Trâu đực, trâu cái và chuyện "méo mặt" ở trường quay Việt

19/11/2015 09:00:31

Không có trường quay chuyên dụng, nhiều NSX phim Việt “méo mặt” khi gặp phải tình huống dở khóc dở cười trong quá trình quay phim.

Không có trường quay chuyên dụng, nhiều NSX phim Việt “méo mặt” khi gặp phải tình huống dở khóc dở cười trong quá trình quay phim.

Thông thường, khi quay phim, các đoàn làm phim thường mất 1 thời gian khá dài tìm bối cảnh. Vấn đề này sẽ rất đơn giản nếu đoàn phim có thể tìm được 1 trường quay phù hợp. Tuy nhiên, đa phần các bộ phim Việt vẫn phải sử dụng bối cảnh là không gian sinh hoạt thực.

Chính điều này đã tạo nên không ít tình huống “dở khóc dở cười”, đồng thời cũng ảnh hưởng khá lớn tới tiến độ sản xuất của các đoàn phim.

Theo lời ông Lê Hồng Quang – đạo diễn se-ri phim Ván cờ vồ, vấn đề lớn nhất khi đi quay phim ở Việt Nam chính là việc “canh tiếng động” và “canh bối cảnh”:

“Ở Việt Nam không có phim trường đủ rộng và hiện đại để có thể dựng bối cảnh theo yêu cầu kịch bản, chính vì thế, chúng tôi thường mất khá nhiều thời gian và công sức để tìm cho được bối cảnh mình cẩn cho mỗi cảnh quay.
 

Đạo diễn Lê Hồng Quang (áo xanh) đang chỉ đạo diễn xuất. Ảnh hậu trường phim Ván cờ vồ 3.

Khi tìm được bối cảnh phù hợp rồi, chúng tôi còn cần phải cải tạo, bổ sung rất nhiều… để nó thực sự đúng yêu cầu kịch bản. Thế nhưng, cũng không thể tránh được một số tình huống bi hài.

Năm 2014, khi quay Ván cờ vồ 2, chúng tôi cất công đi tìm một số ngôi nhà cổ để làm bối cảnh nhà của 1 nhân vật trong phim. Chủ nhà đã đồng ý cho chúng tôi thuê lại nhà.

Tới sát ngày quay, chúng tôi tới nhà đó để làm công tác cải tạo bối cảnh thì chủ nhà bất ngờ thông báo: Gia đình mới có tang, không cho phép đoàn sử dụng nhà để quay phim.

Ở vào hoàn cảnh đó, chúng tôi không thể quay ở bối cảnh đó. Nhưng đã sát ngày quay, việc tìm và chuẩn bị 1 bối cảnh mới gây không ít khó khăn cho chúng tôi.
 

Hiện nay ở Việt Nam hầu như không có phim trường đủ tiêu chuẩn nên các đoàn phim thường phải tự tìm bối cảnh quay. Ảnh hậu trường phim hài Lộn về.

 
Lần khác, khi cả đoàn đang quay thì bất ngờ, chủ nhà tỏ thái độ khó chịu, thậm chí nói thẳng rằng: Chỉ cho phép quay hết ngày hôm nay thôi.

Trong khi đó, theo lịch, chúng tôi còn phải quay ở đó tới 3 ngày nữa. Không còn cách nào khác, chúng tôi đành cử người nói khó với chủ nhà, hứa hẹn tăng tiền thuê bối cảnh thì họ mới để đoàn tiếp tục làm việc.

Không chỉ riêng chuyện thuê bối cảnh, việc quay phim ở khu vực dân cư cũng khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn.

Phải thu tiếng trực tiếp nên bất cứ âm thanh không mong muốn nào phát ra từ hiện trường đều khiến chúng tôi phải thực hiện lại đúp quay đó từ đầu và chuyện phải quay lại không phải hiếm.
 

Không dễ để chọn được bối cảnh quay phim. Ảnh hậu trường phim Ván cờ vồ 3

Thông thường, mỗi khi quay phim, người dân xung quanh sẽ kéo tới xem rất đông. Trước khi bấm máy, chúng tôi đều phải có lời nhờ mọi người giữ trật tự.

Thế nhưng, họ không hiểu công việc của chúng tôi nên rất hồn nhiên: Khi diễn viên đang diễn, âm thanh đang được thu trực tiếp, họ vô tư cười đùa, ho khạc, bình luận… như khi xem tivi.

Mỗi lần như vậy, cả đoàn rất mệt mỏi, diễn viên thì mất cảm hứng diễn vì cứ phải làm đi làm lại nhiều lần.

Có lần, phải quay 1 cảnh ngoài đường làng. Khi máy đang chạy, diễn viên đang “phiêu” thì có một số người dân cần đi qua khu vực đó.
 

Mỗi khi có đoàn phim xuất hiện, người dân thường kéo đến xem rất đông. Ảnh hậu trường phim Đại gia chân đất 6.

 
Người giữ bối cảnh có nói với họ hãy tắt máy xe và chờ đôi phút để chúng tôi hoàn thành cảnh quay. Thường thì mọi người sẽ vui vẻ hợp tác, nhưng đôi khi cũng gặp phải một vài người khó chịu.

Những người này không chỉ vẫn điều khiển xe chạy qua máy quay mà còn nói như quát vào mặt người giữ cảnh: “Việc các ông quay thì các ông cứ quay, việc tôi đi thì tôi phải đi”, thậm chí, còn văng tục.

Tất nhiên là chúng tôi không thể giữ họ lại và cả đoàn đành phải dừng tất cả công việc, chờ họ đi qua rồi… quay lại từ đầu”.

Dở khóc dở cười vì đạo cụ, thiết bị

Trong khi đó, đạo diễn Trần Bình Trọng lại có những câu chuyện khá thú vị về đạo cụ quay phim.

“Trong Đại gia chân đất 6, có 1 cảnh quay con trâu kéo siêu xe. Nghệ sĩ Chiến Thắng là người sẽ diễn xuất cùng “diễn viên – đạo cụ” đặc biệt này.

Mặc dù đã làm quen với con trâu từ trước khi quay nhưng đến khi quay thì nó nhất định không chịu hợp tác. Ngay lập tức nhân viên đạo cụ của đoàn phim thuê tiếp một con trâu chuyên kéo gỗ thực hiện cảnh quay.

Đây là 1 con trâu đực, nó rất hợp tác và ngoan ngoãn. Thế nhưng, khi có mấy con trâu cái đi gần đó, con trâu đực bất ngờ lồng lên đuổi theo đàn trâu cái và rứt đứt toàn bộ dây kéo đạo cụ.
 

Để có được cảnh quay con trâu kéo siêu xe, đoàn phim Đại gia chân đất 6 đã mất 2 ngày quay.

 
Anh chủ trâu đuổi theo nhưng cũng không kéo được con trâu tách ra khỏi đàn trâu cái. Lúc đó mặt trời cũng đã hết nắng, và chúng tôi mất một buổi chiều mà không quay được gì.

Để có được cảnh con trâu kéo chiếc siêu xe, đoàn phim phải lựa chọn đến con trâu thứ tư mới thực hiện được.

Cảnh quay này chỉ xuất hiện đúng 2 phút trong tổng thời lượng của bộ phim, nhưng để thực hiện được nó, chúng tôi đã mất 2 ngày vừa chuẩn bị, vừa quay”.

Để tạo nên được 1 thước phim, các bộ phận trong ê-kip sản xuất phải phối hợp với nhau 1 cách nhịp nhàng: Diễn viên diễn và thoại chuẩn, quay phim chọn góc máy và bắt nét tốt, người phụ trách âm thanh phải tập trung…
 

Để có được 1 cảnh quay, rất nhiều bộ phận trong ê-kip sản xuất phải phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng.

 
Đôi khi, chỉ 1 mắt xích nhỏ trong guồng máy thiếu tập trung thì công sức của cả đoàn coi như đổ sông đổ bể.

“Không ít lần diễn viên say sưa diễn cả 1 trường đoạn phim khá dài. Tất cả: Diễn xuất, ánh sáng, góc máy… đều rất tốt. Nhưng khi tôi hô “cắt” để chuyển cảnh thì người phụ trách âm thanh bất ngờ đề nghị cho quay lại.

Mọi người nhao nhao hỏi vì sao thì nhận được câu trả lời: “Em quên gắn micro thu tiếng diễn viên” hoặc: “Em chưa thu được tiếng”.

Tất nhiên là không thể khắc phục bằng cách nào khác, ngoài việc cho thực hiện lại cảnh quay từ đầu”, Đạo diễn Lê Hồng Quang chia sẻ.
 
>> Người Việt tự đầu độc văn hoá: Thay máu cho điện ảnh
>> "Câu hỏi số 5": Có hình nhưng chưa sự

Theo Thảo Nguyên (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật