Kaiz. Không chỉ được khán giả Việt yêu thích, ca khúc nhanh chóng phủ sóng ở thị trường châu Á và sau đó là quốc tế.
Tính đến hiện tại Hai phút hơn (Kaiz remix) đạt hơn 281 triệu lượt xem. Song, khán giả quốc tế gần như không biết đến Pháo – người trình bày. Ở Việt Nam, tên tuổi nữ rapper cũng chưa thể thăng hạng. Cô vẫn phải nỗ lực để tạo ra bản hit mới, tham gia game show để tiếp cận khán giả nhiều hơn.
Nhạc remix làm lu mờ bản gốc
Nhạc remix vốn không phải là món ăn xa lạ với khán giả Việt. Năm 2017, chương trình Hòa âm Ánh sáng từng tạo ra nhiều bản remix được yêu thích, nổi bật có Ngày mai (Tóc Tiên). Sự trỗi dậy của mạng xã hội Tik Tok càng giúp cho nhạc remix được lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Trước See tình, có không ít ca khúc nhạc Việt bỗng nhiên được yêu thích thông qua trào lưu remix trên TikTok. Chẳng hạn như Hương (Văn Mai Hương), Chạy về khóc với anh (Erik), Sau lưng anh có ai kìa (Thiều Bảo Trâm),….
Khó phủ nhận công lớn của TikTok trong việc làm tăng độ phủ sóng của các bản hit. Thế nhưng, mặt trái của nó là chỉ giúp các bản remix được biết đến chứ không phải ca khúc gốc.
Trường hợp tệ hơn, người nghe chỉ biết đến ca khúc mà không quan tâm ai đang hát. Đơn cử là ca sĩ trẻ Huyền Tâm Môn. Nhiều người vẫn không biết cô là ai dù có nhiều ca khúc gây bão trên TikTok như Phố đã lên đèn, Lần hẹn hò đầu tiên, Tình đã đầy một tim… Các sản phẩm cũng không tạo được hiệu ứng mạnh trên YouTube, nổi bật nhất là Phố đã lên đèn chỉ đạt hơn 8 triệu lượt xem.
Tương tự, người dùng TikTok có thể từng nghe Hạ còn vương nắng nhưng chưa chắc nhớ tác giả DATKAA (sinh năm 2000), hay nghe Bỏ em vào ba lô nhưng chẳng biết Tân Trần sáng tác.
Quay trở lại với See tình, hiện MV chỉ đạt hơn 47 triệu lượt xem. Trên Spotify, lượt nghe bản gốc là hơn 20 triệu, trong khi bản Cucak Remix ra đời sau nhưng đã đạt hơn 19 triệu. Điều này cho thấy thành công của bản remix không ảnh hưởng quá nhiều đến bản gốc.
Về cơ bản, khán giả quốc tế yêu thích See tình nhưng chỉ biết đến đoạn điệp khúc remix. Tên tuổi Hoàng Thùy Linh vẫn chưa thể hưởng lợi nhiều từ cơn sốt này. Đây là mặt tích cực và cũng là tiêu cực của các bài hát nổi lên nhờ TikTok.
Để khắc phục hạn chế này, nghệ sĩ Việt cần có chiến lược cụ thể khi quyết định chọn mạng xã hội này làm kênh phát hành. Các nhà sản xuất cũng cần tính toán kỹ hơn để có thể giúp ca sĩ thăng hạn chứ không chỉ riêng bài hát.
Theo Minh Nhật (Tiền Phong)